Tái hiện Lễ dựng cây nêu của người Mường
Cây nêu được người Mường trang trí bằng các vật phẩm biểu tượng cho sự may mắn, và được dựng ở nhiều cửa khác nhau trong nhà để bảo vệ toàn bộ gia đình, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
Sáng 18.1, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra Lễ dựng cây nêu người Mường và khám phá văn hóa Mường trong khuôn khổ chương trình “Trải nghiệm Tết truyền thống”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường chia sẻ: với dân tộc Mường, cây nêu có ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Hàng năm, Tết đến xuân về, dân tộc Mường có tục dựng cây nêu. Thường các ngày gần Tết, từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, các gia đình chọn ngày giờ lấy cây để dựng cây nêu, báo hiệu Tết đã cận kề và để xua đuổi tà ma, khí xấu, cầu mong một năm mới an lành.
Trước khi dựng cây nêu, người làm lễ cúng thần linh thổ công, thổ địa, gia tiên, sau đó mới làm lễ dựng cây nêu. Sau khi làm lễ dựng cây nêu, ông Bích Du, thành phố Hòa Bình giới thiệu: mâm lễ tế trời đất gồm một cỗ thịt lợn luộc. Người Mường không quan niệm mâm cao cỗ đầy, nhiều hay ít, mà quan trọng con lợn có bao nhiêu bộ phận thì phải có đủ miếng trên mâm cỗ… Bên cạnh đó còn có cơm canh, mâm cỗ chay.
Trên cây nêu của người Mường có trang trí các quả còn với nhiều hình dạng, kích thước, họa tiết khác nhau, biểu tượng cho những điều tốt đẹp, may mắn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thanh Bình cho biết, truyền thống của người Mường là dựng cây nêu lớn ở cửa chính và những cây nêu nhỏ ở các cửa ra vào, nơi chăn nuôi súc vật hay nơi cất giữ các dụng cụ lao động sản xuất, chăn nuôi với ý nghĩa vạn vật hữu linh, đồ vật, con vật đều ăn Tết cùng con người.
Ngoài lễ dựng cây nêu, khách tham quan Bảo tàng cũng tìm hiểu nét đặc sắc của văn hóa Mường như cồng chiêng, đâm đuống, tìm hiểu lịch người Mường, ẩm thực truyền thống...