Tại sao bạo loạn xảy ra trên đảo New Caledonia thuộc Pháp?

Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương vào thứ Tư (15/5) sau khi ba thanh niên Kanak bản địa và một cảnh sát thiệt mạng trong cuộc bạo loạn liên quan đến cải cách bầu cử.

Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực lúc 5 giờ sáng giờ địa phương trao cho chính quyền thêm quyền hạn để cấm tụ tập và cấm người dân di chuyển quanh hòn đảo thuộc chủ quyền của Pháp này.

Lực lượng cảnh sát Pháp tăng cường bổ sung thêm 500 sĩ quan vào quân số 1.800 người thường trực trên đảo, sau khi những kẻ bạo loạn đốt phá xe cộ, cơ sở kinh doanh và cướp phá các cửa hàng. Các trường học đã đóng cửa và đã có lệnh giới nghiêm ở thủ đô.

 Cảnh sát Pháp chặn ở lối vào quận Vallee-du-Tir, Noumea thuộc lãnh thổ New Caledonia của Pháp ở nước ngoài vào ngày 14 tháng 5 năm 2024. Ảnh: CNBC

Cảnh sát Pháp chặn ở lối vào quận Vallee-du-Tir, Noumea thuộc lãnh thổ New Caledonia của Pháp ở nước ngoài vào ngày 14 tháng 5 năm 2024. Ảnh: CNBC

Chính quyền Pháp quyết lập lại trật tự

Bạo loạn nổ ra vì một dự luật mới, được các nhà lập pháp ở Paris thông qua hôm thứ Ba, cho phép cư dân Pháp đã sống ở New Caledonia 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh - một động thái mà một số lãnh đạo địa phương lo ngại sẽ ảnh hưởng tới người bản địa Kanak.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết: “Không có bạo lực nào được dung thứ”, đồng thời cho biết thêm rằng tình trạng khẩn cấp “sẽ cho phép chúng tôi triển khai các phương tiện lớn để lập lại trật tự”.

Sau đó, ông đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 12 ngày và thông báo rằng binh lính Pháp sẽ được điều động để bảo vệ cảng và sân bay chính của New Caledonia.

Các nhà chức trách cũng quyết định cấm ứng dụng video TikTok, ứng dụng mà chính phủ Pháp vào mùa hè năm ngoái cho biết đã giúp những kẻ bạo loạn tổ chức và khuếch đại sự hỗn loạn, thu hút những kẻ gây rối xuống đường.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống New Caledonia Louis Mapou cho biết ba thanh niên Kanak bản địa đã chết trong cuộc bạo loạn. Chính phủ Pháp sau đó cho biết một quan chức cảnh sát 24 tuổi đã chết vì vết thương do đạn bắn.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết: “Anh ấy cởi mũ bảo hiểm (để nói chuyện với người dân) và bị bắn ngay vào đầu”.

Yoan Fleurot, cư dân Noumea, nói rằng “tôi không biết làm thế nào đất nước của tôi có thể phục hồi sau chuyện này”, và cho biết thêm anh đã mang theo súng vào ban ngày khi ra ngoài để quay video về những kẻ bạo loạn mà anh gọi là "những kẻ khủng bố".

 Nhiều ô tô bị những kẻ bạo loạn đốt cháy. Ảnh: NINE NEWS

Nhiều ô tô bị những kẻ bạo loạn đốt cháy. Ảnh: NINE NEWS

Cải cách bầu cử là điểm nóng mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ về vai trò của Pháp tại hòn đảo giàu khoáng sản, nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, cách Úc khoảng 1.500 km về phía đông.

Pháp sáp nhập hòn đảo vào năm 1853 và trao cho thuộc địa này quy chế lãnh thổ hải ngoại vào năm 1946. Từ lâu, hòn đảo này đã bị rung chuyển bởi các phong trào ủng hộ độc lập.

Sự nghèo khó và "chủ nghĩa thực dân" ở New Caledonia

New Caledonia là khu vực khai thác niken xếp thứ 3 thế giới và người dân đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng liên quan lĩnh vực này, với 1/5 sống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Henri, 30 tuổi, làm việc tại một khách sạn ở Noumea cho biết: “Các chính trị gia có trách nhiệm rất lớn. Các chính trị gia trung thành, hậu duệ của những kẻ thực dân, nói rằng thời kỳ thuộc địa đã kết thúc, nhưng người Kanak thì không đồng ý”.

Henri cho biết có tình trạng cướp bóc đáng kể, tình hình nguy hiểm nhất xảy ra vào ban đêm. Chính phủ Pháp cho biết cần phải thay đổi quy tắc bầu cử để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ.

Nhóm chính trị ủng hộ độc lập Mặt trận Giải phóng Quốc gia Kanak và Xã hội (FLNKS), lên án bạo lực, và cho biết họ sẽ chấp nhận đề nghị đối thoại, sẵn sàng hướng tới một thỏa thuận "cho phép New Caledonia đi theo con đường của mình tiến tới giải phóng”.

Nhân chứng Garrido Navarro Kherachi cho biết cô chuyển đến New Caledonia khi mới 8 tuổi và chưa bao giờ quay lại Pháp. Mặc dù đủ điều kiện bỏ phiếu theo quy định mới nhưng cô ấy nói rằng cô ấy sẽ không tham gia "vì tôn trọng người Kanak".

Cô nói: “Tôi cảm thấy mình không biết đủ về lịch sử của Caledonia và cuộc đấu tranh của người Kanak để cho phép tôi bỏ phiếu”.

Cao Phong (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-bao-loan-xay-ra-tren-dao-new-caledonia-thuoc-phap-post295683.html