Tác động của sơn móng tay đến sức khỏe

Sơn móng tay có thể mang lại vẻ đẹp và sự tự tin, nhưng nếu thực hiện quá thường xuyên hoặc sử dụng sản phẩm kém chất lượng, có thể gây ra một số ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Ảnh hưởng trực tiếp đến móng tay

- Móng yếu và dễ gãy: Các hóa chất mạnh có trong sơn móng tay, đặc biệt là formaldehyde và toluene, dibutyl phthalate (DBP) có trong một số loại sơn móng tay có thể làm móng mất đi độ ẩm tự nhiên; đồng thời các hóa chất này cũng trở nên mỏng, giòn và dễ gãy hơn.

- Móng bị ố vàng hoặc đổi màu: Các sắc tố trong sơn móng tay, đặc biệt là các màu tối, có thể thấm vào bề mặt móng, gây ra tình trạng ố vàng hoặc làm móng xỉn màu theo thời gian.

- Móng và da quanh móng bị khô, bong tróc: Việc sử dụng thường xuyên các sản phẩm tẩy sơn móng tay chứa acetone có thể làm khô móng và vùng da quanh móng, dẫn đến tình trạng bong tróc, nứt nẻ.

- Nấm móng: Quá trình cắt tỉa móng nếu không cẩn thận sẽ khiến vùng móng và da quanh móng bị tổn thương. Môi trường ẩm giữa lớp sơn và bề mặt móng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm. Các triệu chứng bao gồm móng dày lên, đổi màu, dễ mủn và có mùi khó chịu.

Khi cắt tỉa móng, lấy da chết quanh móng... nếu không cẩn thận có thể làm tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm

Khi cắt tỉa móng, lấy da chết quanh móng... nếu không cẩn thận có thể làm tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm

- Viêm da tiếp xúc: Một số thành phần trong sơn móng tay như formaldehyde resin và acrylates, có thể gây kích ứng da, mẩn đỏ, ngứa và sưng đỏ ở vùng da quanh móng.

- Suy yếu cấu trúc móng: Nếu liên tục sơn và tẩy móng có thể làm tổn thương lớp keratin tự nhiên của móng, dần dần khiến móng trở nên yếu, dễ bị tổn thương hơn.

- Làm chậm sự phát triển của móng: Việc lạm dụng sơn móng tay có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc móng tự nhiên, khiến móng mọc chậm hơn.

Sơn móng tay có thể tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến móng tay và vùng da quanh móng, việc lạm dụng sơn móng tay còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, bao gồm:

- Ảnh hưởng hệ hô hấp: Hít phải hơi sơn móng tay, đặc biệt là các loại sơn chứa formaldehyde, toluene và acetone, có thể gây kích ứng đường hô hấp, dẫn đến ho, đau đầu, chóng mặt.

- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Một số hóa chất trong sơn móng tay như toluene và triphenyl phosphate (TPHP) có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó tập trung.

- Ảnh hưởng đến nội tiết: Một số nghiên cứu cho thấy, nếu thường xuyên tiếp xúc với các chất như DBP và TPHP có thể gây rối loạn nội tiết.

- Nguy cơ cho phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai cần đặc biệt thận trọng vì một số hóa chất trong sơn móng tay như toluene có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

- Nguy cơ ung thư (tiềm ẩn): Formaldehyde là một chất được biết đến có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài và ở nồng độ cao. Mặc dù nồng độ formaldehyde trong sơn móng tay thường thấp, nhưng việc tiếp xúc thường xuyên vẫn là một mối lo ngại.

Các hóa chất độc hại có trong sơn móng tay cần tránh

Tác động của hóa chất trong sơn móng tay đến sức khỏe người sử dụng là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt khi việc sử dụng sơn móng tay trở nên phổ biến. Mặc dù các sản phẩm sơn móng tay hiện đại thường tuân theo các quy định về an toàn, nhưng chúng vẫn chứa một số hóa chất có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng.

Dưới đây là một số hóa chất thường gặp trong sơn móng tay và tác động tiềm ẩn của chúng:

- Formaldehyde: Chất này được sử dụng làm chất bảo quản và làm cứng móng. Tiếp xúc với formaldehyde có thể gây kích ứng da, mắt và đường hô hấp. Ở nồng độ cao và tiếp xúc lâu dài, formaldehyde được biết đến là chất có khả năng gây ung thư (đã được chứng minh trên động vật và có bằng chứng liên quan đến người).

Chú ý: Formaldehyde có thể hấp thụ qua da và đường hô hấp trong quá trình sơn và khi sơn khô.

Cần sử dụng sơn lót, sơn dưỡng để bảo vệ móng tay...

Cần sử dụng sơn lót, sơn dưỡng để bảo vệ móng tay...

- Toluene: Là một dung môi giúp sơn mịn và dễ tán đều. Toluene có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và kích ứng da. Tiếp xúc lâu dài có thể gây tổn thương gan, thận và hệ sinh sản.

Chú ý: Toluene hấp thụ chủ yếu qua đường hô hấp khi hít phải hơi sơn.

- Dibutyl phthalate (DBP): Là một chất hóa dẻo giúp sơn mềm mại và không bị giòn. DBP đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm ở nhiều quốc gia do lo ngại về tác động đến hệ nội tiết, đặc biệt là hệ sinh sản và phát triển ở trẻ em.

Chú ý: Dibutyl phthalate có thể hấp thụ qua da.

Các hóa chất nêu trên đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng ở một số quốc gia, tuy nhiên, nếu các loại sơn không rõ nguồn gốc có thể vẫn sử dụng các loại hóa chất này.

Ngoài các hóa chất độc hại trên, một số hóa chất khác được cấp phép sử dụng, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm:

- Formaldehyde resin: Một polyme được sử dụng thay thế formaldehyde, nhưng vẫn có thể giải phóng formaldehyde.

- Camphor: Có thể gây kích ứng da và phản ứng dị ứng ở một số người.

- Triphenyl phosphate (TPHP): Một chất hóa dẻo và chống cháy, nghiên cứu cho thấy TPHP có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết và quá trình trao đổi chất.

- Xylene: Một dung môi khác, tương tự toluene về tác động lên hệ thần kinh.

- Ethyl tosylamide: Một chất tạo màng và chất hóa dẻo, có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người.

- Acrylates: Các polyme tạo màng, có thể gây dị ứng da và móng.

Biện pháp hạn chế tác hại của sơn móng tay

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc sơn móng tay, có thể thực hiện các biện pháp sau:

- Chọn sản phẩm an toàn: Ưu tiên các loại sơn móng tay không chứa các hóa chất độc hại như formaldehyde, toluene, DBP, camphor và formaldehyde resin (thường được gọi là "5-free", "7-free", "9-free"...).

- Sử dụng sơn lót: Luôn sử dụng lớp sơn lót trước khi sơn màu để bảo vệ móng khỏi tác động trực tiếp của sơn màu.

- Đảm bảo thông thoáng: Sơn móng tay ở nơi thoáng khí để giảm thiểu việc hít phải hơi hóa chất.

- Hạn chế tần suất sơn: Không nên sơn móng tay liên tục mà hãy để móng có thời gian "thở" giữa các lần sơn.

- Tẩy sơn đúng cách: Sử dụng các loại nước tẩy sơn không chứa acetone hoặc có nồng độ acetone thấp để tránh làm khô và yếu móng.

- Dưỡng ẩm móng: Thường xuyên dầu dưỡng ẩm móng và da tay để giữ cho móng khỏe mạnh.

- Tránh cắn móng tay: Hành động này có thể khiến bạn nuốt phải các hóa chất trong sơn.

Thanh Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tac-dong-cua-son-mong-tay-den-suc-khoe-169250428132855125.htm