Sức khỏe doanh nghiệp cải thiện, niềm tin kinh doanh tăng cao

Số liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế - xã hội đang duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Đặc biệt là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm ưu thế, niềm tin kinh doanh tăng cao. Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

PV: Số liệu kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Ông thấy ấn tượng với điều gì nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm nay?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Kinh tế nước ta những tháng đầu năm có rất nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 5,7% so với cùng kỳ, mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Các số liệu kinh tế 5 tháng đầu năm cũng rất tích cực, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mặc dù có nhiều khó khăn như hạn hán hay những yếu tố tác động bên ngoài, nhưng sản lượng tăng đáng kể so với thời gian trước.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy chỉ số công nghiệp tăng trưởng tốt so với những năm gần đây, đó là điều đáng mừng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Tiếp đó, một lĩnh vực tăng trưởng rất mạnh đó là xuất nhập khẩu. 5 tháng năm 2024 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính theo cán cân thương mại hàng hóa, nền kinh tế đã xuất siêu 8,01 tỷ USD giá trị hàng hóa. Hy vọng chúng ta tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp quay trở lại tăng là tín hiệu đáng mừng. Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng nhiều so với doanh nghiệp xin ngừng hoạt động.

Sản xuất đang có cơ hội phục hồi và tăng trưởng tốt với các chỉ số về bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng. Trong điều kiện hoàn cảnh thế giới có nhiều biến động và còn nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng, kỳ vọng kinh tế có thể tăng trưởng tốt hơn trong những tháng tiếp theo.

PV: Những chỉ số tích cực trên có phải là kết quả của nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ được Chính phủ triển khai thời gian qua không, thưa ông?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Đúng vậy, những kết quả tích cực vừa nói trên là kết quả của nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ được các cấp, các ngành triển khai thời gian qua. Các giải pháp hỗ trợ thể hiện rõ quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp hồi phục. Việc Chính phủ tăng cường kiểm tra giám sát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp có thể yên tâm để tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hồi phục và tăng trưởng kinh tế.

PV: Số liệu công bố cũng cho thấy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đã vượt số doanh nghiệp giải thể. Vậy có phải sức khỏe của doanh nghiệp đã tốt hơn không, thưa ông?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Số liệu trên khẳng định một điều là tình hình sản xuất kinh doanh đang tốt hơn. Các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nên họ sẵn sàng quay trở lại hoạt động, cũng như họ mong muốn thành lập những doanh nghiệp mới để tham gia vào sản xuất kinh doanh.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về thách thức cũng như cơ hội của nền kinh tế trong những tháng cuối năm?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Trong những tháng còn lại của năm 2024, việc hồi phục tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn, doanh nghiệp sẽ có được nhiều đơn hàng với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, khả năng tăng trưởng chi tiêu doanh thu bán lẻ hàng hóa cũng tốt hơn. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chính sách giảm thuế, phí cũng đang được Chính phủ xem xét thực hiện những tháng cuối năm để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang cố gắng giảm mức lãi suất cho vay ở mức phù hợp để đảm bảo cho hoạt động tốt hơn. Với những điều này, chúng ta hy vọng sẽ thúc đẩy sản xuất tiêu dùng.

Đặc biệt, nhìn vào xuất khẩu chúng ta thấy đơn hàng nhiều hơn, do đó có thể dự báo khả năng sản xuất kinh doanh cuối năm có thể tốt hơn so với đầu năm. Chính phủ cũng đang tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn, quyết tâm cao hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp phục hồi tốt hơn. Mục tiêu chúng ta đặt ra tăng trưởng 6 - 6,5% là có thể đạt được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng

Tổng số DN thành lập mới và DN gia nhập thị trường quay trở lại hoạt động trong tháng 5 đạt con số 20.000, cao gấp 1,7 lần so với DN rút lui khỏi thị trường; tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, số lượng DN thành lập mới, tái gia nhập thị trường nhiều hơn so với DN rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đang tốt hơn và các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Tấn Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/suc-khoe-doanh-nghiep-cai-thien-niem-tin-kinh-doanh-tang-cao-152543.html