Sức sống mới trên những vùng quê xứ cờ lau
Thời điểm năm 2010, Ninh Bình có 6 huyện, 2 thành phố với 122 xã; 23 phường, thị trấn, trong đó có tới 10 xã đặc biệt khó khăn và 57 xã, phường, thị trấn miền núi. Dân số khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn (79%) với thu nhập bình quân đầu người thấp chỉ 13,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (12%). Những con số đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với tỉnh về việc thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, ven biển, sao cho không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển. Tuy nhiên, thành quả sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM dường như đã và đang xóa nhòa khoảng cách này.
Chúng tôi về Cúc Phương (huyện Nho Quan), hình ảnh của một xã vùng cao heo hút, nghèo nàn đã dần lùi xa. Những tuyến đường đèo dốc "mưa lầy, nắng bụi" vốn đầy những ổ trâu, ổ gà... nay được mở rộng, trải bê tông nhựa asphalt êm ru. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi thấp thoáng sau những vườn cây sum suê ánh lên sắc màu no ấm...
Đường giao thông xã Cúc Phương của 10 năm trước.
Đường giao thông về xã Cúc Phương giờ đã được nâng cấp to, đẹp.
Ông Đinh Văn Bờ, người dân thôn Đồng Quân, xã Cúc Phương không giấu nổi niềm vui: Trước, con đường chính vào xã chỉ đổ đá cấp phối, nhỏ hẹp, đi lại khó khăn nên trồng được củ khoai, củ sắn, nuôi được con lợn, con bò cũng khó bán, thương lái trả giá thấp. Từ khi có đường kiên cố, giao thương thuận tiện, hàng hóa được giá hơn; trẻ em đi học, người lớn đi làm, ốm đau đi bệnh viện cũng nhanh chóng, dễ dàng. Bà con rất phấn khởi.
Thi ném Còn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mường (Nho Quan).
Là xã vùng cao với 86% dân số là đồng bào dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội ở Cúc Phương có nhiều khó khăn. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã lên tới 13,41%. Song, nhờ có chương trình xây dựng NTM mà giờ đây Cúc Phương đã mang một sức sống mới. Không chỉ là những ngôi nhà mới cho người nghèo, những công trình dân sinh, trường học, trạm y tế mới được hoàn thiện… mà quan trọng hơn là những đổi mới trong tư duy, tổ chức sản xuất của người dân. Nếu như trước kia, bà con chỉ quẩn quanh với cây sắn, cây ngô thì nay phát huy thế mạnh đồi rừng, người dân tập trung chăn nuôi các con đặc sản (hươu, nai, dê, nhím,...), phát triển cây dược liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả; đồng thời chuyển dịch sang kinh doanh thương mại và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, từ đó từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn ước đạt 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống chỉ còn 0,96%. Vừa qua, Cúc Phương đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thực tế, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, Ninh Bình luôn tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn, đầu tư có trọng điểm, tháo gỡ khó khăn, "điểm nghẽn" để các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển có cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 140-QĐ/TU và Quy định số 141-QĐ/TU phân công 55 cơ quan, đơn vị phụ trách và 56 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã, phường, thị trấn có tính chất đặc thù.
Với phương châm "xã là chính, cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp kết nghĩa là cần thiết", các cơ quan, đơn vị phụ trách, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, thiết thực để hướng dẫn, giúp đỡ các xã đặc thù. Cụ thể như: Đào tạo nghề, nhận người lao động địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp, chuyển giao các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, giúp đỡ xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa... Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã này từng bước được hoàn thiện, đời sống của người dân được nâng lên, mục tiêu xây dựng NTM đạt kết quả cao, khoảng cách vùng miền được rút ngắn. Bên cạnh Cúc Phương, nhiều xã khác như: Thạch Bình, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Trung, Kim Đông... trước khó khăn là vậy giờ đã vươn lên sánh vai với các xã đồng bằng, thậm chí có xã đã đủ các tiêu chí của xã NTM nâng cao như: Cúc Phương, Kim Đông.
Chăm sóc na tại HTX na trái vụ Phú Long (Nho Quan).
Việc phát triển sản xuất luôn được Ninh Bình xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM. Bởi yếu tố này không những nâng cao thu nhập của người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn mà còn tạo nguồn lực để các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng NTM theo hướng bền vững.
Thu hoạch lúa mùa tại xã Khánh Trung (Yên Khánh).
Trở lại xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) sau 6 năm miền quê này thực hiện thí điểm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, những cánh đồng được quy hoạch thành thửa lớn, bằng phẳng, vuông vức nối với nhau bởi những tuyến đường nội đồng như ô bàn cờ. Sau vụ lúa Mùa được mùa, được giá, nông dân ở đây đang tranh thủ tận thu cua cá trên đồng, số khác lại bắt tay vào sản xuất vụ Đông.
Đóng gói sản phẩm cơm cháy tại Công ty CP sản xuất và thương mại Đại Long xã Xích Thổ (Nho Quan).
Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Lúa là cây trồng chủ đạo của địa phương nhưng lâu nay người trồng lúa chẳng mấy khi có lãi. Để cải thiện thu nhập cho người trồng lúa tất nhiên không còn con đường nào khác là cải thiện, nâng chất sản phẩm lúa gạo từ đó nâng giá bán và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí. Chính bởi vậy, năm 2018, được sự hỗ trợ của tỉnh, ngành chuyên môn, lần đầu tiên Khánh Trung đưa máy cấy vào đồng ruộng, và đồng loạt chuyển đổi lối canh tác truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ.
Ông Nguyễn Thế Phương, nông dân ở xóm 7 phấn khởi cho biết: Từ khi chuyển sang hình thức sản xuất này, bà con nhàn tênh, tất cả các công đoạn đã có máy móc thay thế. Hơn nữa khi có liên kết, giống, phân bón công ty cung cấp, lúa bán tươi ngay tại ruộng, không tốn công phơi nên bà con hoàn toàn yên tâm. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn, tăng trung bình 500.000 đồng/sào so với cách làm truyền thống trước đây. Cái được lớn nhất là canh tác theo hướng hữu cơ, đồng ruộng trong lành, cua, cá sinh sôi, sức khỏe được đảm bảo.
Niềm vui của nông dân ở thủ phủ giống ngao hàu Kim Sơn.
Không chỉ riêng Khánh Trung (Yên Khánh), sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung; quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa sản phẩm nông nghiệp nhằm khai thác tối đa giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp đang trở thành xu thế ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh. Đến nay, cơ bản các xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với thực hiện quy hoạch NTM, cơ cấu lại sản xuất. Từ đó, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều HTX, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc vào phục vụ sản xuất như: máy gieo mạ, máy cấy, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sấy, máy cuộn rơm... giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Từ chỗ tập trung vào sản lượng, nông dân chuyển sang quan tâm tới chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ lúa đặc sản, chất lượng cao tăng mạnh, đạt 77%, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, tỉnh đã có 64 vùng trồng được cấp mã số. Bên cạnh đó, các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi hàng nghìn ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng rau, cây ăn quả, làm trang trại... cho thu nhập cao gấp 3-5 lần so với sản xuất lúa. Hiện, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của tỉnh đạt 153 triệu đồng/ha.
Đoàn đại biểu của tỉnh khảo sát sản phẩm du lịch ở làng nghề ẩm thực Phong An, xã Khánh Thiện (Yên Khánh).
Thời gian qua, Ninh Bình cũng rất quan tâm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 148 sản phẩm được công nhận OCOP của 100 chủ thể, trong đó có 80 sản phẩm 3 sao, 68 sản phẩm 4 sao. Không chỉ tự tin với thị trường trong nước, nhiều sản phẩm còn tìm được thị trường xuất khẩu. Các chủ thể, doanh nhân sản xuất OCOP đã và đang trở thành trụ cột, dẫn dắt kinh tế nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Du khách nước ngoài trải nghiệm nghề thêu ở làng nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải (Hoa Lư).
Đặc biệt, việc phát triển các ngành nghề dịch vụ, du lịch, các khu, cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn đã giúp Ninh Bình giải quyết tốt bài toán "ly nông không ly hương", góp phần không nhỏ trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, thu hút trên 31.500 lao động tham gia sản xuất; có trên 49 nghìn cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thu hút gần 83 nghìn lao động tham gia với thu nhập từ 2-14 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế nông thôn đã và đang phát triển theo chiều sâu, hiện đại, bền vững hơn. Người nông dân đã làm chủ nông thôn bằng chính đôi bàn tay, khối óc sáng tạo của mình. Đặc biệt, khi "cơm áo, gạo tiền" không còn là nỗi lo thường nhật, người dân sẽ không nề hà đóng góp tiền của, công sức để xây dựng NTM.
Người dân xóm 7A, xã Kim Chính (huyện Kim Sơn) không ai là không biết anh Nguyễn Mạnh Trường bởi gia đình anh đã tình nguyện phá dỡ tường bao, hiến hơn 60m2 đất để mở rộng tuyến đường giao thông trong xóm. Nhờ đó, tuyến đường trước kia chật hẹp, mùa mưa lầy lội, đi lại khó khăn đã được mở rộng khang trang, to đẹp.
Đồng chí Trần Văn Quân, Bí thư Chi bộ xóm 7A, xã Kim Chính cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng tôi luôn xác định người dân chính là chủ thể của Chương trình. Do vậy công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu, phương châm là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ". Việc huy động, đóng góp của người dân được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ, việc chung thì huy động tập thể, việc riêng thì tuyên truyền đến từng gia đình. Chính nhờ cách làm công khai dân chủ nên mọi hoạt động đều được nhân dân trong xóm hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, 100% tuyến đường trong xóm đã được cứng hóa, lắp đặt điện chiếu sáng, camera an ninh, trồng hoa, cây xanh bằng nguồn xã hội hóa.
Trong tiến trình hiện thực hóa NTM ở Ninh Bình, thật khó để thống kê hết những tấm gương bà con tự nguyện hiến đất, phá bỏ tường bao, cây cối để làm đường; đóng góp trí tuệ, sức người, sức của, cùng chung tay làm đổi thay diện mạo quê hương. Trong tổng nguồn vốn huy động để xây dựng NTM thì tỷ lệ vốn huy động từ nhân dân tự đầu tư và đóng góp chiếm tới 30%.
Người dân thôn Tụ An, xã Trường Yên (Hoa Lư) tham gia phá dỡ tường rào, nhà lán mở rộng đường.
Những con đường mới hình thành từ sự đồng lòng, góp sức của người dân.
Để huy động được sức dân, đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương phải luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến, đề cao vai trò làm chủ của người dân và thực hiện tốt phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Với quan điểm này, ngay từ những ngày đầu bắt tay triển khai chương trình xây dựng NTM, ngoài 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, Ninh Bình đã có thêm tiêu chí thứ 20 riêng của tỉnh khi xét duyệt các xã đạt chuẩn NTM, đó là lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, về đích NTM chỉ khi người dân đã thực sự hài lòng.
Tuyến đường dong số 1, xóm 7A, xã Kim Chính (Kim Sơn) được mở rộng, nâng cấp nhờ sự tự nguyện hiến công, hiến đất của người dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chia sẻ: Thực tế, việc quan tâm tới mức độ hài lòng của nhân dân không chỉ dừng lại ở một bước thủ tục theo quy định, mà luôn được đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng NTM tại từng địa phương. Đây chính là dịp để chính quyền địa phương, ngành chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân. Những chỉ tiêu người dân chưa hài lòng chính là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để đảm bảo xây dựng NTM bền vững. Sáng kiến này của Ninh Bình sau này đã được Trung ương áp dụng để nhân rộng trong cả nước.
Không giống những nơi khác, thôn 5, xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) chọn cách cải tạo, nâng cấp lại đình làng cũ để làm nơi sinh hoạt văn hóa cho bà con thay vì xây dựng một nhà văn hóa mới. Với địa thế thuận lợi, khuôn viên Đình lại rộng rãi, hội trường đủ các chỗ ngồi, bàn ghế khang trang với đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bởi vậy, hằng ngày, vào sáng sớm hay cuối chiều, người dân đủ mọi lứa tuổi đến đây chơi bóng bàn, cầu lông, tập dân vũ... Các hoạt động học tập cộng đồng cũng được phát huy hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Hữu Giảng, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban phát triển thôn 5 chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền thôn đã vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng đình làng văn hóa. Trong không gian ấm cúng, tôn nghiêm, linh thiêng của đình làng, người dân cũng nâng cao ý thức trong chấp hành nội quy, quy định, giữ gìn không gian cảnh quan chung. Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, rèn luyện thể thao, nâng cao trí tuệ tại đây cũng làm tăng thêm sự gắn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội vùng nông thôn.
Giao lưu văn nghệ ở xã Ninh Hải (Hoa Lư).
Xác định xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là một trong những tiêu chí "cứng" nhằm tạo môi trường nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, Ninh Bình đã tập trung huy động nguồn lực để từng bước hoàn thành tiêu chí này. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã có nhà văn hóa xã, 100% thôn, xóm có địa điểm sinh hoạt văn hóa, hệ thống sân thể thao được đầu tư lắp đặt các thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao và vui chơi cho người già, trẻ em. Đi liền với đó là việc giữ gìn, phát triển hoạt động văn hóa truyền thống của các câu lạc bộ hát chèo, hát xẩm, dân ca, trống nhảy… đồng thời tiếp nhận, lan tỏa những mô hình mới như dân vũ, dạy tiếng Anh, thể dục - thể thao.
Mùa hoa Sen ở Hang Múa (Hoa Lư) thu hút đông du khách đến chụp ảnh, nghỉ dưỡng.
Các địa phương có tiềm năng, lợi thế như Hoa Lư, Gia Viễn cũng đã, đang tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư cho phát triển triển du lịch nông thôn gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa.
Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa, Ninh Bình luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp tại các vùng quê NTM. Các địa phương thường xuyên phát động vệ sinh môi trường khu dân cư, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề,... Tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển xử lý tập trung đến nay đạt 81%, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn ở các xã đạt trên 40%, ở các xã NTM kiểu mẫu đạt trên 50%.
Đua thuyền tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023.
Các đoàn thể chính trị, xã hội tích cực vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên chỉnh trang nhà ở, sân vườn, cải tạo cảnh quan, tạo dựng các tuyến đường hoa, cây xanh. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang, đời sống vật chất của người nông dân được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống căn bản được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, nhân dân rất hài lòng với kết quả xây dựng NTM.
Sau hơn 12 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, cùng với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của các địa phương và sự nỗ lực của Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Các tiêu chí NTM lần lượt được củng cố, hoàn thiện và nâng chất. Sản xuất có những thay đổi rõ nét, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch.
Sản phẩm Ngô ngọt nghiền Á Châu (Tam Điệp) - sản phẩm được đề cử 5 sao cấp quốc gia.
Đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, 119/119 xã đạt chuẩn NTM, 33/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 27,7%), 15/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 12,6%); có 396 thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 2 huyện Yên Khánh và Hoa Lư đã hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá kết quả huyện NTM nâng cao. Đây là những cơ sở vững chắc để Ninh Bình đặt mục tiêu sớm hoàn thành các chỉ tiêu, điều kiện và hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Nông dân xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) thu hoạch hoa.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn này có bổ sung nhiều tiêu chí mới, nâng cao hơn. Bởi vậy, chắc chắn quá trình thực hiện chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong khi đó, hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030, sẽ xảy ra các trường hợp có địa phương phải làm thủ tục xét công nhận hoặc xác nhận lại kết quả xây dựng NTM, do vậy ảnh hưởng phần nào đến lộ trình, tiến độ để tỉnh ta được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, không vì thế mà nhiệm vụ xây dựng NTM sẽ dừng lại. Chúng ta vẫn song hành vừa thực hiện các nhiệm vụ sắp xếp lại bộ máy tổ chức, vừa hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ tỉnh NTM. Điều thuận lợi là chúng ta đã có những kết quả khá vững chắc của giai đoạn trước, xây dựng NTM vẫn đang là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, là nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư.
Trường Mầm non thị trấn Bình Minh (Kim Sơn) được xây dựng khang trang, hiện đại.
Trước mắt, Ninh Bình sẽ tập trung chỉ đạo, rà soát tất cả các thôn, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn trước, đảm bảo nâng cấp, đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo hướng ưu tiên các nội dung, tiêu chí thiết thực nâng cao đời sống cho các đối tượng cư dân nông thôn. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; kích hoạt tín dụng, chính sách khởi nghiệp, sáng tạo; chuyển dịch cơ cấu lao động. Đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông trọng điểm, đô thị động lực, cùng với chú trọng huy động nguồn lực cho văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường...
Đặc biệt, với định hướng của tỉnh là xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch quốc gia vì vậy phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Các địa phương phải nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống, phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng để làm du lịch.
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2023-2025 có thêm 41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tỷ lệ xã NTM nâng cao lên 60% tổng số xã; có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 23%; đến hết năm 2025, tỉnh có 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025.
Khối lượng công việc hiện còn rất lớn, tuy vậy, tin tưởng rằng với truyền thống của quê hương Cố đô lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, cần cù, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM.