Sửa Luật Thủ đô: Phân quyền mạnh hơn trong tổ chức bộ máy, biên chế
Hôm nay (10/11), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 6. Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự Luật là trao quyền cho Hà Nội được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ.
Để thúc đẩy Thủ đô phát triển, các chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần mạnh dạn hơn nữa trong trao quyền cho TP Hà Nội.
Bộ máy chính quyền cơ sở bị quá tải
Quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều xã, phường, thị trấn tại Hà Nội gia tăng dân số, không chỉ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng mà còn khiến bộ máy chính quyền cơ sở chịu áp lực, dẫn đến quá tải.
Đơn cử, là phường có số lượng dân cư lớn nhất Hà Nội, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) phải kiêm nhiệm nhiều việc. Hơn 10 năm qua, khi những tòa chung cư với hàng vạn dân về ở khiến dân số của phường đã tăng gấp 6 lần, tương đương bằng một quận, nhưng đội ngũ cán bộ vẫn không thay đổi, dẫn đến “quá tải” công việc. Trung bình một ngày, bộ phận “một cửa” tiếp nhận trên 100 lượt người dân. Thời gian làm việc trung bình một ngày của công chức phường khoảng 10 tiếng.
Nếu tính theo số dân/biên chế công chức thì hiện nay ở Hà Nội là: 1.016 người dân/1 công chức (trong khi trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay khoảng 686 người dân/1 công chức. Chính vì vậy, quy định việc phân quyền cho Hà Nội được chủ động trong việc quyết định số biên chế tăng thêm sẽ tạo được cơ sở pháp lý cần thiết giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô.
Vấn đề đặt ra từ việc nhân dân đến định cư sinh sống lớn là gánh nặng và trách nhiệm lớn với chính quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính là nhu cầu của người dân. Khối lượng công việc lớn trong khi số lượng cán bộ công chức không tăng, còn đang thiếu, và nhiều người không phải làm một thủ tục mà có thể làm nhiều thủ tục nên chiếm nhiều thời gian và khối lượng công việc rất nặng nề.
Nghị định số 33/2023 của Chính phủ quy định số lượng cán bộ, công chức đối với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người. Hiện tại, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường trên địa bàn Hà Nội là 15 người/phường.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, về quy định tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Phương án thứ 2, HĐND TP Hà Nội được quyết định biên chế công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của Hà Nội.
Với vị thế, vai trò của Thủ đô, các chuyên gia đề xuất cần thiết tăng thẩm quyền cho Hà Nội chủ động quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và bảo đảm cơ sở pháp lý khi quy định này đang được triển khai tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Cho phép Hà Nội được chủ động
Theo các chuyên gia, tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ là một trong những vấn đề cơ bản của tổ chức chính quyền mỗi địa phương. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần đầu tiên có quy định về tổ chức chính quyền tại TP Hà Nội. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là trao quyền cho thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ. Các quy định này đã đáp ứng được yêu cầu cần luật hóa những chính sách để phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS-TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia) cho hay, việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã gặp phải một số bất cập, một công chức cấp xã phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ, lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau, thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho chủ tịch xã, thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công và theo quy định của pháp luật, phải am hiểu nhiều kiến thức pháp luật tổng hợp như một công chức địa chính, xây dựng, môi trường; phải nắm được nhiều quy định pháp luật và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành…
Do đó, PGS-TS Trần Thị Diệu Oanh đề nghị, để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển Thủ đô Hà Nội, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế, cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại Hà Nội, có chính sách trọng dụng nhân tài, thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù, thẩm quyền của HĐND, UBND TP Hà Nội.
“Chúng ta cần tăng tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND. Đồng thời, cho phép TP Hà Nội được chủ động trong việc giao biên chế đủ đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước. Với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể về phân quyền cho HĐND, UBND TP Hà Nội và HĐND, UBND thuộc TP Hà Nội” - PGS-TS Trần Thị Diệu Oanh đề nghị.
Trong khi đó, về việc phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, GS-TS Phạm Hồng Thái (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, vấn đề đặt ra là Hà Nội có cần thành lập thêm các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP hay không? Nếu cần thì việc giao cho HĐND TP Hà Nội quyết định là hợp lý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, việc giao cho HĐND TP Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi vì liên quan đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.
Theo các chuyên gia, so với các địa phương khác, yêu cầu quản lý Nhà nước tại Hà Nội vừa phức tạp hơn, vừa đòi hỏi giải quyết nhanh hơn lại dễ nhạy cảm về chính trị, xã hội. Do đó, các quy định đặc thù về biên chế và công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể hiện sự chủ động của chính quyền tại TP Hà Nội.
Trong đó, UBND TP được đề xuất tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Việc tăng biên chế giúp Hà Nội có thể chủ động được nhân lực cho các yêu cầu thực tế trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, yêu cầu phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
Có thể thấy, tổ chức bộ máy biên chế là nội dung dự thảo Luật quy định thể hiện phân quyền, tạo chủ động cho các cấp chính quyền TP Hà Nội mạnh mẽ hơn cả. Đây chính là tiền đề bảo đảm cho Hà Nội có bộ máy chính quyền phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cũng như phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh hợp lý nhất với yêu cầu phát triển Thủ đô.