Sưu tầm cổ vật tinh hoa để lan tỏa đến cộng đồng

Phóng sự xin nói về một người Việt đam mê di sản văn hóa. Đó là nhà sưu tập Trần Đình Thăng, người sở hữu kho tàng cổ vật tinh hoa đồ sộ. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, ông có cách riêng để thể hiện lòng yêu nước của mình. Ông đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho những đóng góp tích cực vào quá trình lưu giữ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Và điều đáng nói là ông không giữ những hiện vật quý hiếm đó cho riêng mình mà tìm cách lan tỏa rộng rãi, để góp phần nâng cao hiểu biết và thẩm mỹ của cộng đồng.

Nhân dịp Lễ hội Hoa phượng đỏ 2022, tại Nhà hát Lớn Hải Phòng đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chính thức công nhận 12 bảo vật quốc gia trên địa bàn thành phố. Đáng nói là trong số này đã có đến 9 bảo vật thuộc sở hữu tư nhân. Và mùa hè năm đó cũng ghi dấu ấn lần đầu tiên, bộ sưu tập gốm men trắng An Biên của doanh nhân Trần Đình Thăng được mang ra trưng bày cho đông đảo nhân dân cùng thưởng lãm. Đó là những hiện vật độc bản, hội tụ giá trị độc đáo về nhiều mặt, chứa đựng niềm tự hào của một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, xã hội lâu đời.

Kể từ đó tới nay, trải qua 3 mùa Lễ hội Hoa phượng đỏ, bộ sưu tập An Biên đã được công nhận thêm 9 bảo vật quốc gia, nâng tổng lên thành con số ngoạn mục là 18. Và nhà sưu tập Trần Đình Thăng dường như càng rộng lòng hơn trong việc lan tỏa những giá trị kết tinh ngàn năm ấy đến cộng đồng. Ông phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng Hải Phòng, bàn bạc phương án trưng bày miễn phí thường xuyên, cả trong những ngày thường chứ không chỉ riêng dịp lễ. Hiện phía bảo tàng đang quản lý gần 500 cổ vật mà ông Thăng đã dày công nghiên cứu, sưu tầm trong khoảng 40 năm.

Bộ sưu tập bảo vật quốc gia mà doanh nhân Trần Đình Thăng sở hữu cũng giàu ý nghĩa ngay từ cách đặt tên. Theo đó, An Biên là một địa danh cổ, gắn với hình tượng nữ tướng Lê Chân nơi miền đất cửa biển Hải Phòng. Với tinh thần làm việc và cống hiến suốt đời, ông Thăng tự thấy mình nên có trách nhiệm phối hợp với ngành văn hóa; để rồi sau quá trình hợp tác và gắn bó, các cán bộ bảo tàng đã quen gọi ông là "nhà sưu tập An Biên".

Thiện Đoan - Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/suu-tam-co-vat-tinh-hoa-de-lan-toa-den-cong-dong-234540.htm