Sức sống mới ở Khu tái định cư Gia Lợi

Ngút ngàn những vạt đồi xanh mướt nối nhau tạo ra vòng cung nâng trọn làng tái định cư của xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh). Trong sương sớm xa mờ, những ngôi nhà kiên cố ẩn hiện, cảm giác có thể vén mây để bước lên nơi cao nhất của dãy núi Đá Tây. Từ khi an cư, cuộc sống của người dân ở khu tái định cư đã dần được nâng lên.

Xã Giang Ly ngập tràn màu xanh.

Xã Giang Ly ngập tràn màu xanh.

Bắt đầu bằng an cư...

Sáng vùng cao, trời se se lạnh, không khí trong trẻo. Thi thoảng có tiếng xe máy vội vã ngang qua rồi im ắng. Tiếng suối Lách, thác Edu từ xa vọng lại, đỉnh Hòn Giao thật gần, đang phơi trong mây. Đứng ở nơi cao nhất của Giang Ly, khu tái định cư sau 5 năm nay đã đầy sức sống với các trục đường bê tông thẳng tắp, nhà cửa, vườn tược tinh tươm. Đó là Khu tái định cư Gia Lợi (thôn Gia Lố) gồm các khu A, B, C với gần trăm hộ dân đang sinh sống. 5 năm về nơi ở mới, đất đã bén hơi người, người dân cũng đã quen cái tiếng, cái nết của nhau. Nhớ lại 5 năm về trước, anh Hà Binh (người dân ở khu tái định cư) nói rằng: “Hồi đó, nhà tôi còn ở ven con sông Trang ở thôn Gia Rít (xã Giang Ly). Mỗi khi mưa rừng 2 - 3 ngày liên tục là bồn chồn không ngủ được. Đêm xuống, cả nhà căng mắt thức để lo chạy ngập. Nước trên nguồn đổ về không biết lúc nào dâng cao. Nhiều khi chưa đầy 30 phút, con nước đã phăm phăm tràn lên nhà, nhấn chìm hết đồ đạc. Mà chuyện ngập nhà, ngập đồ đâu chỉ diễn ra vào mùa mưa, ngay cả mùa hè, mưa rừng lớn, liên tục cũng phải lo dọn đồ chạy lên chỗ cao rồi”.

Người dân Giang Ly đã chăm chút cho khu dân cư ngày càng tươi đẹp.

Người dân Giang Ly đã chăm chút cho khu dân cư ngày càng tươi đẹp.

Theo anh Hà Binh, do tập quán, xưa nay, người Cơ Ho và Raglai ở xã Giang Ly quen sống ven sông, ven suối. Ngày trước, còn nhiều rừng nên con nước ít dữ, lâu lâu mới dâng cao đột ngột. Khoảng chục năm trở lại đây, chuyện nước cuốn nhà, sạt lở 2 bên bờ sông ngày càng nhiều. Đây cũng là lý do mà huyện cho xây dựng khu tái định cư để đưa người dân ở khu vực xung yếu về nơi ở mới. Khu tái định cư Gia Lợi có diện tích khoảng 5,2ha; gồm 103 lô, mỗi lô có diện tích 250m2, diện tích nhà ở 35m2. Ban đầu có 84 hộ đồng loạt chuyến đến và đón cái Tết đầu tiên ở đây vào năm 2018. Sau 5 năm, làng tái định cư đã có 99 hộ dân.

Một hộ dân ở Khu tái định cư Gia Lợi đang xây nhà.

Một hộ dân ở Khu tái định cư Gia Lợi đang xây nhà.

Giờ đây, dọc trục đường bê tông, nhà xây, mái lợp phủ lên những ô cửa xinh ẩn sau bóng mát của cây cối. Gần 100 hộ dân từ chỗ thấp giờ được đưa lên nơi cao nhất của cả xã an cư. Xa xa, nhìn ngược lên, làng tái định cư như dải khăn vắt lưng chừng núi, mở ra tầm nhìn khoáng đạt. Từ chỗ không mấy người đồng tình, nay việc lập khu tái định cư đã trở thành hợp lòng dân. “Chuyển chỗ ở khỏi làng cũ nào có dễ dàng gì. Quen chốn cũ, có người không ưng, nhưng không thể khác. Vì tính mạng, vì cuộc sống lâu dài, cuối cùng các hộ đều chấp nhận về nơi ở mới. Sau 5 năm, người dân cảm thấy vui trong bụng, biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm” - chị Cà Bá giãi bày.

... Rồi lo lạc nghiệp

5 năm về nơi ở mới, cuộc sống của người dân khu tái định cư đã ổn định hơn. Nhiều gia đình nghèo nay đã thoát nghèo. Thật ấn tượng, ở ngay đầu làng tái định cư, một ngôi nhà 2 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây là ngôi nhà tầng đầu tiên của làng. Càng bất ngờ hơn, chủ nhân của ngôi nhà là cặp vợ chồng còn trẻ, chồng sinh năm 1986, vợ sinh năm 1991. Ghé vào thăm, người chồng đang đi đăng ký biển số xe máy, người vợ vừa trông con, vừa coi ngó việc xây dựng phần còn lại của ngôi nhà. Khi được hỏi, chị Cà Đen rành rọt chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi chuẩn bị ăn Tết lớn. Nhà mới xây, còn mua thêm cái xe tay ga để đi chơi. Hồi mới về làng nhà tôi nghèo lắm, cái gì cũng thiếu. Nhưng về nơi ở mới, vợ chồng chăm chỉ làm rẫy, trồng keo. Giờ thì không lo cái ăn nữa. Nhà cũng xây to rồi nên chỉ lo làm ăn thôi”.

Chị Cà Đen (bên trái) hạnh phúc bên con thơ và mẹ già.

Chị Cà Đen (bên trái) hạnh phúc bên con thơ và mẹ già.

Tuy đã xây ngôi nhà 2 tầng nhưng vợ chồng chị Cà Đen vẫn giữ lại ngôi nhà nhỏ phía trước, dù nó che hoàn toàn không gian của ngôi nhà mới. Lý giải điều này, chị Cà Đen thật tình nói: “Nhà tôi không phá ngôi nhà này đâu. Đây là nhà của Nhà nước xây khi vợ chồng còn nghèo khó. Nhờ ngôi nhà này mà gia đình mới có được cuộc sống như hôm nay. Giữ lại đó để vợ chồng nhớ lúc thiếu ăn, thiếu mặc mà cố gắng”.

Câu chuyện an cư, lạc nghiệp, thoát nghèo như gia đình chị Cà Đen ở xã Giang Ly, xã thuộc diện nghèo nhất nước là một chuyện đột phá, là động lực để các hộ dân khác làm theo. Từ chính sách an cư, nhiều hộ gia đình trẻ đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu biết làm ăn, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều gia đình sau khi có nhà ở đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống. Như gia đình chị Cao Diễm (sinh năm 1994, người Raglai), bằng nguồn vốn vay 50 triệu đồng đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Vĩnh đã mạnh dạn đầu tư trồng 2ha keo; 8 sào mì, 10 cây sầu riêng, 20 cây bưởi và nuôi 4 con dê. "Thời gian tới, cuộc gia đình chắc sẽ khá giả hơn. Mấy đứa nhỏ đi học giờ đã đủ đầy hơn" - chị Diễm hồ hởi nói.

Bà Cà Xen - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ly cho biết, những người dân ở khu tái định cư hiện nay đa phần đều thay đổi cách nghĩ. Các hộ chú tâm làm ăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình từ chỗ thiếu ăn thiếu mặc quanh năm nay đã có của ăn, của để, xây mới nhà cửa, lo cho con cái ăn học tử tế. Các gia đình giờ đã biết nhìn nhau cùng cố gắng vươn lên. Thời gian tới, xã tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giảm nghèo; triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, vận động người dân vay vốn để sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thay đổi từ nếp nghĩ đến việc làm

Mùa này, phía sau làng, ở trên cao của đèo Khánh Lê, những vạt lúa chuyển sang màu vàng sậm. Các hộ gia đình bắt đầu thu hoạch vụ lúa mới. Một số gia đình có lúa sớm đã làm mâm cơm để cúng thần. Những hạt lúa đầu tiên của vụ mùa được treo lên trong căn bếp, quyện với mùi khói thơm lừng, báo hiệu mùa xuân đang về. Thật vui vì giờ đây, khi đi trên đường ở Giang Ly, hình ảnh những dáng người liêu xiêu trong chếnh choáng hơi men đã vắng dần; không còn mấy khi thấy cảnh cánh đàn ông tụ tập khật khừ với trận rượu tưng bừng từ sáng cho đến tận lúc khói bếp lam chiều. Giờ đây, buổi sáng, cả khu tái định cư thường thưa bóng người vì các gia đình trẻ bận đi rẫy…

Anh Hà Binh thật thà chia sẻ: “Từ khi về đây, tôi đã bỏ rượu, bỏ thuốc. Trước kia, tôi uống nhiều lắm, nhưng nhiều lần say, tôi thấy không tốt nên bỏ. Giờ đi đám, nhiều người nói nhưng cũng kệ, không uống nữa. Người miền núi bảo bỏ rượu là cả một vấn đề nhưng trẻ như tôi mà suốt ngày uống thì còn làm được gì. Tôi phải lo giữ sức khỏe mới kiếm được đồng tiền cho mấy đứa nhỏ ăn học”. Chị Cà Mang (vợ anh Hà Binh) ngồi nhặt rau dưới bếp nói vọng lên: “Giờ phải lo làm ăn để thoát khỏi cái nghèo chứ, con cái được học hành tới nơi tới chốn. Vậy là hạnh phúc rồi...”.

Gia đình anh Hà Binh có 5 sào chuối, 6 sào thơm nên vợ chồng dù nuôi 2 đứa con đang đi học song cũng không đến mức chật vật. Cuộc sống gia đình được cải thiện, khá đầy đủ tiện nghi. Một số gia đình khác thấy kết quả sự nỗ lực của vợ chồng anh Hà Binh, vợ chồng nhà Cà Đen cũng đã học theo. Đám thanh niên trong làng cũng theo đó mà bắt đầu chịu làm hơn.

Làng tái định cư ở sát chân đèo Khánh Lê giờ đã có sóng di động, điện thoại thông minh, tivi, đời sống dân trí được nâng lên. Chia tay Giang Ly, chia tay làng tái định cư Gia Lợi khi khói bếp lam chiều. Dọc trục đường bê tông thẳng tắp, bóng người đi rẫy đang bước nhanh về nhà. Xa xa tiếng nước chảy từ suối Lách và thác Edu vọng về như cổ vũ người dân nơi đây từng ngày cố gắng vươn lên để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

Ông VĂN NGỌC HƯỜNG - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Việc xây dựng các khu tái định cư là rất cần thiết vì trước đây một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng rừng núi, nương rẫy, ven sông, suối không đảm bảo an toàn, nguy cơ sạt lở đất; đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, học hành. Chuyển về sinh sống tại khu vực này, người dân được đảm bảo an cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các em nhỏ đến trường, được hưởng các thiết chế về y tế, giáo dục, giao thông… Năm 2024, huyện sẽ tiếp tục hình thành khu tái định cư tại xã Cầu Bà, trong đó có một phần dùng để di dời người dân sống rải rác ở những khu vực hẻo lánh, khu vực không đảm bảo an toàn đến nơi tái định cư.

ĐÌNH LÂM - CÔNG ĐỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202401/suc-song-moi-o-khu-tai-dinh-cu-gia-loi-ede09e2/