Tài sản tại các quỹ đầu tư chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với khu vực

Chủ tịch UBCKNN nhận định, quỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng. Việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn.

Phát biểu tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” diễn ra ngày 28/3, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, phải phát huy hơn nữa vai trò kênh dẫn vốn chủ lực trung và dài hạn.

Thời gian qua, sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán đã tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Hiện nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường.

"Không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, với tư cách là nhà đầu tư chiến lược, còn góp phần nâng cao chuẩn mực quản trị và minh bạch tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam," Chủ tịch UBCK nhận định.

Cùng với sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô. Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.

Trong suốt một thập kỷ qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm. Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) và quỹ bất động sản đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương. Ảnh: MOF

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương. Ảnh: MOF

Giải pháp thúc đẩy ngành quỹ

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Thị Chân Phương, việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn.

Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng như quỹ chỉ số, quỹ ESG, quỹ hạ tầng… sẽ không chỉ tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, mà tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Để đạt mục phát triển ngành quỹ, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng Đề án Đào tạo nhà đầu tư nhằm phát huy mọi nguồn lực từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường, giúp thay đổi thói quen tự đầu tư sang đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp, từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn, ổn định.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư cũng đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai thực hiện. Ủy ban đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu thay đổi Quy chế chỉ số hiện hành nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phát triển các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ chế mới cho phép các thành viên thị trường có thể thiết kế và đề xuất các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Mặt khác, để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhiều giải pháp khác cũng được triển khai như tăng cường việc tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài; cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính...

Thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán cũng là giải pháp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chú trọng triển khai.

Ngoài ra, để phát triển ngành quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất với các cơ quan liên quan về việc phân phối chứng chỉ quỹ để đa dạng hóa các kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.

Nói về cơ hội đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, ông Simon Williams, Giám đốc phụ trách Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ, Quỹ Đầu tư Toàn cầu BlackRock, cho rằng việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài không phải là việc dễ dàng bởi họ có nhiều sự lựa chọn ở các quốc gia khác nhau.

Do đó, Việt Nam cần lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là có định hướng vào những nhà đầu tư trọng điểm, kết nối thông tin với họ.

"Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có chiến lược rõ ràng để tham vấn các nhà đầu tư chiến lược, có những đối thoại chính sách thường xuyên, như vậy có thể lắng nghe tiếng nói của nhiều bên tham gia trong hệ sinh thái," ông Simon Williams gợi ý.

Huy động vốn cho phát triển nhanh, phát triển bền vững thông qua thị trường vốn là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với quyết tâm cao của Chính phủ, sự đồng hành của các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước, cùng sự chủ động đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường vốn Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tai-san-tai-cac-quy-dau-tu-chiem-gan-6-gdp-thap-hon-dang-ke-so-voi-khu-vuc-39778.html