Tác động của bầu cử nghị viện EU tới xung đột Ukraine

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã kết thúc với sự trỗi dậy của các đảng cựu hữu, trong khi một loạt đảng cầm quyền ở các quốc gia chủ chốt của EU lại chứng kiến thất bại chưa từng có. Sự chuyển dịch trong cuộc bầu cử năm nay được đánh giá sẽ có tác động tới một số vấn đề nóng của khu vực, trong đó phải kể đến là cuộc xung đột ở Ukraine.

Kết quả bầu cử nghị viện châu Âu vừa qua cho thấy, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu vẫn dẫn đầu với việc giành được 186 trên 720 ghế. EPP phần lớn ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay, và dự báo liên minh trung dung vẫn duy trì đa số. Nhưng EPP có thể phải dựa vào nhóm cánh hữu Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) để thông qua một số đạo luật nhất định. Trong khi với vị thế ngày càng tăng, nhóm cựu hữu Bản sắc và Dân chủ (ID) có thể gây sức ép lên nghị viện châu Âu để thay đổi lập trường trong một số vấn đề gây tranh cãi.

Về vấn đề Ukraine, trách nhiệm chính của nghị viện châu Âu thể hiện trên các phương diện như hỗ trợ tài chính cho Kiev và việc Ukraine gia nhập EU. Do các chính sách đối ngoại và quân sự của châu Âu chủ yếu do các quốc gia quyết định, nên kết quả của cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vừa qua chưa có tác động ngay lập tức tới sự ủng hộ của khối với Ukraine.
Tuy vậy, sự trỗi dậy của các chính trị gia cực hữu, nhiều người có thiên hướng ủng hộ Nga, và hoài nghi với sự hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine, có thể là chỉ dấu cho một châu Âu đang mệt mỏi với chiến sự.

Tại Pháp, đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen giành được hơn 30% phiếu bầu, gấp hơn 2 lần so với đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron.
Là người lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí hoặc thậm chí đưa quân tới Ukraine, Tổng thống Macron giờ nhận ra rằng cử tri ngày càng phản đối việc tiếp tục cuộc xung đột với Nga.

Trong khi đó, bà Lepen tuyên bố ủng hộ việc gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine, nhưng lại phản đối việc sử dụng chúng để tấn công lãnh thổ Nga. Bà cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow là không hiệu quả và chủ yếu gây hại cho người châu Âu.

Tại Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz nhận kết quả đáng thất vọng, tụt lại sau đảng cánh hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD). AfD vốn phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo các đánh giá, kết quả bầu cử nghị viện châu Âu năm nay dự kiến sẽ làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận về Ukraine.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tac-dong-cua-bau-cu-nghi-vien-eu-toi-xung-dot-ukraine-225318.htm