'Ta phải thắng thiên nhiên, và thắng cả chính mình'

Trong ứng phó biến đổi khí hậu, yếu tố con người là quan trọng nhất, từ nhận thức đến hành động bởi khi không thể tạo ra 'thiên thời', không có được 'địa lợi', chúng ta có thể tạo 'nhân hòa'.

 Ngày 23/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp 'trái mùa nghịch vụ' ứng phó hạn mặn của ông Mai Văn Âu, xã Hiệp Đức, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ngày 23/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông nghiệp 'trái mùa nghịch vụ' ứng phó hạn mặn của ông Mai Văn Âu, xã Hiệp Đức, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Trong bài “Với Đảng, mùa Xuân”, nhà thơ Tố hữu đã viết: “Không chỉ hôm qua. Hôm nay, mãi mãi. Đất nước này vạn đại tươi xanh. Như rừng đước, cháy rồi, lại mọc. Tràm lại ra hoa cho ong mật đu cành. Ngút mắt trông. Biển lúa mênh mông. Sông nước Cửu Long dào dạt. Dừa nghiêng bóng mát. Thơm ngọt xoài ngon. Tươi rói đất son”.

“Sông nước Cửu Long dào dạt” giờ là giấc mơ của hơn 20 triệu người dân vùng đất “chín rồng”, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ mà Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, điển hình là hạn mặn ngày càng gay gắt. Trong ứng phó biến đổi khí hậu, yếu tố con người là quan trọng nhất, từ nhận thức đến hành động, bởi khi không thể tạo ra “thiên thời”, không có được “địa lợi”, chúng ta có thể tạo “nhân hòa”.

Nhìn trên thế giới, có một dân tộc từng cháy bỏng “giấc mơ nước” khi họ bắt tay xây dựng đất nước trong điều kiện 60% diện tích là sa mạc. Nhưng sau 70 năm nỗ lực, họ đã khiến sa mạc nở hoa với công nghệ "tưới nhỏ giọt" nổi tiếng.

Israel thành công không chỉ nhờ những tiến bộ công nghệ mà còn là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, từ tầm nhìn nhà nhà lãnh đạo, các quy định pháp luật mạnh mẽ, các giá trị văn hóa lâu đời, quá trình giáo dục ý thức người dân và các kỹ sư nước.

Có thể nói, để thắng thiên nhiên, chúng ta phải vượt qua chính mình, vượt được sức ỳ, sự thờ ơ, chậm trễ để khỏi hối hận, "không phải đến khi một cái giếng đã cạn thì chúng ta mới hiểu được giá trị của nước" (Benjamin Franklin).

Tại hội nghị đầu tiên về ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL (từ đó ra đời Nghị quyết 120) cách đây hơn 3 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới bài học Israel, đó là phải chủ động sống chung với lũ, với mặn, với thiếu nước; coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên. Biến đổi khí hậu không phải là nguy cơ mà chỉ là thách thức. Có người nói ĐBSCL sắp mất trong khoảng 50-70 năm nữa, trong khi nhiều đồng bằng khác ở nhiều nước cũng bị tình trạng như nước ta, họ đã vượt lên, làm giàu hơn.

Cũng tại đó, một lần nữa chính sách phát triển ĐBSCL được nhắc tới nhiều lần là thúc đẩy triết lý phát triển “thuận thiên”, dựa vào các quy luật của tự nhiên, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Đồng thời, khẳng định “thuận thiên” không có nghĩa là xuôi tay cam chịu, chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa.

Số phận suy vong hay thịnh-phát do chính con người quyết định bằng hành động. Xét cho cùng, thử thách tự nhiên và tạo hóa không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh, niềm tin của con người. Giữ được đất, giữ được nước và đặc biệt là giữ được người thì mới gọi là thành công trong việc chống chọi, thích ứng với thiên nhiên.

Thủ tướng nêu rõ “một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được và giành thắng lợi”. “Vaccine” có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó.

Bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt để phát triển ĐBSCL, chứ không phải chúng ta đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện, không có cán bộ làm việc thì như “nước đổ lá môn”, chảy tuồn tuột hết.

Giữ đúng cam kết về việc hai năm một lần đánh giá toàn diện chính sách cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, từ năm 2016 đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã chủ trì hai hội nghị quy mô đều ở mức “choáng ngợp” như mô tả của nhiều lãnh đạo địa phương trong vùng.

Và ngày 13/3 tới, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát biển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, một nghị quyết chứa đầy tâm huyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bà con ĐBSCL.

Có thể nói, đến nay, Nghị quyết “thuận thiên” đã mang lại nhiều “trái ngọt” mà hội nghị sắp tới sẽ bàn thảo kỹ hơn. “Trái ngọt” đó không chỉ đong đếm qua các con số tăng trưởng, những tỷ phú nông dân, mà quan trọng hơn là sự đổi mới tư duy và hành động, yếu tố sống còn để đưa mảnh đất “chín Rồng” phát triển bền vững, hiện thực hóa từ “giấc mơ nước” đến giấc mơ thịnh vượng. Như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Phải nhanh chân từ những bước đầu. Tổ quốc ta phải giàu, phải mạnh. Ta sẽ đi, như lao vào trận đánh. Đường Hồ Chí Minh rộng mở, thênh thang. Ta phải thắng thiên nhiên, và thắng cả chính mình”.

Đức Tuân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/ta-phai-thang-thien-nhien-va-thang-ca-chinh-minh/425578.vgp