Tái chế nhựa: Lối đi sáng cho môi trường và kinh tế Việt Nam

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó 79% bị vứt bỏ trong môi trường tự nhiên, 12% bị đốt, và chỉ có 9% được tái chế.

Tình trạng này đang gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, đe dọa trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế nhựa, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là một yếu tố quan trọng.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế nhựa, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là một yếu tố quan trọng.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó từ 0,28 - 0,73 triệu tấn bị đổ xuống biển.

Chỉ riêng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày có đến 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon được thải ra môi trường. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế hiện nay vẫn rất thấp, chỉ khoảng 10%, trong khi phần lớn rác thải nhựa còn lại bị xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt.

Trước thực trạng này, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và thúc đẩy tái chế. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi chính phủ bắt đầu áp dụng chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).

Chính sách EPR yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu chịu trách nhiệm thu gom, xử lý và tái chế các sản phẩm mà họ đưa ra thị trường. Đây là một bước đi quan trọng để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy ngành tái chế.

Đại diện Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân cho biết, chính sách EPR không chỉ là một cơ hội phát triển ngành tái chế mà còn là "chứng chỉ xanh", giúp doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quốc tế với tiêu chuẩn cao. Công ty này hiện đã xuất khẩu 60% sản lượng hạt nhựa tái chế của mình sang Mỹ và châu Âu.

Tương tự, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cũng đang tích cực hợp tác với các nhà thu gom để thúc đẩy tuần hoàn nhựa, một phần của chiến lược chuẩn bị cho việc thực hiện quy định EPR. Công ty này đã giảm được 52% nhựa nguyên sinh và sử dụng nhựa tái chế (PCR), thu gom và tái chế hơn 25.000 tấn nhựa mỗi năm.

Tuy nhiên, ngành nhựa tái chế tại Việt Nam vẫn gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là từ phía người tiêu dùng. Mặc dù chất lượng nhựa tái chế tại Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn còn e dè khi sử dụng sản phẩm nhựa tái chế.

Các sản phẩm tái chế chưa được người tiêu dùng đánh giá cao và thường không được trưng bày ở vị trí dễ thấy như ở các thị trường phát triển như Mỹ hay châu Âu.

Ngoài ra, việc chuyển đổi từ nhựa nguyên sinh sang nhựa tái chế cũng gặp phải một số khó khăn. Giá thành sản xuất nhựa tái chế hiện vẫn còn cao, và tâm lý nghi ngờ của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm nhựa tái chế là một trở ngại lớn.

Một số doanh nghiệp đã phải điều chỉnh chiến lược quảng bá sản phẩm, giảm bớt việc nhấn mạnh vào chữ "tái chế" trên bao bì khi tiếp cận thị trường trong nước, điều này trái ngược hoàn toàn với các quốc gia phát triển, nơi nhựa tái chế được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, cần có những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ về tác hại của rác thải nhựa và lợi ích của việc tái chế để người dân thay đổi thói quen và tích cực tham gia vào việc thu gom, phân loại, và xử lý rác thải.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tài chính cho việc thu gom và sản xuất nhựa tái chế cũng là yếu tố thiết yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng khác là cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc gia về nhựa tái chế. Khi có một bộ tiêu chuẩn rõ ràng, các sản phẩm nhựa tái chế sẽ được công nhận và minh bạch về chất lượng, giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn khi sử dụng.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tai-che-nhua-loi-di-sang-cho-moi-truong-va-kinh-te-viet-nam-d241291.html