Tại sao bầu Hải chơi lớn và tâm huyết với bóng đá trẻ?
Nếu bỏ tiền làm đào tạo cầu thủ trẻ mà không hướng tới thành tích, hay không có đội chuyên nghiệp thì để làm gì?
Mỗi người sẽ có một con đường riêng. Bóng đá cũng vậy. Có người chọn làm chuyên nghiệp, bỏ tiền mua ngôi sao để nhanh chóng có Cúp. Nhưng có người muốn làm đào tạo trẻ, “xây nhà từ nền móng”. Đó là quyền lựa chọn. Vấn đề là có làm bằng sự tâm huyết và tầm nhìn xa hay không…
Thành tích thì ai cũng khao khát nhưng hành trình có một ý nghĩa rất lớn, là tiền đề cho sự thành công. Giống như ông Park từng nói về chuyện gia hạn với VFF rằng: “Tầm nhìn và tham vọng quan trọng hơn tiền”.
Chúng ta có thể nhìn vào một ví dụ cụ thể về chuyện đào tạo trẻ chưa nghĩ đến thành tích, dù trong 4 năm qua thì chủ đề thành công của bóng đá Việt Nam được nói nhiều nhất. Đó là bầu Hải với quan điểm bóng đá phi lợi nhuận của Học viện bóng đá Nutifood. Bầu Hải không có đội bóng chuyên nghiệp nhưng vẫn miệt mài phát triển Học viện Nutifood.
Ông Trần Thanh Hải có quyền chọn một cách dễ làm hơn rất nhiều nếu muốn đánh bóng thương hiệu từ bóng đá. Đó là làm chuyên nghiệp và mua những ngôi sao ở bên kia sườn dốc sự nghiệp về V.League chơi bóng. Cách làm này không hề xa lạ ở Việt Nam và bóng đá châu Á. Những ông chủ ở Trung Quốc đã làm như thế.
Tuy nhiên, bầu Hải chọn cách làm nói trên thì bóng đá Việt Nam tiếp tục theo con đường “xây nhà từ nóc”, như cố HLV Alfred Riedl từng cảnh báo. Một người bạn thân của bầu Hải, ông Đoàn Nguyên Đức đã từ bỏ thứ bóng đá đếm Cúp cách đây 15 năm và mở Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Nhờ vậy, bóng đá nước nhà có nền móng để thành công dưới thời HLV Park Hang Seo. Đó là minh chứng thiết thực cho câu chuyện tâm huyết và tầm nhìn xa cho bóng đá nước nhà.
Với bầu Hải, có những điều đáng để nhắc đến. Ông chủ Nutifood chưa làm chuyên nghiệp nhưng tinh thần thể thao, vì sự nghiệp thể thao lại được thể hiện rất lớn.
Đầu tiên, bầu Hải xây dựng Học viện theo mô hình của JMG, song song là đầu tư mạnh về dinh dưỡng thể thao để cải thiện tầm vóc cho cầu thủ Việt Nam. Trần Gia Huy - cậu bé còi xương với chiều cao 1,32m tưởng chừng phải dang dở giấc mơ bóng đá, bây giờ cao lớn với 1,72m.
Trong một lần trò chuyện với người viết, bầu Hải tiết lộ con số dành cho Trần Gia Huy mỗi năm là hơn 1 tỷ đồng. Đó là kinh phí cao hơn cả một trung tâm đào tạo trẻ hoạt động trong 1 năm.
Cuối năm 2020, HLV Graechen cho rằng một trong những lý do khiến cho Học viện Nutifood thi đấu chưa tốt là tâm lý. Bầu Hải liền cho ra đời Trung tâm tư vấn tâm lý thể thao để phục vụ cho các cầu thủ ở Học viện Nutifood. Đây là nơi hội tụ các chuyên gia hàng đầu Việt Nam nhằm giúp các cầu thủ về cảm hứng khi thi đấu, ứng xử trên mạng xã hội, đạo đức sân cỏ…
Cách đây vài ngày, những đứa trẻ của bầu Hải trở thành tân sinh viên Đại học theo diện vừa đá bóng vừa học tập.
Từ chuyện bỏ tiền mua thương hiệu JMG, thuê thầy ngoại, đầu tư dinh dưỡng, học văn hóa, ngoại ngữ, đến ngay cả chuyên gia tâm lý cũng mời về chăm lo cho rất nhiều đứa trẻ. Bầu Hải thực sự rất chịu chơi trong quá trình đào tạo trẻ.
Có lẽ nhiều người phải thắc mắc rằng: Tại sao bầu Hải không có đội bóng chuyên nghiệp mà chịu chơi đến vậy?
Cuối năm ngoái, tôi tìm trên nhiều fanpage, trang chủ Liên đoàn, Ban tổ chức giải và hỏi các đồng nghiệp về loạt ảnh Học viện Nutifood vô địch U21 Quốc gia. Nhưng ngạc nhiên là không có một tấm ảnh nào xuất hiện bầu Hải trong thời khắc đăng quang của thầy trò HLV Graechen, dù ông chủ Nutifood đã dự khán trận chung kết.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi làm điều đó. Vì tôi từng chứng kiến bầu Hải đứng nhìn đội Đại học Cần Thơ vô địch S-VLeague 2020, khi ông là người bảo trợ cho đội bóng. Nhiều người nói bầu Hải lên chung vui nhưng ông nhất định từ chối. Chuyện ông chủ được các cầu thủ, ban huấn luyện công kênh, hay tung cao trong ngày vô địch là rất bình thường. Nhưng bầu Hải nhất định né tránh.
9 năm trước, bầu Hải đã có tính cách như vậy. Ông chính là người góp phần cho ra đời các giải đấu giao hữu quốc tế giúp cho lứa Công Phượng, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng (trung vệ), Phan Văn Đức… phát triển tài năng. Nhưng ông Trần Thanh Hải rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông.
10 năm từ nhà tài trợ đến ông bầu bóng đá, ông Trần Thanh Hải vẫn né truyền thông. Và thói quen thường nói lên tính cách của nhân vật, đặc biệt với các ông chủ. Chuyện không xuất hiện trước truyền thông là một gợi ý để nói lên tính cách của bầu Hải. Ông thích sự đơn giản, không cầu kỳ và thầm lặng.
Đó còn là gợi ý nói lên sự chịu chơi của bầu Hải trong quá trình làm đào tạo trẻ theo cách bài bản, cách tân và tâm huyết. Câu chuyện này gắn liền với quá khứ cùng thế hệ vàng hiện tại. Từ một người ngoại đạo thì ông chủ Nutifood bắt đầu yêu bóng đá, yêu cái đẹp từ “đám trẻ của bầu Đức” qua những lần chung tay tổ chức các giải giao hữu. Vì yêu mà đam mê, bầu Hải đã cho ra đời Học viện Nutifood và tâm huyết làm bóng đá trẻ.
Bóng đá đôi khi có những mối nhân duyên kỳ lạ như thế. Và chuyện bầu Hải chuyển đổi từ yêu sang đam mê là sự may mắn cho bóng đá nước nhà.