Tác động của nợ công, tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thu nhập trung bình thấp
Bài viết tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm thông qua việc đánh giá tác động của nợ công, tham nhũng đến tăng trưởng kinh tế của 22 quốc gia thu nhập trung bình thấp (giai đoạn 2001-2019), từ đó gợi ý về mặt chính sách trong dài hạn đối với các nước thu nhập trung bình thấp và củng cố thêm các lý thuyết trước đó.
Cơ sở lý luận và bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa nợ công, tham nhũng và tăng trưởng kinh tế
Hiện nay có 3 trường phái đánh giá tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế (TTKT) như: (1) Theo trường phái Keynes, nợ công tác động tích cực đến TTKT; (2) Theo quan điểm của Ricardo và sau này được phát triển bởi Barro, nợ công tác động tiêu cực đến TTKT; (3) Theo trường phái tân cổ điển, nợ công trung tính với TTKT.
Thông qua phân tích mô hình tăng trưởng nội sinh có bổ sung vai trò của chi tiêu chính phủ, Barro (1990) xem tham nhũng là nhân tố gây cản trở tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, trường phái Keynes cho rằng, tham nhũng có tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế, (Leff, 1964). Quan điểm này sau đó được ủng hộ bởi một số kết quả nghiên cứu của các tác giả Lui (1985), Back và Maher (1986) và một số nghiên cứu thực nghiệm khác.
Theo trường phái tân cổ điển, Dzhumashev (2014) cho rằng, tham nhũng có quan hệ phi tuyến đối với TTKT. Ivanyna và cộng sự (2015) đã xây dựng khung lý thuyết nói chung về quan hệ giữa nợ công, tham nhũng và TTKT.
Từ khung lý thuyết được xây dựng tác giả kết luận rằng mối quan hệ giữa tham nhũng và nợ công sẽ mang tính chu kỳ. Nghĩa là có thời kỳ nợ công và tham nhũng cao và sau đó là thời kỳ nợ công và tham nhũng giảm. Nợ công cao kết hợp với tham nhũng cao sẽ tác động tiêu cực đến TTKT và phúc lợi xã hội.
Phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu và mô tả biến
Nghiên cứu này kế thừa nghiên cứu của Woo và Kumar (2015), Kim và cộng sự (2017) có sự điều chỉnh một số biến kiểm soát với mục tiêu tập trung nghiên cứu tác động của nợ công, tham nhũng đến TTKT trong dài hạn đối với nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Mô hình cụ thể như sau:
∆Yi,t = þO + þ1 log(Yi,t–4) + þ2DEBTi,t–4 + þ3CPIi,t–4 + þ4DEBTi,t–4 * CPIi,t–4 + þ5HUMANi,t–4 + þ6INFLATi,t–4 + þ7GSIZEi,t–4 + þ8 TOi,t–4 + þ9 DEFICITi,t–4 + qi + vt + sit
Trong đó:
Y: Là TTKT, ∆Yi,t là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực của quốc gia i qua một chu kỳ 5 năm và được tính bằng cách lấy Log(yit) – Log(yi,t-4).
Log(Yi,t–4): Là yếu tố quyết định nội sinh đưa vào mô hình nhằm kiểm soát hiệu ứng hội tụ cũng như phản ánh quá trình tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong một chu kỳ.
DEBT: Là tỷ lệ % nợ công trên GDP, trong đó nợ công được xác định là tổng nợ của chính phủ vào thời điểm cuối năm.
CPI: Là chỉ số cảm nhận tham nhũng được tính bằng cách lấy Log.
HUMAN: Là vốn con người, được tính bằng tỷ lệ % số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số.
INFLAT: Là tỷ lệ lạm phát, được đo bằng cách lấy log(1+tỷ lệ lạm phát).
GSIZE: Là quy mô chính phủ, được đo bằng tỷ lệ % tổng chi tiêu tiêu dùng của chính phủ trên GDP.
TO: Là độ mở thương mại, được đo bằng tỷ lệ tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu trên GDP.
DEFICIT: Là thâm hụt ngân sách, được tính bằng chênh lệch giữa tổng thu và tổng chi ngân sách của Chính phủ.
Qi: Là tác động cố định theo đối tượng, vt là tác động cố định theo thời gian, sit là sai số của mô hình, i là đại diện cho quốc gia (i = 1,22), t là tại thời điểm cuối chu kỳ, t-4 là tại thời điểm đầu chu kỳ và þj là các hệ số của mô hình hồi quy.
Dữ liệu và phương pháp xử lý
Dữ liệu tính toán được thu thập chủ yếu từ các tổ chức uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Minh bạch quốc tế trong khoảng thời gian từ 2001-2019 đối với 22 quốc gia có thu nhập trung bình thấp theo tiêu chí phân loại của WB năm 2018.
Để phân tích tác động và đánh giá tương tác của nợ công, tham nhũng đến TTKT cho mẫu nghiên cứu, tác giả lựa chọn các phương pháp POLS, FE và RE. Tiếp đó, thực hiện kiểm định F và kiểm định Hausman và thấy rằng giá trị Prob đều nhỏ hơn 0,05. Điều này chứng tỏ mô hình phù hợp là mô hình tác động cố định (FEM). Tuy nhiên, khi tác giả tiếp tục sử dụng các kiểm định để kiểm tra mô hình FEM thì thấy rằng, mô hình bị hiện tượng nội sinh, hiện tượng phương sai sai số thay đổi, hiện tượng tự tương quan, vì vậy làm kết quả hồi quy không đảm bảo tính vững và hiệu quả. Tác giả đã sử dụng phương pháp DGMM để thực hiện ước lượng cho mô hình nghiên cứu nhằm tìm ra kết quả đáng tin cậy hơn. Để tăng độ tin cậy cho phương pháp ước lượng, tác giả sử dụng kiểm định Abond và kiểm định Sargan để kiểm tra tính hiệu lực của biến công cụ, cũng như khắc phục hiện tượng tự tương quan bậc 2.
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Dữ liệu thống kê mô tả ở Bảng 1 cho thấy, tốc độ TTKT bình quân một chu kỳ đối với các nước có thu nhập trung bình thấp đạt 19,34%, với độ lệch chuẩn là 11,54%. Nợ công bình quân đối với các nước có thu nhập cao là 46,70%, với độ lệch chuẩn là 25,15%. Chỉ số cảm nhận tham nhũng trung bình đạt 3,3235, với giá trị độ lệch chuẩn là 0,2562. GDP bình quân đầu người đầu chu kỳ trung bình là 8,3365, với giá trị độ lệch chuẩn là 0,4903. Qua các giá trị trung bình của các biến chính trong mô hình cho thấy, các nước là khá đồng đều về GDP bình quân đầu người, cũng như chất lượng thể chế (thông qua chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI). Kết quả này cho phép kỳ vọng kết quả nghiên cứu hồi quy có ý nghĩa cao trong việc quản trị công ở các nước trong mẫu nghiên cứu.
Do kết quả hồi quy theo mô hình được lựa chọn là FEM không đảm bảo tĩnh vững và hiệu quả, nên trong phần này tác giả chỉ trình bày kết quả nghiên cứu theo phương pháp DGMM. Tuy nhiên, để thấy rõ hơn vai trò của biến tương tác giữa nợ công và tham nhũng đối với TTKT, tác giả trình tiến hành phân tích kết quả hồi quy theo hai mô hình được thể hiện qua Bảng 2.
Kết quả ước lượng các hệ số của mô hình hồi quy bằng phương pháp DGMM trong Bảng 2 cho thấy, hầu hết các hệ số ước lượng đều có ý nghĩa thống kê cho mẫu nghiên cứu đối với cả mô hình không có và có biến tương tác nợ công và tham nhũng. Cụ thể, trong cả 2 mô hình thì hệ số hồi quy của biến nợ công đều dương, điều này cho thấy nó có tác động tích cực đến TTKT. Kết quả này ủng hộ cho một số kết quả nghiên cứu đối với cùng nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp trước đó của Abbas và Christense (2007) hay Presbitero (2012), Woo và Kumar (2015), Võ Hữu Phước và Nguyễn Quyết (2016)...
Cũng giống như nợ công, hệ số hồi quy của biến tham nhũng dương cho cả 2 mô hình, điều này cho thấy tham nhũng cũng có tác động tích cực đối với TTKT. Kết quả này ủng hộ cho lý thuyết bôi trơn của tham nhũng đã được phát hiện ở các nghiên cứu trước đó như: Brunetti và cộng sự (1997), Wedeman (1997), Heckelman và Powell (2010), Chiung-JuHuang (2016). Tuy nhiên, hệ số của cả hai biến nợ công và tham nhũng có sự gia tăng đáng kể ở mô hình 2 khi cho thêm biến tương tác giữa chúng vào.
Bên cạnh đó, hệ số hồi quy của biến tương tác này là âm. Điều này chứng tỏ rằng, bản thân việc gia tăng nợ công để tài trợ cho TTKT không phải là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu nợ công gắn với tham nhũng thì nó sẽ tác động tiêu cực đến TTKT, vì nó làm biến dạng các khoản chi của Chính phủ và dẫn đến các chính sách không còn hiệu quả như mục tiêu đặt ra ban đầu.
Một số kết quả nghiên cứu khác liên quan đến các biến kiểm soát như vốn con người và lạm phát tác động tích cực đến TTKT, trong khi quy mô Chính phủ tác động tiêu cực đến TTKT.
Gợi ý chính sách
Nghiên cứu này xem xét tác động của nợ công, tham nhũng và tương tác của chúng đến TTKT của 22 quốc gia thu nhập trung bình thấp trong giai đoạn 2001- 2019.
Từ kết quả nghiên cứu thu được tác giả đề xuất rằng, các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp có thể sử dụng nợ công nhằm kích thích, tạo động lực cho TTKT. Tuy nhiên, song song với việc gia tăng nợ công thì cần nâng cao tính minh bạch của việc sử dụng nợ công để gia tăng tính hiệu quả của việc sử dụng nợ, cũng như kiểm soát được vấn đề trả nợ, vay nợ mới trong tương lai.
Bên cạnh đó, các nước cũng cần cải thiện chất lượng thể chế nhằm kiểm soát các vấn đề tham nhũng, tạo môi trường pháp lý minh bạch thu hút vốn đầu tư, cũng như tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Ngoài ra, để đảm bảo TTKT ổn định và bền vững, Chính phủ các nước cũng cần có sự phối hợp các chính sách vĩ mô khác như chính sách phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Võ Hữu Phước & Nguyễn Quyết (2016), Ảnh hưởng của nợ công và lạm phát đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam: nghiên cứu định lượng bằng mô hình ARDL,Tạp chí Nghiên cứu Kinh Tế, Số 2 (453), tháng 02/2016;
2. Abbas, S. M., & Christensen, J. (2007), The role of domestic debt markets in economic growth: an empirical investigation for low-income countries and emerging markets. IMF Working Papers, 1-40;
3. Checherita-Westphal, C., & Rother, P. (2012), The impact of high government debt on economic growth and its channels: An empirical investigation for the euro area. European Economic Review, 56(7), 1392-1405;
4. Heckelman, J.C & Benjamin, P. (2010), Corruption and the Institutional Environment for Growth, Comparative Economic Studies, 2010, 52, (351–378);
5. Jalles, T.J. (2011), The impact of democracy and corruption on the debt-growth relationship in developing countries, J. Econ. Dev. 2011, 36, 41–72.