Sức hấp dẫn của nấm mối đen
Nhắc đến nấm mối ngoài tự nhiên, có lẽ mọi người sẽ nghĩ ngay đến hương vị thơm ngon đặc trưng, giá trị dinh dưỡng cao, mỗi năm chỉ có một mùa và giá cũng khá đắt. Song hiện nay, người dân đã nuôi trồng được một loại nấm có nhiều điểm tương đồng với nấm mối ngoài tự nhiên. Đó là nấm mối đen.
Điều đặc biệt là khi canh tác nấm mối đen, người trồng có được những trải nghiệm rất thú vị so với các loại nấm trồng thông thường khác.
Nghề của sự kiên trì
Bén duyên với nghề trồng nấm mối đen hơn 4 năm trước, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Mạnh và chị Bùi Thị Hằng ở ấp 6, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài đã trải qua rất nhiều cảm xúc lẫn khó khăn để có thể duy trì, phát triển trại nấm 5.000 bịch phôi như hiện nay. Bởi nấm mối đen cũng “khó tính” không thua gì nấm mối trắng ngoài tự nhiên.
Chị Hằng cho biết: Nấm mối đen có nhiều yêu cầu hơn so với những loại nấm khác như thời gian ủ phôi nấm dài hơn (các loại nấm khác chỉ ủ từ 1-2 tháng, còn nấm mối đen phải mất 3 tháng); phòng ủ có nền nhiệt từ 26-280C; môi trường phải đảm bảo sạch, từ không gian nuôi trồng đến nguồn nước phun ẩm cho nấm.
Vợ chồng chị Bùi Thị Hằng luôn bận rộn với trại nấm của mình - Ảnh: Đặng Hùng
Đa số các loại nấm được người dân nuôi trồng đều giống nhau ở khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, giá thể đến đóng gói, hấp tiệt trùng..., chỉ khác ở công đoạn cấy meo. Tùy từng loại nấm, kỹ thuật viên sẽ cấy loại meo nấm phù hợp. “Nấm mối đen khó nhất là khâu cấy meo nấm để tạo phôi, đòi hỏi kỹ thuật cao, chính xác. Nấm mối đen thường bị bệnh dòi cam, mốc xanh. Ngoài ra lúc trồng, mình cũng phải hết sức cẩn thận với ruồi, vì nấm có hương thơm, có thể dụ ruồi tới, nếu không kiên trì là không làm được ” - anh Mạnh chia sẻ thêm.
Sau khi ủ khô đủ 3 tháng, những phôi nấm đã kéo tơ đạt chất lượng sẽ được sang nhà trồng. Tại đây, các bịch nấm sẽ được tháo nắp, cho thêm một lớp cát từ 3-4cm vào bên trên và được chăm sóc ở chế độ đặc biệt nghiêm ngặt, chuẩn quy trình về nhiệt độ, kết hợp với hệ thống phun ẩm và chế độ phòng ngừa nấm bệnh. Đủ 30 ngày thì những cái nấm mối đen đầu tiên bắt đầu xuất hiện.
Nguồn thu ổn định
Mất nhiều thời gian nhưng khi đã thu hoạch, mỗi bịch phôi sẽ cho năng suất liên tục từ 3-4 tháng. Vì vậy, người trồng phải tính toán thời gian và số lượng phôi phù hợp để đảm bảo có nấm thu hoạch quanh năm. Chị Hằng chia sẻ: “Đặc điểm của nấm mối đen là mọc theo từng phôi chứ không đồng loạt, nên mình phân chia thời gian thu hoạch nhiều lần trong ngày. Sau khi thu hái nấm xong, phải gọt chân, quét cát và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 140C”.
Không ồ ạt, sum sê như những loại nấm khác, nấm mối đen cứ nhẹ nhàng, liên tục mọc lên khi đủ điều kiện sinh trưởng và đặc biệt là phát triển rất nhanh. Thời gian từ khi nhú lên khỏi mặt cát đến lúc thu hoạch chỉ từ 1-2 ngày nên vợ chồng anh Mạnh tự ấn định 6 tiếng đồng hồ thu hái 1 lần, đều đặn mỗi ngày thu 4 đợt để nấm không bị bung dù, quá lứa.
Và thời điểm thu hoạch nấm cũng là thời gian hạnh phúc nhất của anh chị. Điều này giúp anh chị duy trì nghề suốt 4 năm qua dù gặp không ít khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ. Anh Mạnh cho biết thêm, ở Bình Phước khá ít người đầu tư trồng loại nấm này, nhiều người chưa biết đến nên đầu ra hơi khó tiêu thụ. Hiện nấm của gia đình chủ yếu bỏ sỉ cho một số khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh.
Trồng nấm mối đen như nuôi con mọn, sau thời gian thai nghén đến lúc thu hoạch là gần như bận rộn liên tục. Để giảm công chăm sóc, quy trình nuôi trồng đã được anh Mạnh tự động hóa và khép kín hoàn toàn. Hằng ngày, anh chị chỉ tập trung theo dõi “sức khỏe” của nấm, thu hái và thực hiện những công đoạn sau thu hoạch để giao sản phẩm cho khách. Bằng sự kiên trì, vượt khó và quyết tâm gắn bó, hiện mỗi ngày trại nấm mối đen cho thu hoạch khoảng 10kg, với giá bán từ 130-250 ngàn đồng/kg tùy loại, mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho gia đình anh Mạnh.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/138490/suc-hap-dan-cua-nam-moi-den