Sức sống mới cho cổ phục Việt
Qua 5 năm hoạt động (2017 - 2023), Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên vẫn theo đuổi mục tiêu gìn giữ giá trị cốt lõi của cổ phục Việt trên con đường hội nhập. Theo Giám đốc Ỷ Vân Hiên NGUYỄN ĐỨC LỘC, bằng sự chỉn chu, cầu thị, Ỷ Vân Hiên mong muốn đưa trang phục cổ bắt nhịp đời sống hiện đại song vẫn giữ đúng chuẩn mực và giá trị lịch sử.
Lan tỏa rộng rãi cổ phục
- 5 năm qua, Ỷ Vân Hiên đã làm những gì để minh chứng cho khát khao giữ cốt cách Việt như chiến lược đưa ra từ những ngày đầu?
- Lĩnh vực hoạt động của Ỷ Vân Hiên hướng đến bốn mục tiêu: nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; tư vấn về văn hóa. Với bốn mục tiêu này, chúng tôi chú trọng vào phục dựng trang phục nhà Nguyễn, gần đây là trang phục nhà Lê và nhà Lý - Trần, thương mại hóa các sản phẩm đó ra thị trường trong nước và một số nước như Mỹ, Đức, Anh, Trung, Nhật, Hàn…
Chúng tôi phối hợp với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện nhiều sự kiện biểu diễn quảng bá văn hóa tại các di tích phố cổ; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện hoạt động tái hiện nghi lễ như Tết Đoan Ngọ, Lễ Ban quạt, Lễ Tiến Xuân Ngưu... Cổ phục Ỷ Vân Hiên cũng đã xuất hiện trong Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội đình So (Quốc Oai, Hà Nội). Chúng tôi đầu tư, nghiên cứu, thiết kế phục trang cho một số vở diễn sân khấu, điện ảnh như vở Huyền thoại gò Rồng Ấp của sân khấu Lệ Ngọc, phim Phượng khấu của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Ngoài ra, công ty kết hợp thiết kế, giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống tại các khu du lịch nghỉ dưỡng…
- Tất cả các hoạt động trên của Ỷ Vân Hiên hướng đến mục đích cuối cùng là gì?
- Thông qua nhiều hình thức, cách thức, cách tiếp cận khác nhau, chúng tôi nỗ lực để trang phục trở lại đời sống hiện đại trong hơi thở mới, sức sống mới. Ngay từ 5 năm trước, thời điểm chưa nhiều người biết đến trang phục truyền thống, chúng tôi đã đầu tư tài lực và vật lực, mạnh dạn quảng bá, làm thương hiệu, cung cấp, chia sẻ thông tin, kiên định con đường mình theo đuổi, bám chắc vào nền tảng gốc của trang phục. Nhiều khách hàng đã biết đến sự cầu thị, chuẩn mực, tính nguyên bản trong sản phẩm, cách thức làm truyền thông của Ỷ Vân Hiên.
Tôn trọng lịch sử, mang lại giá trị cho cộng đồng
- Hiện có nhiều nhóm cũng thực hiện phỏng dựng trang phục truyền thống, đâu là điểm khác biệt của Ỷ Vân Hiên so với các nhóm khác?
- Ỷ Vân Hiên là một trong những công ty làm cổ phục đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Chúng tôi muốn đưa ra sản phẩm không chỉ thuần thời trang mà còn có độ chính xác cao về lịch sử. Các sản phẩm, dịch vụ của Ỷ Vân Hiên phục vụ khách hàng với mục đích lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống, để cho những giá trị của người Việt được phục dựng và chấn hưng, trở lại đời sống văn hóa đương đại, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
Đồng hành với Ỷ Vân Hiên là các nhà nghiên cứu trong vai trò cố vấn chuyên môn về mỹ thuật cổ, phục chế trang sức cổ; nghệ nhân các làng nghề truyền thống từ Bắc tới Nam. Một trong những nghệ nhân đặc biệt từng cộng tác với Ỷ Vân Hiên là cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội vua Minh Mạng. Dựa vào trí nhớ và tay nghề, cụ đã tái hiện những chiếc gối xếp, phục vụ sinh hoạt đương đại, đồng thời phối hợp dạy nghề, truyền lửa cho thế hệ kế cận. Rất tiếc, cụ đã qua đời đầu năm nay.
- Là một doanh nghiệp xã hội, mấy năm đầu thành lập lại chịu tác động của đại dịch Covid-19, các anh đã vượt qua khó khăn như thế nào?
- Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong năm đầu tiên về tài chính, nhân sự, về hiện vật, tư liệu nghiên cứu...; ngay sau đó là hậu quả của dịch Covid-19. Nhiều người từng thiếu niềm tin về đường hướng của Ỷ Vân Hiên và rời đi. Nhưng đến nay, chúng tôi đã vượt qua, trưởng thành hơn, kiên trì mục tiêu chiến lược, định hướng rõ ràng. Đó là khẳng định giá trị mình đem lại cho cộng đồng, cho văn hóa truyền thống nói chung và cổ phục, trang phục nói riêng. Chúng tôi không phỏng dựng trang phục để trưng bày mà muốn giới thiệu sản phẩm của mình tới công chúng, đưa trang phục lên sân khấu, vào phim âm nhạc, phim điện ảnh, phục vụ du lịch... Đây là xu thế của thời đại.
- Vừa phát triển theo hướng hiện đại, song phải giữ giá trị lịch sử, truyền thống và tính toán điều kiện kinh tế, anh làm thế nào?
- Phục chế một bộ trang phục cổ phải đầu tư hàng trăm triệu cho đến vài tỷ đồng, hay phỏng dựng nó thì số tiền chi cho nguyên vật liệu cũng không ít. Quá trình thiết kế, chúng tôi cách tân giá trị truyền thống theo hướng gần với nghiên cứu, lý luận, tôn trọng giá trị lịch sử, và tìm cách để giảm giá thành thấp nhất mức có thể. Đó là, lấy những nguyên liệu khác thay thế, giản lược một số công nghệ may, thay vì trước đây thêu tay toàn bộ thì bây giờ chúng tôi may thêu khoảng 50 - 60%. Về mặt họa tiết, hoa văn, chúng tôi không vẽ bằng tay như trước mà vẽ trên máy bằng công nghệ 3D...
- Dự định của anh và Ỷ Vân Hiên trong thời gian tới là gì?
- Do nguồn tài lực, vật lực hạn chế nên còn nhiều dự định dang dở, chưa thực hiện được. Chúng tôi muốn phục vụ khách hàng tốt hơn, tìm ra giải pháp đưa các sản phẩm trang phục truyền thống về đúng giá trị của nó, không bị sai lệch. Tôi vẫn theo đuổi tham vọng phục hưng văn hóa truyền thống, đưa cổ phục trở lại đời sống hiện đại. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nó trong tương lai nhưng làm đến đâu còn do chữ "duyên". Có điều, tôi luôn ý thức mình đang đi về phía trước, và sẽ không dừng lại.
- Xin cảm ơn anh!