Sửa Luật Thủ đô nhằm tạo môi trường đầu tư cạnh tranh lớn
Với mục tiêu trở thành trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế, Thủ đô Hà Nội cần có các chính sách hỗ trợ nguồn lực, tạo môi trường đầu tư có sức cạnh tranh lớn.
Sáng 15/3, tọa đàm “Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng Thể chế vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô" đã được tổ chức với mong muốn ghi nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhân dân đối với dự án sửa đổi luật trên.
Sau gần 10 năm thi hành, việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Hà Nội đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, một số nội dung của Luật Thủ đô trong quá trình thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu tại sự kiện, bà Dương Thị Thanh Mai - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp: “10 năm thực thi Luật Thủ đô là 10 năm hệ thống pháp luật Việt Nam trên nền tảng của Hiến pháp 2013 có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng luật, những luật ban hành sau mà có điều chỉnh các vấn đề mà đã được quy định trong Luật Thủ đô thì phải áp dụng các luật sau. Vì vậy nên một số chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô phần nào đã bị “vênh" chính sách đối với các luật ban hành sau”.
Trong 14 quy định về chính sách đặc thù của Thủ đô lại có 9 điều giao cho chính quyền Hà Nội ban hành các văn bản chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.
Đơn cử như vấn đề cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, điều này đã được ban hành các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tuy nhiên vướng các văn bản chi tiết Luật Xây dựng ban hành sau Luật Thủ đô. Điều này phải chờ đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thì phần nào những vướng mắc mới được giải quyết.
Vấn đề tiếp theo được bà Mai nhấn mạnh là tính khả thi, phù hợp của các chính sách trong Luật Thủ đô. Mặc dù chính sách đều đúng nhưng còn chung chung, mang tính định hướng, thiếu các cơ chế thực hiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện.
Tại tọa đàm, TS. Lê Dương Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam chia sẻ: “Khi xây dựng một luật mới hay sửa đổi một bộ luật điều quan trọng là phải giải quyết được các nhu cầu thực tiễn. Chúng ta đang xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của đất nước, tuy nhiên điều kiện để đảm bảo nguồn lực cho việc này còn khá khó khăn”.
Theo ông Bình, nhu cầu phát triển của Thủ đô là tạo môi trường đầu tư có sức cạnh tranh lớn nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém, điều này gây ra những bức xúc đối với nhà đầu tư, với người dân,... Cơ sở hạ tầng thấp kém liên quan trực tiếp đến hệ thống giao thông, logistic và nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, Hà Nội có tiềm năng rất lớn về tài sản công nhưng việc sử dụng đang còn rất lãng phí. Ví dụ như câu chuyện về biệt thự, đó là khối tài sản vô cùng lớn. Nếu có cơ chế sử dụng hợp lý sẽ đem lại nguồn hỗ trợ cho quá trình phát triển của thủ đô. Tương tự như vậy, nếu giải quyết được các vấn đề xa hơn về đất đai sẽ tạo nguồn lực rất lớn để phục vụ quá trình xây dựng và phát triển thủ đô.
Đồng tình với ý kiến của các vị diễn giả trên, Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam bổ sung thêm rằng: “Hà Nội đang gặp phải những khó khăn với vị thế là một siêu đô thị. Cụ thể, nhìn lại thời gian qua, việc phát triển về xây dựng tại Hà Nội đang liên tục tăng lên, cùng với đó là các vấn đề như tắc đường, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm lưu vực các dòng sông”.
Ngoài ra, theo ông Quang, Thủ đô Hà Nội còn thiếu các trung tâm vui chơi, văn hóa để đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần của thủ đô hay cây xanh.
Từ đó, theo quan điểm của ông Quang: “Mặc dù Luật Thủ đô 2012 có tạo các điều kiện phát triển nhất định nhưng đối mặt với sự phát triển chóng mặt của một siêu đô thị thì chúng ta cần những cơ chế, chính sách đồng bộ, đột phá để phát triển Hà Nội trong tương lai".
Về định hướng xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội đề xuất 9 nhóm chính sách, gồm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô.
Song song đó, huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.