Tái đàn, tăng đàn lợn: Kiểm soát chặt chất lượng con giống

Thời điểm này, giá lợn xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đã chạm mốc 75.000 đồng/kg - mức giá cao nhất kể từ năm 2022 đến nay. Điều này khiến nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những xã chưa xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có ý định tái đàn, tăng đàn nuôi để kịp xuất chuồng vào thời điểm cuối năm. Để chăn nuôi an toàn việc kiểm soát chất lượng con giống có ý nghĩa quan trọng.

Anh Vi Văn Hiếu, cán bộ thú y xã Thống Nhất (huyện Lộc Bình) chia sẻ: "tại xã Thống Nhất, ổ bệnh DTLCP xuất hiện từ ngày 19/5/2024, đến thời điểm này (16/7/2024), 13 thôn đều có ổ bệnh, số lợn tiêu hủy là 563 con (hơn 28,7 tấn). Nguyên nhân chính các ổ bệnh DTLCP phát sinh tại xã là do một số hộ chăn nuôi mua lợn giống từ một số tỉnh khác đã mang mầm bệnh về nuôi, do vậy vi-rút DTLCP đã lây lan sang đàn lợn trong xã. Từ thực tế đó, cùng với diễn biến DTLCP đang phức tạp như hiện nay, tôi đã và đang tuyên truyên đến các hộ chăn nuôi lợn chưa vội tái và tăng đàn lợn vào thời điểm này...".

Cùng quan điểm như vậy, ông Mông Quốc Hoàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn toàn huyện có hơn 7.900 con chưa bị nhiễm bệnh. Để giữ bệnh DTLCP không lây lan sang đàn lợn còn lại, trung tâm và các phòng chuyên môn của huyện, chính quyền các xã, thị trấn… đã và đang triển khai các giải pháp. Một trong những giải pháp đó là tập trung tuyên truyền bà con không nên nhập lợn giống về tái và tăng đàn trong thời điểm này.

Cán bộ thú y xã Nhất Tiến (Bắc Sơn) tiêm vắc - xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn

Cán bộ thú y xã Nhất Tiến (Bắc Sơn) tiêm vắc - xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn

Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, được biết, vi-rút DTLCP có độc lực cao và tồn tại trong môi trường rất lâu, vì vậy nếu người chăn nuôi mua con giống về tái hoặc tăng đàn thời điểm này thì rủi ro lây nhiễm bệnh DTLCP rất cao. Cùng đó, rủi ro càng cao hơn khi người dân mua phải những con giống không khỏe, mang mầm bệnh DTLCP về nuôi.

Mặc dù các cơ quan tuyên truyền người dân chưa vội tái đàn, tăng đàn lợn thời điểm này nhưng do giá lợn xuất chuồng thời điểm này đang tăng nên nhiều hộ chăn nuôi tại những khu vực chưa có ổ bệnh DTLCP đã và đang mua con giống về tái đàn, tăng đàn.

Minh chứng rõ nhất là tổng số lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy từ cuối tháng 4/2024 đến nay (16/7) là 12.696 con nhưng hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn có gần 185 nghìn con, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước nhu cầu của người chăn nuôi, để phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm, lây lan bệnh DTLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nguồn lợn giống.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm DVNN, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn giống vào địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm DVNN thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian qua, trung tâm đã kiểm soát chặt lợn giống vận chuyển ra, vào địa bàn, nhất là kiểm soát giấy tờ kiểm dịch thú y đối với lợn giống từ các tỉnh khác đưa vào bán tại các chợ trên địa bàn.

Không chỉ Trung tâm DVNN thành phố, thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của UBND các huyện, các phòng chuyên môn, trung tâm DVNN các huyện đang tăng cường kiểm soát chất lượng, giấy kiểm dịch thú y đối với lợn giống lưu thông tại các chợ đầu mối; tiếp tục rà soát, nắm rõ nhu cầu tái đàn, tăng đàn của các hộ chăn nuôi lợn, từ đó hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn; kiểm tra, yêu cầu người chăn nuôi phải kê khai số lượng giống mới nhập đàn, lấy mẫu chủ động xét nghiệm âm tính với DTLCP mới cho phép nhập đàn nuôi; thực hiện đầy đủ quy định về phòng chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y, đặc biệt là phải mua vắc-xin DTLCP để tiêm phòng cho lợn giống từ 4 tuần tuổi trở lên…

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: ngành thú y tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn và trung tâm DVNN các huyện, thành phố, chính quyền cơ sở… tăng cường kiểm tra, kiểm soát các xe chở động vật, trong đó có lợn giống nhập tỉnh. Các lực lượng sẽ phối hợp kiểm tra về giấy tờ kiểm dịch thú y, kiểm tra các dấu hiệu thú y đối với những lô lợn giống nhập vào địa bàn; phân công cán bộ bám sát địa bàn hỗ trợ, giám sát hoạt động chăn nuôi lợn của những hộ mới tái và tăng đàn; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học…

Để phòng, chống bệnh DTLCP tiếp tục lây lan, đồng thời đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi lợn, thì việc quan trọng nhất trong thời gian này là kiểm soát chặt chất lượng nguồn lợn giống. Song song với đó, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm soát điều kiện vệ sinh thú y đối với lợn giống từ các địa phương khác vận chuyển vào địa bàn tỉnh. Chỉ như vậy, việc tái và tăng đàn lợn của người chăn nuôi mới hạn chế những rủi ro do lây nhiễm bệnh DTLCP.

Theo báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 16/7, trên địa bàn tỉnh đã có 3.715 hộ ở 690 thôn của 106 xã trên địa bàn 11 huyện, thành phố có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy (trong đó có 122 xã đã công bố DTLCP). Tổng số lợn tiêu hủy là 12.696 con, với tổng trọng lượng hơn 569 tấn. Hiện toàn tỉnh đã có 20 xã qua 21 ngày chưa phát sinh ổ bệnh DTLCP mới.

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tai-dan-tang-dan-lon-kiem-soat-chat-chat-luong-con-giong-5015423.html