Suối hát lưng đồi
Mây ngồi nơi mỏm đá bên con suối Êm Bui, thong dong nhìn nắng lên bên kia núi. Ở khúc này, dòng Êm Bui khi quanh co ôm triền dốc để xuôi về bản làng, trông con nước dịu dàng như tiếng hát của mế 1 mỗi lần đưa nôi trong những đêm bên bếp lửa, khi ngoài trời mưa cứ lách tách.
Theo tiếng gió núi vi vút, Mây dễ dàng nghe tiếng thác nước Êm Bui đổ xuống sau những rặng cây xanh um phía trên kia. Âm thanh khi ầm ào, khi dìu dặt như tiếng khèn bè của trai bản trong những đêm trăng sáng. Qua một khúc quanh vòng ra sau lưng ngọn Ưng Ngam, dòng Êm Bui từ sủi bọt trắng xóa mờ mịt sẽ dần lặng lẽ trôi trong nắng sớm ấm áp. Nước trong vắt mềm mại như suối tóc nàng Hiên ngày xưa, lúc ngồi hóa đá nơi này chờ chồng.
Con suối quanh bản đang cạn nước, vài bóng người tới lui vớt cá. Già Âr Bang nói tháng 7 tháng 8 là mùa con cá bống ở suối đẻ trứng nhiều nhất, đặc biệt là những đêm trăng tròn. Ông thường dặn Mây: “Đừng bắt con cá khi ấy. Dân làng Âr Moois chúng ta bao đời nay đều sống nương tựa vào núi vào rừng, vào sông suối. Mình phải biết yêu quý và bảo vệ nó, thì nó mới chở che mình”. Mây không biết con cá bống có đẻ nhiều trứng vào những đêm trăng tròn tháng 8 như lời già Âr Bang nói hay không, nhưng già Âr Bang là người nhiều tuổi nhất bản. Già cũng là người hiểu rõ nhất từng ngọn núi cái cây ở vùng đất này. Nên mấy năm nay, vào thời điểm này bếp cá của Mây chỉ đỏ lửa cầm chừng, những hôm giữa tháng thì tắt bếp hẳn.
Bản Âr Moois nằm dưới chân dãy Trường Sơn, những con suối chảy ra từ đại ngàn ôm trong lòng mình bao nhiêu là tôm cá. Những con cá bống suối chỉ to bằng ngón tay. Người bản Mây thường nướng con cá bống suối trong lá chuối rừng, trong ống tre. Cá nướng ngọt lịm, xương mềm, thơm cay của vị hạt tiêu rừng, ớt rừng, riềng rừng, của kiệu trên rẫy xa. Nhưng người ta đâu thể ăn mãi một món trong đời, con cá bống nhỏ mang xuống thị trấn lại bán không được giá.
“Giỏi lắm con Mây. Nhiều người ở bản nhờ Mây mới kiếm được tiền đấy”. Già Âr Bang thường vỗ vai khen Mây. Lần nào già cũng dặn. “Mình yêu thương, tôn trọng thiên nhiên, thiên nhiên cũng sẽ yêu quý và ban tặng cho mình những quả ngọt đó Mây. Mây phải nhớ lấy”. Mây nhớ chứ.
***
Trên đường từ rẫy về nhà, Mây tạt ngang nhà Say Êm. Bản Âr Moois bây giờ chẳng còn mấy người trẻ chịu theo nghề đan lát như Say Êm. Con đường nhỏ dẫn lên nhà Say Êm được kê bằng những hòn đá lấy từ suối Êm Bui về. Nắng nhảy nhót trên những viên đá cuội màu nâu đồng khiến Mây lóa cả mắt.
“Say Êm à, phải làm lại a nóc 2 thôi. Loại a nóc dành riêng cho bà con mình bắt cá bống suối ấy. Phải dùng lưới thưa để con cá nhỏ chạy đi. Mình chỉ bắt lấy con cá bống lớn thôi nhé”.
“Đan a nóc bằng lưới có lỗ lớn, dân bản có chịu không? Khi ai cũng muốn bắt cá cho nhanh đầy ka ria 3”. Say Êm ngồi bên hiên nhà, tay nhẹ nhàng vót từng nan tre, đôi mắt lấp lánh. Trong gùi toàn là ớt rừng, mấy nhánh tiêu rừng, thêm vài gói kiệu rẫy được cột trong ngọn lá chuối.
“Bà con cũng phải đồng ý Say Êm à. Phải để cá nhỏ lại, đợi chúng lớn lên mới được. Nếu bắt cả cá lớn cá bé, chỉ một thời gian suối không còn cá mất”.
“Hôm trước vẫn có người lén vào suối sâu trong Ưng Ngam để kích điện. Cá kích điện ăn không ngon đâu. Mây không được thu mua cá kích điện đâu nhé. Không nên tiếp tay cho những người đó”.
“Già Âr Bang nói, Quỳnh Thum đã bị tịch thu hết dụng cụ kích điện rồi, còn bị đưa lên ủy ban để viết cam kết từ đây không dùng kích điện để bắt cá nữa. Hôm trước họp dân, già Âr Bang cũng phổ biến cho mọi người rồi. Ai cũng đồng ý cả, chỉ chờ Say Êm làm a nóc mới thôi”.
Say Êm ngước nhìn mặt trời đã đứng thẳng trên ngọn cây trước nhà, mời Mây ở lại ăn cơm. “Nồi cơm nhiều lắm. Cá bống suối rim củ kiệu hôm trước Mây mang qua vẫn chưa hết. Ăn ngon lắm Mây ạ”. Say Êm đứng dậy bước vào bếp, dùng đũa xới nồi cơm đang vần bên bếp lửa. Mùi thơm của thứ gạo ra dư thơm ngọt khiến bụng Mây cồn cào.
Mâm cơm trưa có canh sắn, cá bống suối kho và ít măng rừng ngâm ớt. Say Êm mồ cô cha khi còn nhỏ. Cuối năm lớp 9, mẹ Say êm trong một lần trúng gió thì nằm liệt trên giường. Khi Mây xuống huyện học cấp ba thì Say Êm phải bỏ học ở nhà chăm mẹ. Đôi vai của cậu con trai nhỏ chưa kịp rộng lớn đã trở thành chỗ dựa cho người phụ nữ trong nhà. Mấy năm nay bà đã dần dần bình phục, có thể đi lại được. Còn Say Êm cũng bén duyên với nghề đan lát học từ a vỗ 4 của mình.
“Sáng nay a i 5 sang bản bên thăm thân, chiều mới về. A i cứ khen cá của Mây kho ngon. A i hỏi Mây học kho cá từ ai. Người Pa Cô mình xưa nay không biết kho cá kiểu này đâu. Người ở bản chỉ quen ăn cá nướng thôi”.
Mây chợt nhớ hôm về nhà của bạn ở thành phố chơi. Lần đầu, Mây được ăn món cá bống kho ngon như thế. “Phải kho con cá cong lại mới đạt chuẩn. Vị ngọt, cay, béo thơm phải đủ”. Ngồi bên bếp lửa, nghe người phụ nữ có mái tóc bạc trắng chỉ từng bước kho cá, Mây chợt nghĩ đến những dòng suối nơi bản mình. Những con cá bống suối be bé liệu có trở thành đặc sản của vùng cao? Những du khách đến nơi này, họ có hào hứng mang theo hương vị của núi rừng khi trở về?
“Ở đây có sẵn vùng nguyên liệu rồi, cứ mạnh dạn thử thôi Mây. Vừa làm vừa học”. Chị Thiều Hương ở Huyện đoàn động viên Mây. Đó là những lần Mây cùng bạn khăn gói vào những vùng cá kho nổi tiếng để học nghề. Con cá bống sống ở những con suối dưới chân Trường Sơn xương mềm, thịt dai thơm, lại có vị béo ngọt, không thua gì con cá bống ở những vùng đất khác. Nhưng làm thế nào để món cá bống của bản Mây mang một hương vị riêng, đặc trưng riêng là điều khiến Mây trăn trở mãi. “Phải đẩy đặc trưng vùng miền lên đầu mới được Mây ạ” - chị Thiều Hương cứ nhắc đi nhắc lại với Mây.
Đúng rồi. Phải đẩy đặc trưng vùng miền lên cao. Những dãy rừng xanh mướt trên kia, với vô vàn thứ gia vị mà người dân bản Âr Moois bao năm nay vẫn luôn tự hào. Ớt rừng với vị cay vừa phải và hương thơm rất đượm; tiêu rừng mang đậm hương vị của núi rừng Trường Sơn; kiệu rẫy của đồng bào mang theo dư vị của mưa nắng vùng cao. Phải canh lửa củi cho đúng, liều lượng gia vị cho vừa in. Rồi canh thời gian bảo quản để đường vận chuyển sao cho không làm thay đổi chất lượng. Mây như con ong trên rừng, cần mẫn chăm chỉ, cuối cùng cũng tạo ra mật ngọt. Những đơn hàng cứ thế nối tiếp.
***
“Chị Mây ơi, có rất nhiều đơn đặt hàng mới”. Trơ Tuyết lắc lắc chiếc điện thoại trên tay khi nhìn Mây ngồi bên những chảo cá to canh lửa. Hơi nóng của củi lửa phả lên làn da rám nắng mạnh khỏe của Mây khiến hai má cô hây hây đỏ.
“Chị Mây đã chuẩn bị quần áo đẹp để mai xuống thành phố chưa? Lần này về tỉnh, phải nhớ chụp thật nhiều ảnh đẹp nhé”. Trơ Tuyết nói khiến Mây nhớ đến chiếc áo trắng của mình năm học cấp hai. Khi đó, Mây cũng háo hức về tỉnh để nhận giải học sinh giỏi môn hóa. Chiếc áo trắng cũ được a i dùng lá của cây rừng nhuộm thành màu tím. Hôm đó, giữa những chiếc áo trắng sáng ngời, chiếc áo tím của Mây bỗng trở nên thật đặc biệt. Mây nhớ cái nắm tay thật chặt của cô hiệu trưởng hôm trước, khi nghe Mây nói sẽ tặng các em học sinh trong trường 100 chiếc áo trắng. Nụ cười của cô khiến bước chân Mây hôm ấy cũng hớn hở suốt đường về.
Chị Thiều Hương nói, Mây xứng đáng là gương mặt trẻ tiêu biểu của bản Âr Moois. “Món cá bống suối của bản Âr Moois ấy à, ai đến làng du lịch Âr Moois cũng muốn mang theo vài hộp về. Hương của núi, của rừng đậm vị trong từng con cá nhỏ Mây ạ”. Chị Thiều Hương hỏi Mây: “Con cá bống suối ấy có nuôi được không Mây? Mình phải nghĩ cách nuôi cho được nó, Mây à”. Mây nghĩ mãi về câu nói ấy. Mây không làm được, nhưng hẳn sẽ có người biết cách làm phải không?
Trơ Tuyết kéo tấm gỗ đến ngồi bên Mây, cô bé huých vào vai Mây khiến cô giật mình. “Mai chị mặc chiếc áo dài dệt bằng vải zèng do bạn chị cắt may. Lát chị mặc thử để Trơ Tuyết ngắm xem có đẹp không nhé?”
“Chị Mây mặc gì cũng đẹp hết” - Trơ Tuyết cười. Mây cũng cười theo em gái. Tiếng cười cả hai trong veo len qua những tán cây, rớt xuống dòng suối nhỏ chạy ngang qua bản. Ở đó, vài người phụ nữ lớn tuổi không đi được suối xa nên chọn con suối ngay gần nhà, họ đang chăm chỉ lật đá, bắt cá. Gió núi mát rượi như thầm thì vỗ về những đôi bàn chân miệt mài chăm chỉ ngược suối về phía núi.
1. Mế trong tiếng Pa Cô nghĩa là bà
2. A nóc: dụng cụ xúc cá của người Pa Cô
3. ka ria: dụng cụ đan bằng tre nứa đeo bên hông, dùng để đựng cá, hoặc các loại nông sản
4. A vỗ: ông
5. a i: mẹ