Sức cầu nội địa đang khởi sắc
Tiêu dùng trong nước đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu tích cực cho thấy sức cầu nội địa đang dần khởi sắc trở lại.
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Các địa phương đang tích cực kết nối cung-cầu dịp hè và cuối năm.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%. Vận chuyển hành khách bốn tháng đầu năm 2025 tăng 19,2% và luân chuyển tăng 13%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,7% và luân chuyển tăng 11,5%.
Trong quý I/2025, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng tới 7,7%, đóng góp hơn 53% vào tăng trưởng GDP - mức cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây. Điều này phản ánh sức cầu nội địa đang dần khởi sắc trở lại.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 19/5, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, dịp lễ, tết là thời điểm tiêu dùng gia tăng, để kích cầu siêu thị đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, hay chương trình bình ổn một số mặt hàng thiết yếu để thu hút khách hàng. Đợt tăng giá điện 4,8% vừa qua hiện vẫn chưa ảnh hưởng tới giá thành các sản phẩm tại hệ thống siêu thị. Bởi, hàng hóa nhập vào hệ thống thường ký trước 2 tháng, nên sau 60 ngày mới có sự điều chỉnh tiếp và kỳ tiếp theo là tháng 7, tháng 8. Do đó, các mặt hàng vẫn theo đơn giá cũ, sức mua cũng ổn định.
"Về chi phí vận hành tăng do giá điện tăng, hệ thống siêu thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, giảm chi phí vận hành, giữ giá ổn định còn giữ khách hàng. Với những chương trình kích cầu đang triển khai, chúng tôi kỳ vọng sức mua sẽ tăng", bà Hiền nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, người tiêu dùng giờ thắt chặt chi tiêu, mua sắm cũng tiết kiệm và cắt giảm nhiều nên sức mua cũng chậm lại. Để kích cầu, siêu thị đã triển khai liên tục các chương trình khuyến mại, kích cầu, giá bình ổn để thu hút khách hàng. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ cũng là một động lực tốt trong thời gian này.
Để tham gia vào thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã quay trở lại thị trường nội địa với tỷ trọng sản xuất tăng. Theo đại diện Tổng Công ty May 10- CTCP, trước đây hầu hết các dây chuyền sản xuất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu nhưng hiện nay lại tập trung thiết kế mẫu mã mới, mở thêm cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng Việt.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu ngành bán lẻ không có đột phá thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 12%. Do đó, các địa phương cần tăng tần suất khuyến mại nhân các ngày lễ lớn, đồng thời đổi mới Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các hệ thống bán lẻ nội địa cần tiên phong mở rộng mạng lưới điểm bán đến các thị trường vùng sâu, xa. Hướng đi này vừa mở rộng được khả năng tiêu thụ, vừa đáp ứng nhu cầu người dân.
Trong các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề xuất tập trung phát triển thị trường trong nước, hoàn thiện chính sách về thuế và tín dụng để nâng cao sức mua, khuyến khích tiêu dùng và kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu và xúc tiến thương mại để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt tối thiểu 12% trong năm nay. Một trong những giải pháp trọng tâm đang được Chính phủ đề xuất là tiếp tục giảm thuế VAT 2% và mở rộng đối tượng áp dụng.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công Thương giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng nhằm quyết tâm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/suc-cau-noi-dia-dang-khoi-sac-i768888/