Sữa Quốc tế (IDP) phải phát hành 500 tỷ cổ phiếu để trả nợ, giá IDP vẫn vụt tăng khi quỹ ngoại rót vốn

Thông tin Sữa Quốc tế (IDP) được quỹ ngoại rót vốn đã khiến giá cổ phiếu vụt tăng. Tuy nhiên cơ cấu tài sản của đơn vị này vẫn tiềm ẩn rủi ro khi nợ ngắn hạn cao vượt vốn chủ sở hữu.

Sữa Quốc tế (IDP) đà tăng trưởng giảm tốc, cổ phiếu vẫn bật tăng khi quỹ ngoại rót vốn 1,370 tỷ đồng

Trước thông tin về việc quỹ Daytona Investments Pte. Ltd thông báo mua 5,3 triệu cổ phiếu IDP của CTCP Sữa Quốc Tế (IDP) trong ngày 12/4 đã khiến giá cổ phiếu này bật tăng. Chỉ trong phiên giao dịch ngày 12/4/2023, đã có 6,5 triệu cổ phiếu IDP được giao dịch với giá giao dịch trung bình là 257.600 đồng/cổ phiếu.

Dòng tiền khối ngoại đã mua vào 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương với số tiền là 1.370 tỷ đồng. Sau giao dịch này, quỹ ngoại Daytona Investments Pte. Ltd đến từ Singapore đã sở hữu 8,99% vốn điều lệ của IDP và trở thành cổ đông lớn của công ty.

 Sữa Quốc tế (IDP) phải phát hành cổ phiếu lấy gần 500 tỷ đồng để trả nợ và mua nguyên liệu. Thế nhưng giá cổ phiếu vẫn cao, thậm chí vụt tăng khi được quỹ ngoại rót vốn (Ảnh TL)

Sữa Quốc tế (IDP) phải phát hành cổ phiếu lấy gần 500 tỷ đồng để trả nợ và mua nguyên liệu. Thế nhưng giá cổ phiếu vẫn cao, thậm chí vụt tăng khi được quỹ ngoại rót vốn (Ảnh TL)

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của Chứng khoán Bản Việt (VCI), ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI kiêm Chủ tịch HĐQT IDP đã tiết lộ về việc có một đối tác Singapore mua lại cổ phần tại IDP với giá 258.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi giá vốn của VCI đầu tư ban đầu cho IDP là dưới 50.000 đồng/cổ phiếu. Giao dịch này dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho VCI.

Ngay khi có thông tin trên, giá cổ phiếu IDP đã bật tăng mạnh, ghi nhận trong phiên giao dịch này 14/4/2023, mã IDP đang có giá 264.500 đồng/cổ phiếu.

Điều đáng nói đó là lần tăng giá này đi ngược so với những tín hiệu về sức khỏe tài chính thể hiện trên BCTC của Sữa Quốc tế.

Doanh thu tốt nhưng đà tăng trưởng đang đi lùi, rủi ro tăng khi cơ cấu nợ ngắn hạn cao vượt cả vốn chủ

Trong năm 2022, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sữa Quốc tế ghi nhận ở mức 6.086,5 tỷ đồng, tăng 26,1% so với năm 2021. Giá vốn hàng bán cũng tăng cao cùng với các chi phí khác đồng loạt gia tăng đã khiến lợi nhuận sau thuế của IDP giảm xuống chỉ còn 810,5 tỷ đồng.

Gánh nặng chi phí trong năm 2022 có thể kể đến như: Chi phí tài chính tăng từ 27,5 tỷ đồng lên 57,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi với phần lớn là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng cũng đồng thời tăng từ 989,2 tỷ đồng lên 1.281,9 tỷ đồng, tỷ lệ ăng 29,6%. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 102,6 tỷ đồng lên 134,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng tới 30,9%.

Chi phí không được quản lý tốt, đã gây áp lực lên doanh thu khiến cho Sữa IDP mặc dù ghi nhận doanh thu tăng nhưng lợi nhuận công ty lại đi lùi.

Thậm chí, xét xu hướng lợi nhuận trong 4 quý gần đây, Sữa Quốc tế còn cho thấy sự xuống sức khi doanh thu liên tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại đi lùi. Cụ thể thì doanh thu quý I năm 2022 chỉ đạt 1.245,7 tỷ đồng, tăng dần lên mức 1.671,8 tỷ đồng trong quý IV năm 2022. Trong khi lợi nhuận giảm từ 236,5 tỷ đồng trong quý I xuống chỉ còn 165,7 tỷ đồng tại quý IV năm 2022.

Sự bất ổn của công ty còn được thể hiện thêm bởi cơ cấu tài sản của đơn vị này. Trong năm 2022, tổng tài sản của Sữa Quốc tế IDP tăng mạnh lên mức 3.840,1 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 1.807,2 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 2.033 tỷ đồng.

Cần phải lưu ý đó là trong cơ cấu nợ của IDP, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn và có xu hướng tăng nhanh, từ 1.645,2 tỷ đồng lên 1.984,4 tỷ đồng, tương ứng với việc tăng tới 300 tỷ đồng chỉ trong 1 năm. Nợ ngắn hạn cao vượt qua cả vốn chủ cho thấy nguy cơ tiềm ẩn trong cơ cấu nguồn vốn của đơn vị này.

Ghi nhận lãi hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn phải phát hành cổ phiếu lấy 500 tỷ đồng để trả nợ và mua nguyên liệu

Có thể thấy rằng chỉ tính riêng trong năm 2022, Sữa Quốc tế đã ghi nhận lãi sau thuế tới 810,5 tỷ đồng. Thế nhưng có một nghịch lý đó là theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thì công ty lại đang phải dự kiến phát hành 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ để lấy gần 500 tỷ đồng đem đi trả nợ và mua nguyên vật liệu.

Nếu tiếp tục phân tích về cơ cấu tài sản của IDP, có thể thấy rõ được sự bất ổn đã gây nên nghịch lý này.

Cụ thể thì dù cầm trong tay tổng tài sản lên tới 3.840,1 tỷ đồng nhưng tiền và các khoản tương đương tiền của IDP chỉ có 84,1 tỷ đồng, dù đã cao tới hơn 4 lần so với con số đầu năm 2022 nhưng tỷ lệ tiền mặt trong cơ cấu tài sản của IDP vẫn là rất thấp, dẫn tới việc thanh khoản khó khăn.

Thêm vào đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng gia tăng mạnh từ 350,4 tỷ đồng lên 954,1 tỷ đồng, tương đương với việc tăng gần gấp 3 lần chỉ trong 1 năm. Đây đều là những tài sản thuộc dạng phải thu, tức là mới chỉ được ghi nhận "trên giấy" chứ chưa thực sự về tay công ty. Điều này cũng đã làm tăng tính bất ổn đối với cơ cấu tài sản của IDP.

Du Uyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sua-quoc-te-idp-phai-phat-hanh-500-ty-co-phieu-de-tra-no-gia-idp-van-vut-tang-khi-quy-ngoai-rot-von-post243822.html