Sức bật từ các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và đoàn viên, công nhân lao động (ĐV-CNLĐ), nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những tấm gương tập thể, cá nhân lao động sản xuất giỏi được lan tỏa, tạo sức bật trong các phong trào thi đua.
Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất vải công nghiệp và thời trang của công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành (Khu công nghiệp Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng).
Doanh nghiệp trong nước tiên phong
Công ty Cổ phần Dệt Trần Hiệp Thành (Công ty Trần Hiệp Thành- Khu công nghiệp Trảng Bàng, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) được thành lập từ năm 2010, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước, sản xuất các loại vải công nghiệp và thời trang. Chi bộ công ty được thành lập từ năm 2018, với 12 đảng viên. Hiện công ty có 930/935 đoàn viên Công đoàn, chiếm 99,50%.
Ông Nguyễn Qui Hoàng- Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty cho biết từ khi thành lập tổ chức công đoàn (năm 2014) đến nay, các phong trào thi đua, lao động, sản xuất giỏi được triển khai đến toàn công ty, đặc biệt là việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Ông Hoàng bày tỏ: “Phong trào được đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho chủ doanh nghiệp, chi bộ, CĐCS và đoàn viên, người lao động trong công ty”.
Ông cho biết thêm, hằng năm, doanh nghiệp không ngừng tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho đoàn viên, công nhân, người lao động (ĐV-CNLĐ); chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, được khách hàng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận; doanh thu, thị phần của công ty ngày càng được khẳng định không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện và không có đảng viên, đoàn viên, người lao động vi phạm pháp luật.
Bên cạnh công tác chăm lo ĐV-NLĐ vào dịp lễ, tết, nghỉ dưỡng, tặng quà sinh nhật, chi tặng NLĐ khi kết hôn... hằng tháng, công ty tổ chức “Bữa ăn hạnh phúc” cho toàn thể người lao động, giá trị suất ăn từ 50.000 - 75.000 đồng/suất. Để giữ chân người lao động, công ty xây dựng chính sách “Vinh danh người lao động”, giá trị vinh danh từ 3 - 20 triệu đồng, tương ứng các mốc thâm niên từ 1 đến dưới 10 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm; chính sách thưởng lương tháng 13 theo lương thực tế.
Ông Trần Lê Duy- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế trao tặng Giấy khen của Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh.
Một trong những nội dung mang lại nhiều hiệu quả thiết thực đó là đối thoại, thương lượng, chương trình khảo sát mức độ gắn kết và chất lượng cuộc sống của người lao động trong công ty. Theo đó, người lao động được tạo cơ hội đưa ra các yêu cầu chính đáng của mình hay nêu những điểm chưa tốt của doanh nghiệp để lãnh đạo công ty ghi nhận và hành động khắc phục. Năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người lao động đạt 82% (mục tiêu năm 2023 là 85%); việc ký kết thỏa ước lao động tập thể được Công đoàn cấp trên đánh giá xếp loại A.
“CĐCS phối hợp doanh nghiệp triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa đến các đoàn viên, người lao động và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Người lao động tích cực tham gia các phong trào sáng kiến, cải tiến, nâng cao năng suất lao động như: chương trình 5S (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng), chương trình Kaizen (cải tiến liên tục, phát triển không ngừng); học tiếng Anh, tiếng Hoa để thuận lợi khi làm việc với đối tác nước ngoài. Đối với nội dung, chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi dựa vào kết quả này làm một trong các tiêu chuẩn bình xét, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm”- ông Hoàng cho biết thêm.
Lan tỏa
Công ty TNHH Sailun Việt Nam (Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (Trung Quốc), được thành lập từ năm 2012, chuyên sản xuất lốp xe. Hiện công ty có 5.464 lao động, trong đó có 5.115 đoàn viên công đoàn (chiếm 95%).
Ông Võ Hoài Phú- Phó Chủ tịch CĐCS cho biết, hưởng ứng các phong trào thi đua do Công đoàn Khu kinh tế (KKT) phát động, CĐCS phối hợp Ban giám đốc công ty tổ chức các cuộc thi tay nghề thợ điện, nhân viên đa năng, phong trào Kaizen, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất... với 2.650 lao động được đào tạo tại chỗ về kỹ năng kiểm tra, bảo quản thiết bị, phương pháp thực hiện 5S, Kaizen. Trong phong trào “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó - quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, có 2.600/2.700 sáng kiến (100 sáng kiến không hợp lệ), làm lợi 320,6 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Thông qua kết quả đạt được, CĐCS phối hợp Ban giám đốc công ty khen thưởng biểu dương thành tích xuất sắc cho ĐV-NLĐ với tổng giải thưởng hơn 1,3 tỷ đồng.
Năm 2022, đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ lệ đơn hàng giảm sút nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của ĐV-NLĐ. Để “giữ chân” người lao động, CĐCS phối hợp chủ doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, cùng doanh nghiệp xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ ở cơ sở, như: quy chế trả lương, trả thưởng; nội quy lao động, quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Chấp hành Công đoàn với người sử dụng lao động. Từ đó, không để bất kỳ một đoàn viên người lao động phải tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hạn chế tối đa các vụ việc đình công, lãn công, tạo mối quan hệ tốt, góp phần ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, CĐCS tích cực tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho ĐV-NLĐ như: Ngày hội CN-LĐ; giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao; tặng thưởng chiếc xe máy nhân Tháng công nhân và dịp lễ, tết... Các phong trào đã thu hút đông đảo ĐV-NLĐ tham gia, nâng cao sự gắn kết, tinh thần hăng say làm việc của người lao động.
Chung sức, đồng lòng
Công đoàn Khu kinh tế (KKT) tỉnh Tây Ninh hiện có 216 CĐCS trực thuộc (trong đó, có 31 doanh nghiệp tư nhân, 184 FDI và 1 đơn vị hành chính sự nghiệp), với 126.835/68.064 lao động nữ. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công đoàn KKT đã phát triển 2.096 đoàn viên công đoàn, nâng tỷ lệ 97,39%/tổng số lao động (119.334/ 65.052 nữ); 2 CĐCS mới được thành lập, giới thiệu 52 đoàn viên ưu tú cho tổ chức Đảng xem xét đưa đi học lớp cảm tình đảng. Trong tháng Công nhân, có 1 công đoàn viên được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch Công đoàn KKT cho biết, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng giúp đoàn viên, người lao động ra sức học tập cho bản thân và học tập vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo đó, ĐV-CNLĐ được các cấp công đoàn triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, góp phần tăng năng suất lao động, được hầu hết các doanh nghiệp đánh giá, ghi nhận. Nhiều CNLĐ đã có những sáng kiến, sáng tạo, giải pháp làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm; không ít CNLĐ tiêu biểu được doanh nghiệp, công đoàn cấp trên biểu dương, khen thưởng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, có 145/213 CĐCS hưởng ứng phong trào thi đua tại đơn vị, doanh nghiệp, một số đơn vị tích cực phát huy sáng kiến với nhiều giải pháp, đề xuất tối ưu được áp dụng đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Kết quả của phong trào thi đua tạo thuận lợi để các CĐCS thương lượng về chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động, mang lại sự ổn định trong quan hệ lao động.
Bà Liên cho biết thêm, để đảm bảo phong trào đạt hiệu quả, các CĐCS đã đề xuất doanh nghiệp tổ chức cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Kết quả, có trên 43.000 lao động được đào tạo tại chỗ về kỹ năng kiểm tra, bảo quản thiết bị, phương pháp thực hiện 5S, Kaizen… đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các đơn vị đã xây dựng các chính sách khích lệ hiệu quả như: thưởng chuyên cần, thưởng vượt sản lượng, khen thưởng theo tháng, quý, xét nâng lương… đối với các cá nhân có sáng kiến hoặc hiệu quả làm việc vượt trội.
95 tập thể và cá nhân vinh dự nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Lao động tỉnh và giấy khen của Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh.
“Để hoàn thành 13 chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao năm 2024, Công đoàn KKT và CĐCS tiếp tục triển khai sâu rộng trong 5 Khu chế xuất - Khu công nghiệp; đồng thời phát động phong trào thi đua “90 ngày nước rút” vượt chỉ tiêu về đích hoàn thành kế hoạch, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”- Chủ tịch Công đoàn KKT tỉnh nhấn mạnh.