Sức sống TP.HCM - Bài 2: Lãnh đạo mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì dân

Trước những thay đổi để phát triển thì người đứng đầu luôn đóng vai trò quyết định để khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo và luôn đổi mới của đội ngũ cán bộ, nhất là với một TP năng động như TP.HCM.

“Người lãnh đạo càng thương dân thì càng sáng tạo, càng có nhiều suy nghĩ để rồi có thêm các sáng kiến, sáng tạo. Không khó khăn nào có thể bó buộc được người lãnh đạo nếu họ luôn đau đáu với đời sống của người dân” - nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

 Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực. Ảnh: THANH TUYỀN

Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực. Ảnh: THANH TUYỀN

Quyết liệt đổi mới, vượt lên khó khăn

. Phóng viên: Là thế hệ lãnh đạo trưởng thành từ trong gian lao, khó khăn, chứng kiến TP.HCM đi qua từng giai đoạn phát triển, ông cảm nhận ra sao về những đột phá giúp TP có được những thành quả như hôm nay, thưa ông?

+ Ông Phạm Chánh Trực: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ của xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, ngay sau giải phóng, TP đang gặp vô vàn khó khăn nên từ cuối năm 1975, TP đã chuẩn bị lực lượng và đến đầu năm 1976, khoảng 10.000 thanh niên xung phong ra quân, đi về các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ… để làm kinh tế.

TP Sài Gòn vốn là một trung tâm công nghiệp lớn của miền Nam từ trước giải phóng, thế nhưng sau giải phóng một thời gian thì vật tư nguyên liệu không còn, nhà máy đình đốn. Thời điểm này, Trung ương áp dụng đường lối kinh tế kế hoạch tập trung, giao vật tư, nguyên liệu xuống cho nông thôn sản xuất nông nghiệp, cho các TP sản xuất công nghiệp. Đó là kế hoạch A. Sản phẩm làm ra được các thương nghiệp quốc doanh thu mua, đem phân phối cho toàn xã hội.

Theo kế hoạch này thì với một số lượng vật tư nhất định chỉ sản xuất ra khối lượng hàng hóa tương ứng, không đủ phân phối cho toàn dân. Trước tình hình như vậy, Thành ủy TP.HCM khi đó trực tiếp là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã đi xuống cơ sở, nghiên cứu, tháo gỡ sản xuất.

Thành ủy đã bàn bạc, thấy rằng phải hợp tác với nhà máy để sản xuất nhưng lúc này ngân sách không còn bao nhiêu, kinh tế kiệt quệ, đến xăng dầu cũng phải nhập, không có ngoại tệ. Vậy phải làm sao? Cuối cùng, TP đi đến quyết sách là mượn vàng, USD của dân để làm và được nhân dân hưởng ứng. TP hợp tác với nhà máy đề sản xuất ra sản phẩm, gọi là kế hoạch B.

Sau khi trừ hết chi phí, nghĩa vụ với nhà nước, trừ hết thuế… còn sản phẩm thặng dư thì đem xuống ĐBSCL đổi lấy nông sản đưa đi xuất khẩu, rồi nhập vật tư nguyên liệu đưa xuống nhà máy để tiếp tục sản xuất. Cứ như vậy, guồng máy kinh tế đã bắt đầu chạy.

 Nhờ những chủ trương “xé rào, bung ra” mà TP.HCM đã giúp công nghiệp khôi phục trở lại sau những khó khăn. Ảnh: THUẬN VĂN

Nhờ những chủ trương “xé rào, bung ra” mà TP.HCM đã giúp công nghiệp khôi phục trở lại sau những khó khăn. Ảnh: THUẬN VĂN

. Vậy khi đó, Trung ương đánh giá như thế nào với kế hoạch này của TP?

+ TP đã có kế hoạch, tạo ra sản phẩm của riêng TP, góp phần khôi phục lại các ngành kinh tế, tuy nhiên kế hoạch này lại trái với quy định của Trung ương và bị coi là xé rào, bung ra sản xuất.

Thành ủy TP.HCM đã báo cáo Bộ Chính trị để hiểu rõ hơn về cách làm của TP. Lãnh đạo Trung ương đã đi khảo sát thực tế, xem các xí nghiệp làm ăn ra sao và đưa ra kết luận là không thể ràng buộc bằng kế hoạch kinh tế tập trung mà phải thay đổi tư duy, mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.

Chủ trương “xé rào, bung ra” của TP có khác với chính sách chung của nhà nước nhưng lại phù hợp với quy luật phát triển thực tế của đất nước lúc bấy giờ. Chính điều này đã giúp công nghiệp khôi phục trở lại, được coi như cơ sở thực tiễn để Đảng nghiên cứu, thay đổi và hình thành đường lối “đổi mới”.

Đây có lẽ là đóng góp quan trọng nhất của TP.HCM vào quá trình đổi mới và xây dựng thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam; từ chỗ không thừa nhận, chúng ta đã đi đến thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

 Ông Phạm Chánh Trực đánh giá thế hệ lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ luôn giữ được sự đoàn kết nội bộ, luôn vì lợi ích chung, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để lãnh đạo TP ngày càng đi lên, phát triển và hội nhập tốt. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Phạm Chánh Trực đánh giá thế hệ lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ luôn giữ được sự đoàn kết nội bộ, luôn vì lợi ích chung, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để lãnh đạo TP ngày càng đi lên, phát triển và hội nhập tốt. Ảnh: THANH TUYỀN

Đích cuối của mọi sự phát triển là vì dân mình

. Thực tế hiện nay, TP đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là về phát triển khoa học công nghệ?

+ Suốt 40 năm đổi mới, TP.HCM đã làm rất hiệu quả, mang lại nhiều thành tựu tích cực và TP.HCM cần tiếp tục làm tốt hơn nữa. Cho đến nay, thế hệ lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ luôn giữ được sự đoàn kết nội bộ, luôn vì lợi ích chung, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để lãnh đạo TP ngày càng đi lên, phát triển và hội nhập tốt.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57/2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tôi cho rằng TP.HCM là địa phương hoàn toàn có đủ điều kiện để làm tốt điều này, dần phải đạt thứ hạng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, dần tiếp cận với các nước nằm trong top đầu. Bởi nếu không chúng ta sẽ tụt hậu.

Khoa học công nghệ phải là động lực chính, mạnh và toàn xã hội phải cùng tham gia để cùng phát triển, từ đó thúc đẩy mọi lĩnh vực đời sống xã hội khác cùng đi lên.

TP cũng không thể tách khỏi liên kết vùng; xây dựng, phát triển, đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 một cách có chọn lọc, chuyển mạnh qua nền kinh tế xanh, giao thông xanh… Đặc biệt cần chú trọng đến đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất 70% là phải có nghề; xem công nghiệp vi mạch bán dẫn là then chốt của cách mạng 4.0.

Nhân dân TP.HCM bao đời nay luôn là những người thiết tha yêu nước, anh hùng, cần cù lao động và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Mong rằng với tinh thần đổi mới tích cực, TP.HCM sẽ phát triển bền vững hơn, cùng với cả nước chung tay xây dựng cuộc sống tốt hơn, với tâm niệm rằng mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển chính là vì con người, vì đồng bào của mình.

 Diện mạo TP.HCM hôm nay đã có nhiều đổi thay, phát triển vượt bậc sau 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới. Ảnh: THUẬN VĂN

Diện mạo TP.HCM hôm nay đã có nhiều đổi thay, phát triển vượt bậc sau 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm đổi mới. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Phạm Chánh Trực là Bí thư Thành Đoàn Thanh niên cộng sản đầu tiên của TP.HCM sau giải phóng; là người thủ lĩnh thanh niên được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP.HCM trao lá cờ thanh niên xung phong xuất quân vào mặt trận kinh tế để bắt đầu xây dựng TP sau chiến tranh.

Là thế hệ lãnh đạo trưởng thành từ trong gian lao, khó khăn, ông là một trong những nhân vật tích cực góp phần đặt nền móng xây dựng TP đổi mới và phát triển đã trải qua nhiều chức vụ và gắn cả cuộc đời mình với TP mang tên Bác.

Thương dân thì mới dám làm, dám chịu trách nhiệm

. Là thế hệ chứng kiến biết bao những khó khăn của TP, ông có trao gửi điều gì để hun đúc, tiếp nối tinh thần “dám nghĩ, dám làm”?

+ Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng bộ và chính quyền nhân dân TP.HCM vẫn luôn tìm cách xoay chuyển tình hình, dám quyết liệt đổi mới, tất cả những điều này là vì lòng thương dân của các thế hệ lãnh đạo. Càng thương dân thì càng sáng tạo, suy nghĩ để có thêm các sáng kiến; không khó khăn nào có thể bó buộc được người lãnh đạo nếu họ luôn đau đáu với đời sống của người dân.

Cảm nhận rõ nhất về tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là xuất phát từ chính tấm lòng của ông, vì thương dân mới có những sáng kiến, hành động xé rào táo bạo và đúng đắn như thế. Cán bộ đã nhận nhiệm vụ phải có suy nghĩ, có tư duy, có nghiên cứu để có những sáng kiến thực hiện nhiệm vụ đó với mức độ tốt nhất. Muốn làm thì sẽ có cách để làm.

Quan trọng nữa là các cơ quan, đơn vị cũng phải làm sao tổ chức tập thể, nội bộ của mình có dân chủ. Phải xem dân chủ nội bộ là động lực để cán bộ tự tin, dám nhận trách nhiệm, phấn khởi làm nhiệm vụ chứ không phải là sợ trách nhiệm hay là sợ sai.

Cùng đó là, phải tạo ra không khí, môi trường làm việc. Một cơ quan, một tổ chức có dân chủ nội bộ và cấp trên, người lãnh đạo phải lắng nghe cấp dưới, như thế mới giải quyết được các vướng mắc.

Chúng ta cũng phải làm sao để tạo ra được một phong trào thi đua sôi nổi, tạo động lực, sự nhiệt huyết cho đội ngũ, từ đó sẽ tìm ra những cán bộ, con người xuất sắc, đặc biệt chứ không chỉ làm hành chính.

Đội ngũ cán bộ TP.HCM vẫn luôn nhiệt huyết lắm. Quan trọng ở đây là vai trò người đứng đầu, bản lĩnh tổ chức, thực hiện nghị quyết của lãnh đạo là làm sao để khơi dậy tinh thần hành động, thực hiện hiệu quả các nghị quyết; từ đó tạo ra các giá trị thực sự cho xã hội, cho nhân dân.

.Xin cảm ơn ông!

Ý KIẾN:

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM PHẠM PHƯƠNG THẢO:

Mọi quyết sách xuất phát từ tinh thần vì dân, khó khăn mấy cũng vượt qua được

TP.HCM là nơi khởi nguồn của các khu đô thị theo hướng hiện đại, các mô hình BOT, BT, hay đổi đất lấy công trình, hạ tầng, cầu đường đều có sự phát triển hơn. TP cũng thực hiện xã hội hóa nhiều công trình trường học, dự án lớn chính từ đây. Phú Mỹ Hưng là điển hình mẫu của Khu đô thị đầu tiên tại TP.HCM ngày đó…

Tính cách người dân Sài Gòn xưa nay luôn bao dung, tính tiên phong, hiện đại, sự đa dạng dân cư, văn hóa, tôn giáo thể hiện rất rõ. Hơn hết, tính hào hùng và văn hóa đấu tranh cũng rất độc đáo. Chính những tính cách đó đã thôi thúc thế hệ lãnh đạo tiên phong “xé rào”, rồi tạo nên truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cho đến hôm nay. Cùng đó là sự tin tưởng của người dân với các thế hệ lãnh đạo của mình.

Năm 2006, khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND TP, tôi đã tổ chức chương trình “Nói và làm”, mổ xẻ các vấn đề nóng bỏng của TP, đối thoại trực tiếp với người dân qua sóng truyền hình, đã tiếp cận nhiều đối tượng, nhiều mô hình hay, nhiều cách làm tốt, mở ra nhiều cánh cửa để đón nhận thông tin.

Thời điểm đó, tôi chỉ có suy nghĩ là khi mình sâu sát với dân thì sẽ có lời giải cho bài toán khó. Lắng nghe người dân nói thì mới phát hiện chỗ này chỗ kia có những cái còn tồn đọng, các xí nghiệp, cơ sở vật chất còn bỏ trống, đất công, nhà xưởng công không sử dụng đúng mục đích… Từ đó mình mới xây dựng chính sách sát hơn

Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng TP.HCM đang làm rất tốt những mục tiêu mà đề ra trong nhiều lĩnh vực, với những cách làm phù hợp. Nhưng có lẽ cần thôi thúc hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ.

Phải làm nhanh hơn nữa, tìm cách giải quyết tốt những điều còn vướng mắc để phát huy cao nhất sức người, sức của... Trong khả năng và thẩm quyền, trách nhiệm của mình, được thì phải mạnh dạn tháo gỡ cho người dân, chứ chờ xin ý kiến thì chậm nhịp công việc của dân.

Nếu mọi quyết sách xuất phát từ tinh thần vì dân để lựa chọn thì dù có khó khăn cũng tìm cách vượt qua được. Tư duy của người lãnh đạo rất quan trọng, phải làm sao để tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ, với tinh thần cao nhất, luôn vì dân, vì nước.

*****

GS.TS NGUYỄN TRỌNG HOÀI, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Thành viên Hội đồng Khoa học TP.HCM.

Khởi tạo nhiều mô hình, công trình ý nghĩa

Đã gần 40 năm sau đổi mới và gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, với tinh thần dám nghĩ, dám làm và tiên phong đã tạo ra và duy trì khá bền vững một TP.HCM dẫn đầu trong cả nước.

TP.HCM đã dự báo đúng làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số hướng đến các giải pháp đô thị thông minh qua việc hình thành mô hình Khu công nghệ phần mềm Quang Trung (QTSC).

Đây không chỉ là mô hình đầu tiên trong cả nước mà còn có tính lan tỏa ra các địa phương khác. QTSC với hơn 20.000 người đang học tập và làm việc, tạo ra nhiều dịch vụ và giải pháp thuộc các lĩnh vực khác nhau, được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia tập trung vào các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

Bên cạnh đó, với tầm nhìn khu vực trong huy động vốn theo thông lệ thị trường quốc tế, TP.HCM đã đi đầu cả nước hình thành Trung tâm Giao dịch Chứng khoán nay là Sở chứng khoán (HOSE).

HOSE hiện là ưu tiên lựa chọn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vốn với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó có ba doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỉ USD, HOSE đã đóng góp vốn hóa chung cho Việt Nam xấp xỉ 30-40% GDP.

Sau hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, HOSE đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tổ chức hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường và khẳng định vai trò đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế…

Những mô hình nêu trên chỉ là đại diện cho nhiều mô hình tiên phong khác xuất phát từ tư duy vượt ra khỏi những khuôn khổ thể chế, chưa hoàn thiện trên cả nước để đáp ứng đòi hỏi sinh động và biến chuyển nhanh từ bối cảnh TP.HCM. Nơi đây đã tạo ra những kết quả phát triển kinh tế- xã hội và môi trường rất có ý nghĩa mà nhiều tỉnh, thành khác đến học tập và cùng đổi mới.

THANH TUYỀN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-song-tphcm-bai-2-lanh-dao-manh-dan-doi-moi-dam-nghi-dam-lam-vi-dan-post847470.html