Tại kỳ họp 'Lưỡng hội', Trung Quốc công bố mục tiêu kinh tế tham vọng
Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức của Trung Quốc có xu hướng thấp hơn, khi nước này tìm cách chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào bất động sản.
Hàng nghìn đại biểu từ khắp Trung Quốc tề tựu tại Bắc Kinh trong tuần này để tham dự “Lưỡng hội”, sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm ở quốc gia Đông Á.
Là một phần của “Lưỡng hội”, hội nghị đầu tiên khai mạc hôm 4/3 là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC – Chính Hiệp). Hội nghị thứ hai là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC – Nhân đại) khai mạc hôm 5/3.
Kỳ họp của cơ quan lập pháp Trung Quốc đang được theo dõi chặt chẽ trong và ngoài nước để tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ làm gì để củng cố nền kinh tế số 2 thế giới, vốn đã tăng trưởng 5,2% vào năm ngoái. Trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng là 4,6%.
Khi trình bày báo cáo công tác đầu tiên của mình tại cuộc họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm 5/3, Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay.
Con số trên được các nhà phân tích mô tả là “tham vọng”, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”.
Thủ tướng Lý, người nhậm chức từ tháng 3 năm ngoái, cũng công bố mức thâm hụt ngân sách là 3% GDP và 1.000 tỷ Nhân dân tệ (138,9 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt.
“Nền tảng cho sự phục hồi và cải thiện liên tục của nền kinh tế nước ta vẫn chưa vững chắc, với thiếu hụt nhu cầu, dư thừa công suất ở một số ngành, kỳ vọng xã hội yếu và nhiều rủi ro kéo dài”, ông Lý nói với gần 3.000 đại biểu đang tề tựu tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Trung Quốc đặt mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp ở mức 5,5% và lạm phát ở mức 3% vào năm 2024, ông Lý cho biết. Tuy nhiên, gã khổng lồ châu Á đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát dai dẳng, với giá tiêu dùng giảm với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 15 năm qua vào tháng 1. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh sẽ tăng 7,2%, phù hợp với tốc độ tăng của năm ngoái.
Các mục tiêu đặt ra hôm 5/3 gần như phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức của Trung Quốc có xu hướng thấp hơn trong thập kỷ qua khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào bất động sản.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng mục tiêu năm 2024 – giống như mục tiêu của năm ngoái – sẽ khó đạt được hơn so với năm 2023, khi mức tăng trưởng đạt 5,2%, bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng cơ sở thấp trong thời kỳ đại dịch.
“Chúng tôi kỳ vọng mức hỗ trợ chính sách ở mức vừa phải, nhưng do hiệu ứng cơ sở kém thuận lợi hơn, tâm lý trùng xuống lan rộng và những điểm yếu của thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại, việc đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay có thể khó khăn hơn” nhà kinh tế trưởng của ING về Trung Quốc, Lynn Song, cho biết trong một ghi chú trước khi báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc được công bố.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng China Enterprises của các cổ phiếu lớn và thanh khoản của Trung Quốc giảm tới 2,3%, trong khi chỉ số CSI 300 của các công ty niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 0,4% trong đầu phiên giao dịch.
Cũng có những lo ngại rằng nhu cầu trong nước vẫn còn quá yếu sau đại dịch Covid-19 và cần có nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch của Pinpoint Asset Management, một quỹ phòng hộ Trung Quốc, cho biết cần có thêm nguồn lực tài chính để chống lại áp lực giảm phát, nhưng Bắc Kinh đang cố gắng ổn định tăng trưởng kinh tế trong khi hạn chế đòn bẩy. “Điều này làm cho chính sách tài khóa trở thành một hành động cân bằng tinh tế”, ông Zhang nói.
Ngoài việc phát hành trái phiếu đặc biệt mới của chính quyền trung ương, ông Lý còn hứa hẹn hạn ngạch cao hơn một chút đối với trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương là 3.900 tỷ Nhân dân tệ, so với 3.800 tỷ Nhân dân tệ vào năm ngoái.
“Chính phủ cần nỗ lực lớn hơn và táo bạo hơn để khôi phục niềm tin”, bà Xiaolan Fu, nhà kinh tế học tại Đại học Oxford, cho biết. Vị chuyên gia ước tính quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể mất 3-5 năm.
Mặc dù thời gian đó kéo dài hơn dự kiến ban đầu, nhưng mọi thứ đang “dần dần ổn định”, bà Fu nói. “Đó là một quá trình khởi động rất chậm, nhưng tôi nghĩ hướng đi này là tích cực”.
Minh Đức (Theo Financial Times, SCMP)