Sửa Luật Thủ đô: Trình Quốc hội cho Hà Nội lập 2 thành phố thuộc thành phố
Theo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và bổ sung thành phố thuộc thành phố...
Chiều 10/11 thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo Luật tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, quy định mới 38 điều), trong đó đề xuất nhiều cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn; đầu tư, quản lý sử dụng đất đai…cho Hà Nội.
ĐỀ XUẤT NHIỀU CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO HÀ NỘI
Về mô hình tổ chức, dự thảo luật thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc Tp.Hà Nội.
Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo phương án Chính phủ đề xuất, dự kiến sẽ thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc thành phố logistics, dịch vụ gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía tây sẽ là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai. Hai thành phố này sẽ có những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, UBND, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung đặc thù như Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, tương tự cơ chế áp dụng cho Tp.Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND Tp.Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại Tp.Hồ Chí Minh).
ĐỀ XUẤT CHO PHÉP TÁCH DỰ ÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG RA KHỎI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG
Dự thảo cũng mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ…, bao gồm dự án đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng đường giao thông hiện có…
Quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ diện tích, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép, loại công trình phụ trợ bán kiên cố.
Tương tự cơ chế áp dụng cho Tp.Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định giao Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.
Về đầu tư, cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho Khánh Hòa).
Phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, UBND Tp.Hà Nội. Ví dụ như Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng... Cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược… nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, Tp.Hồ Chí Minh)…
Báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền Tp.Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.
Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị-hành chính của quốc gia, là đô thị đặc biệt.
Các nội dung đã và đang thực hiện thí điểm ở Hà Nội và các địa phương khác qua sơ kết, tổng kết thấy có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Thủ đô, có sự thống nhất cao thì nghiên cứu đưa vào luật. Các nội dung chưa rõ, chưa thật ổn định, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu…
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 10/11/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Quy mô kinh tế của Hà Nội ngày càng lớn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hà Nội là đầu não, bộ mặt, trái tim, tức là tất cả những tinh túy nhất. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, là thành phố vì hòa bình. Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến giữa thế kỉ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước. Xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”. Lần sửa đổi này cũng có thuận lợi khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết đặc thù cho Tp.Hồ Chí Minh, với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với các địa phương khác. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.