Sức mạnh lòng dân trong bảo vệ đường biên, cột mốc
Biên giới chiều tháng 7 thời tiết nắng như đổ lửa. Trên đường tuần tra biên giới, thấp thoáng màu xanh áo lính biên phòng đang làm nhiệm vụ.
Già làng Vi Văn Dong và con trai là anh Vi Văn Thinh (người thứ 2 và 3 từ trái sang) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt tuyên truyền nhân dân bản Ho, xã Hiền Kiệt tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Cùng đi với các anh còn có một số người cao tuổi. Vừa đi vừa nhổ cỏ, phát quang bụi rậm, chốc chốc, các ông lại lấy ra từ trong túi áo chiếc khăn tay rồi cẩn thận lau chùi từng cột mốc bằng niềm tự hào của người con đất Việt. Đó là những người có uy tín ở các xã vùng biên của các huyện vùng cao Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Thanh Hóa hiện có 1.330 người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số do Nhân dân bầu chọn. Ở vùng biên giới của Tổ quốc, ngoài tích cực tham gia các hoạt động phong trào cơ sở, những người có uy tín còn được ví như “cột mốc sống” đang hằng ngày cùng với bộ đội biên phòng (BĐBP) canh giữ biên cương Tổ quốc theo cách riêng của mình.
Nặng lòng với đường biên, cột mốc
Với hành trang băng rừng chỉ vẻn vẹn con dao nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn trên đường, từ năm 2011 đến nay, hằng tháng, bất kể thời tiết nắng nóng hay mưa bão, anh Hà Văn Xiêm, dân tộc Thái, ở bản Cha Lung, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn lại cùng các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Tam Thanh băng rừng, vượt đèo, lội suối hơn 5 tiếng đồng hồ để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 342 ở biên giới Việt – Lào.
Công việc trong mỗi chuyến tuần tra cột mốc của anh là phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường về báo cáo cơ quan chức năng. Là người có uy tín trong cộng đồng người Thái ở bản Cha Lung, mỗi lần có cuộc họp dân bản, anh lại tuyên truyền để dân làng hiểu được tầm quan trọng rồi cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cột mốc. Không những thế, anh còn trực tiếp đến từng hộ dân, gặp từng người để nhắc nhở bà con mỗi lần lên rừng, lên nương là phải lên đến cột mốc quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì báo cáo kịp thời cho BĐBP và chính quyền địa phương. Với anh, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc là góp phần bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh biên giới và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt – Lào, vì thế, đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, hạnh phúc.
20 năm qua, già làng Lục Văn Quý (dân tộc Thái), bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát tình nguyện cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý không quản ngày đêm khi có thông tin là băng rừng, vượt suối canh giữ, bảo vệ cột mốc, phát quang đường biên. Hằng tháng, ông đều lên kiểm tra mốc giới, khi phát hiện có vấn đề gì sẽ báo cáo cho BĐBP để kịp thời xử lý.
Ông luôn tâm niệm, bảo vệ mốc giới biên cương cũng là bảo vệ chính ngôi nhà của mình. Dù năm nay ông đã hơn 80 tuổi, sức khỏe đang yếu dần đi, nhưng tinh thần của ông thì không hề suy chuyển. Ông luôn dặn dò con cháu và rất có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động bà con trong bản nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu, đề cao cảnh giác với các loại tội phạm.
Bên cạnh già làng Quý, anh Xiêm, tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều tấm gương tiêu biểu là các già làng, trưởng bản tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và là tấm gương sáng cho dân bản và con cháu học tập noi theo như: già làng Phan Văn Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; trưởng bản Lò Văn Thọ ở bản Xắng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh... Cùng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhiều thanh niên trên biên giới đã và đang xác định rõ trách nhiệm của mình, tích cực tham gia với BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Đại úy Cao Đình Xuân, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Tam Thanh, huyện Quan Sơn, cho biết: Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của Nhân dân các xã biên giới, nhất là các già làng, người có uy tín, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các già làng, người có uy tín thường xuyên cùng BĐBP đi kiểm tra, phát quang hệ thống mốc giới và tuyên truyền, vận động người dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Do đó, trong thời gian qua tình hình hệ thống đường biên, cột mốc luôn ổn định và giữ vững nguyên trạng.
Vì bình yên nơi biên giới
Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang, các cấp, ngành, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và Nhân dân khu vực biên giới... Ý thức được điều đó, thời gian qua, mô hình tổ an ninh trật tự thôn, bản, tổ hòa giải trên địa bàn các xã vùng biên đã được thành lập, tạo thành sức mạnh nội sinh cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc để giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Đã gần 6 năm nay, cứ mỗi tháng 2 lần, anh Vi Văn Thinh, người dân tộc Thái ở bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa lại băng rừng, trèo đèo, lội suối hơn 4h để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 317, 318, 319, tiếp giáp giữa xã Hiền Kiệt với các bản: Na Hàm, Hin Đăm, Na Hưa, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Đây cũng chính là các cột mốc mà cha anh, già làng Vi Văn Dong, năm nay 66 tuổi đã tình nguyện bảo vệ, chăm sóc như người thân của gia đình mình trong suốt 36 năm qua. Năm 2014, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Dong đã báo cáo Đồn Biên phòng Hiền Kiệt xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho anh Vi Văn Thinh, người con thứ 3 của gia đình.
Anh Thinh cho biết: Trước đây, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, chưa hiểu nhiều về Luật Biên giới quốc gia nên còn xảy ra một số vi phạm. Từ khi được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, người dân nơi đây đã hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như thấy được vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Vì thế, bất cứ đi đâu, làm gì, hễ có người lạ mặt vào khu vực biên giới là người dân theo dõi rồi thông báo cho cán bộ, BĐBP.
Tỉnh Thanh Hóa có 213,6 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), 92 mốc quốc giới/88 vị trí, 13 cọc dấu biên giới; 102 km bờ biển thuộc 11 huyện, thành phố với 59 xã, phường, thị trấn. Hiện nay 16/16 xã biên giới của tỉnh đã có 151 già làng, trưởng bản, người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Đồng thời, trên địa bàn cũng đã thành lập 768 tổ an ninh trật tự thôn bản, với 2.415 thành viên tham gia, 100% các thôn, bản khu vực biên giới đất liền, biên giới biển có tổ hòa giải. Những năm qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tham gia cùng lực lượng BĐBP tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới; cung cấp hàng trăm lượt thông tin, trong đó có nhiều thông tin giá trị, giúp BĐBP kịp thời phá nhiều vụ án lớn, góp phần giữ gìn ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cho vùng biên giới của Tổ quốc. Nhiều già làng, người có uy tín tuổi cao, sức đã yếu, nhưng với tâm huyết của mình, các già luôn được bà con tin yêu, quý trọng; trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chung tay bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.