Sức trẻ khởi nghiệp
Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) từ thành thị đến nông thôn. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ĐVTN mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động.

Thanh niên xã Cai Kinh phát triển kinh tế với mô hình trồng na
Tiêu biểu như anh Lê Quang Hiếu, thôn Nà Cà, xã Tràng Định. Với mong muốn đưa món đặc sản nầm khau (khau nhục) đến bạn bè trong và ngoài nước, anh đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất nầm khau đóng lon vừa kéo dài thời gian bảo quản vừa thuận tiện vận chuyển cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ khi làm quà biếu. Bên cạnh bán trực tiếp anh còn đẩy mạnh bán hàng trên mạng xã hội tiktok, nhờ đó sản phẩm được đông đảo khách hàng biết tới. Anh Lê Quang Hiếu chia sẻ: Tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp năm 2024, dự án “Mô hình sản xuất và kinh doanh đặc sản địa phương trên nền tảng số” của tôi đạt giải nhì, qua đây tôi cũng được Ban Giám khảo định hướng trong việc điều chỉnh về hương vị, cách đóng gói, làm tem nhãn… Tôi đã từng bước cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện mỗi tháng tôi bán ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng/tháng, cùng đó còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động.
Không riêng mô hình khởi nghiệp của anh Hiếu, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững như mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm của Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp Xứ Lạng (thôn Ngọc Thành, xã Hữu Lũng) do anh Nguyễn Minh Anh làm giám đốc; mô hình sản xuất rau củ quả theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm của HTX Nông sản Hữu Lũng (xã Hữu Lũng) do chị Lê Thị Minh Trà làm giám đốc…
Anh Đoàn Thành Công, Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban Công tác Đoàn và Thanh thiếu nhi cho biết: Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là chương trình lớn được chúng tôi triển khai sâu rộng trong đoàn viên, hội viên. Tổ chức đoàn, hội các cấp đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức và giới thiệu ĐVTN tham gia các cuộc thi khởi nghiệp; tổ chức diễn đàn, tọa đàm nhằm chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm khởi nghiệp, lập nghiệp…
Trong khối trường học, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Quốc tế Việt Phát Lạng Sơn tư vấn định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc cho học sinh. Đoàn trường tổ chức các hoạt động như ngày hội việc làm, ngày tuyển dụng, tọa đàm sinh viên và nhà tuyển dụng; kết nối học sinh, sinh viên với thị trường lao động, tạo cơ hội việc làm phù hợp sau tốt nghiệp. Cùng với đó, Đoàn các trường cũng phối hợp triển khai chương trình tập sự tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đối với học sinh, sinh viên. Từ năm 2024 đến nay, tổ chức đoàn, hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 113 hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 25.000 lượt học sinh, sinh viên; tổ chức 30 ngày hội việc làm với sự tham gia của hơn 12.000 lượt học sinh, sinh viên.
Cùng đó, đoàn, hội các cấp đã làm tốt công tác nhận ủy thác vốn vay ưu đãi với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn vốn cho đoàn viên, thanh niên đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, tổng số vốn ủy thác đạt 1.112 tỷ đồng thông qua 444 tổ tiết kiệm và vay vốn với 14.870 hộ vay phát triển kinh tế. Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho ĐVTN lập thân, lập nghiệp được tổ chức thường xuyên như: giới thiệu việc làm; trưng bày sản phẩm khởi nghiệp; giao lưu với doanh nghiệp; các cuộc thi khởi nghiệp… Để ĐVTN có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 58 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ năm 2024 đến nay, đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức 4 cuộc thi khởi nghiệp. Qua các cuộc thi, tỉnh đoàn lựa chọn các dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức. Qua đó, Trung ương Đoàn đã hỗ trợ 8 dự án khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh với số vốn 1,9 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 mô hình khởi nghiệp của ĐVTN với thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/mô hình/năm, trong đó, mô hình khởi nghiệp nông nghiệp gắn với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 80%.
Thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp tại quê hương không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Thời gian tới, tổ chức đoàn, hội các cấp sẽ tiếp tục rà soát các mô hình kinh tế trong ĐVTN, nắm bắt nhu cầu vay vốn để có hình thức hỗ trợ vốn kịp thời.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lan-toa-phong-trao-thanh-nien-khoi-nghiep-5052733.html