Tác nghiệp ở Trường Sa

Đầu tháng 5/2024, chúng tôi có dịp được cùng Đoàn công tác của tỉnh Nam Định ra thăm, động viên, giao lưu với quân, dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân) trên thềm lục địa phía Nam của Tổ Quốc. Chuyến hành trình, tác nghiệp vất vả giữa biển, đảo của Tổ quốc nhưng để lại nhiều ấn tượng thú vị.

Nhà báo Trần Vân Anh, Phó Tổng biên tập Báo Nam Định phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ tại đảo Trường Sa lớn.

Nhà báo Trần Vân Anh, Phó Tổng biên tập Báo Nam Định phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ tại đảo Trường Sa lớn.

Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà mỗi người dân Việt Nam cũng như kiều bào ta ở nước ngoài luôn mong muốn được đặt chân đến một lần trong đời. Hàng năm, Quân chủng Hải quân đã tổ chức nhiều chuyến tàu chở các đoàn đại biểu, phóng viên báo chí ra thăm, động viên và giao lưu với quân dân nơi đây. Qua các chuyến công tác ra Trường Sa đã để lại cho các đại biểu rất nhiều trải nghiệm, đong đầy cảm xúc… Còn đối với đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí, những câu chuyện về biển, đảo và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa được thể hiện đậm nét, nhân văn thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã khẳng định cơ quan truyền thông là kênh thông tin quan trọng trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Các phóng viên tác nghiệp tại đảo Trường Sa lớn.

Các phóng viên tác nghiệp tại đảo Trường Sa lớn.

Trong chuyến đi của đoàn công tác tỉnh Nam Định, Báo Nam Định có 2 nhà báo tham gia đưa tin tuyên truyền trong chuyến hành trình này. Nhà báo Trần Vân Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nam Định cho biết: Tôi luôn khao khát được một lần đặt chân đến Trường Sa như bao đồng nghiệp của tôi. Và lần này thật may mắn, niềm mong mỏi ấy đã thành hiện thực. May mắn hơn nữa là thời tiết ủng hộ, trời yên biển lặng, tôi không bị say sóng như các đồng nghiệp từng kể, để được trải nghiệm đầy đủ cái bỏng rát của nắng, gió biển Trường Sa; được cảm nhận nỗi xúc động từ sâu thẳm trái tim khi gặp đồng hương Nam Định trên các đảo; chia sẻ nỗi nhớ cậu con trai bé bỏng chưa đầy 1 tuổi của “ông bố trẻ” - nhân viên Trạm Hải đăng Nhà giàn DK1/7 Huyền Trân; niềm cảm phục, trân trọng những nỗ lực của người dân và cán bộ, chiến sĩ trên các đảo khi nhìn những vườn, khóm rau thân thuộc như rau muống, rau ngót, rau dền, mồng tơi, rau cải xanh mướt ở Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Đông B, Đá Tây B, Cô Lin; hay những góc hành lang có các bức tường che chắn bớt cái khắc nghiệt của nắng, gió biển được dành cho cây xanh… Đọng sâu trong tôi còn là hình ảnh chàng lính trẻ vừa đến phiên đổi gác chạy như bay lên hội trường để dự giao lưu văn nghệ, người lính đến phiên gác ôm súng căng mắt nhìn ra biển khơi mênh mông mà tai đang cố lắng nghe những giai điệu dân ca quê nhà quen thuộc đang lan xa hòa với tiếng sóng biển; hay hình ảnh hai nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định nâng niu món quà tặng là nụ hoa hồng đỏ xinh xắn được các chàng lính trẻ tự tay làm rất khéo từ vỏ ốc biển…

Khi biết tin được cùng đoàn công tác của tỉnh ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), tôi thực sự nôn nóng. Vậy là ước mơ bấy lâu được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng nơi biển, đảo Tổ quốc giờ đã thành hiện thực. Ngoài những đồ dùng cần thiết cho chuyến hải trình dài 9 ngày đêm, như: Quần áo, sổ, bút, máy tính, máy ảnh, thẻ nhớ… tôi còn tìm hiểu về Trường Sa qua những bài báo mà các đồng nghiệp trong và ngoài cơ quan từng viết để hiểu hơn về mảnh đất mình sắp đặt chân tới. Ngoài ra, dù bản thân tôi đã được đi tác nghiệp ở nhiều nơi, trong rất nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng được đặt chân lên quần đảo Trường Sa thì đây là lần đầu tiên, nên tôi tranh thủ thời gian, cố gắng khai thác, thu thập thông tin từ cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo xa, chụp thật nhiều ảnh, gặp nhiều lính đảo và người dân đang sinh sống, làm việc tại các đảo, đặc biệt là những người con quê hương Nam Định đang sinh sống và làm việc tại các đảo để tìm hiểu, kịp thời phản ánh đầy đủ cuộc sống ở Trường Sa nhằm đem đến những thông tin bổ ích, giúp bạn đọc thêm hiểu biết, cảm nhận rõ hơn về cuộc sống và nhiệm vụ của người lính hải quân, người dân ở quần đảo Trường Sa.

Phút đọc báo giải lao của cán bộ, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn.

Phút đọc báo giải lao của cán bộ, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn.

Anh Dương Thanh Bình, quay phim của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nam Định lần thứ 2 được tác nghiệp tại Trường Sa đã có kinh nghiệm nên nhanh chóng bắt nhịp công việc và làm tròn nhiệm vụ. Là người đi trước, anh Bình cũng thường xuyên trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với các phóng viên trẻ để cùng nhau tác nghiệp tốt trong chuyến công tác lần này. Anh Bình kể: “Tác nghiệp ở Trường Sa luôn mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và trải nghiệm. Trong buổi Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa, diễn ra trên tàu Kiểm ngư 491, neo tại khu vực bãi đá Gạc Ma, đảo Cô Lin, để ghi lại được hình ảnh đoàn công tác thả vòng hoa, lễ vật, hạc giấy xuống biển, các phóng viên, nhà báo đã cùng nhau xuống một chiếc xuồng nhỏ để ra khỏi tàu. Trước những cơn sóng đánh khá mạnh, một vài phóng viên đã bị say sóng, không tác nghiệp được. Tuy vậy, các phóng viên còn lại vẫn cầm chặt máy ảnh, máy quay phim, kịp thời ghi được những hình ảnh chân thực, xúc động của khoảnh khắc thiêng liêng này.

Trong chuyến công tác lần này, các phóng viên từ khắp mọi miền đất nước đến với Trường Sa để tìm hiểu và ghi lại những hình ảnh, câu chuyện chân thực, sống động nhất tại nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong nhóm phóng viên, có những người lần đầu được ra Trường Sa như anh Nguyễn Như Hòa, Báo Nông thôn ngày nay. Anh cho biết: “Khi được đến với Trường Sa, tôi cảm thấy mình rất may mắn và hạnh phúc, vì vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc không phải ai cũng có thể đến được. Đến đây, tôi rất tự hào vì vùng trời, vùng biển của Tổ quốc mình vô cùng đẹp. Tôi cũng rất cảm phục các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển đảo của quê hương và mong mình có thể một lần nữa đến với Trường Sa. Là một phóng viên, tôi sẽ tích cực hơn nữa trong tuyên truyền về chủ quyền cho biển, đảo đất nước”.

Dù phải tác nghiệp trong điều kiện vất vả, khó khăn, nhưng sau mỗi chuyến công tác ở Trường Sa đều để lại những kỷ niệm khó quên và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người làm báo. Trong chuyến hải trình này, tất cả phóng viên đều cố gắng tận dụng tối đa thời gian để thâm nhập thực tế, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo để thu thập thông tin, tư liệu. Dù say sóng, say cả đất liền nhưng khi lên đảo, các nhà báo đã không bỏ sót bất cứ cơ hội nào trong chuyến hải trình, họ đều cố gắng thể hiện cảm xúc của mình qua mỗi thước phim, hình ảnh. Thú vị nhất đó là những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa đoàn công tác và lính đảo. Các ca khúc “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”, “Trường Sa ơi mai tàu rời bến, ta lại về phố thị thân thương” dần trở nên quen thuộc với các nhà báo.

Tác nghiệp ở Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc đã để lại cảm xúc “thiêng liêng đến lạ kỳ” trong tôi và các nhà báo khác. Chuyến công tác này, đã giúp chúng tôi hiểu nhiều hơn về người lính đảo, những người lính có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính họ đã tạo động lực, là “điểm tựa” cho tất cả chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm, làm tốt công việc của mình để thấy trân trọng và yêu quý hơn nghề đã chọn./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/phong-su-ky-su/202406/tac-nghiep-o-truong-sa-56302e7/