Tại sao đàn ông ở nông thôn Trung Quốc ngày càng khó lấy vợ?

Vô số thách thức mà đàn ông độc thân lớn tuổi ở nông thôn Trung Quốc phải đối mặt bao gồm sự chênh lệch giới tính, rào cản kinh tế và những thay đổi xã hội rộng lớn hơn theo hướng đô thị hóa.

Ngày càng nhiều đàn ông ở nông thôn Trung Quốc "ế vợ." (Nguồn: VCG)

Ngày càng nhiều đàn ông ở nông thôn Trung Quốc "ế vợ." (Nguồn: VCG)

Wang Xiao, một công nhân 33 tuổi làm việc tại nhà máy may mặc ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, rất tự ti vì chưa kết hôn ở tuổi này.

Đến từ một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, trong gần 9 năm qua, anh đã luôn khao khát tìm được một người bạn đời phù hợp.

“Khi người ta hỏi tôi đã kết hôn hay chưa, tôi rất tức giận, tôi hét vào mặt họ ‘không phải việc của bạn’ nhưng thực ra tôi rất lo lắng. Có lẽ tôi sẽ độc thân đến hết đời,” Wang nói.

Các nhà nhân khẩu học và chuyên gia hôn nhân nhận thấy đàn ông nông thôn trong độ tuổi kết hôn đang gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời. Đây là một vấn đề ngày càng rõ ràng trong xã hội Trung Quốc ngày nay.

Điều gì gây ra tình trạng này?

Tình trạng mất cân bằng giới tính, phong tục hôn nhân tốn kém và quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến việc tìm kiếm bạn đời của những người đàn ông độc thân ở các vùng nông thôn Trung Quốc trở nên khó khăn.

Một cuộc khảo sát tại 119 ngôi làng ở 26 tỉnh của Trung Quốc cho thấy 42,7% cán bộ thôn và 46,1% hộ gia đình đã chỉ ra nhiều trở ngại đáng kể trong việc tìm được vợ cho nhóm đối tượng này.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung Trung Quốc, bao gồm Hà Nam, Hồ Bắc và An Huy, nơi các yếu tố văn hóa và kinh tế kết hợp làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng hôn nhân.

Giáo sư Huang Zhenhua, từ Viện Nghiên cứu Nông thôn Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Hoa Trung, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói với báo chí rằng cuộc khủng hoảng hôn nhân đối với những người độc thân lớn tuổi ở nông thôn - được định nghĩa là nam giới trên 30 tuổi - đã gia tăng trong thập kỷ qua.

Các nhà chức trách đã đưa ra một loạt chính sách nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời trong những năm gần đây, bao gồm cải cách phong tục đám cưới và thúc đẩy mai mối.

Nhưng bất chấp những nỗ lực này, các chuyên gia cảnh báo rằng những biện pháp như vậy vẫn không đủ để giải quyết các vấn đề cơ bản.

Lü Dewen, giáo sư tại Đại học Vũ Hán, người có nghiên cứu tập trung vào quản trị nông thôn Trung Quốc, cho biết vào năm 2023, ông đã thực hiện một cuộc khảo sát tương tự trên toàn quốc, trong đó hơn 65% người tham gia từ khu vực nông thôn cho biết tỷ lệ nam giới chưa kết hôn trong làng của họ vượt quá 10%.

Theo giáo sư Lü, vô số thách thức mà đàn ông độc thân lớn tuổi phải đối mặt ở những khu vực này bao gồm sự chênh lệch giới tính, rào cản kinh tế và những thay đổi xã hội rộng lớn hơn theo hướng đô thị hóa.

Ông cũng chỉ ra rằng sự chênh lệch giới tính chính là yếu tố quan trọng làm phức tạp tình trạng hôn nhân ở nông thôn Trung Quốc.

Giáo sư Lü nói: “Sự mất cân bằng này đã hạn chế các lựa chọn tìm bạn đời của nam giới."

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29/2 cho thấy đến cuối năm 2023, số lượng nam giới ở nước này nhiều hơn nữ giới hơn 30 triệu người.

Giáo sư Lü giải thích: “Dân số trong độ tuổi kết hôn ngày nay được sinh ra trong thời kỳ cao điểm thực thi chính sách một con." Ngoài ra, ông nói thêm rằng sự mất cân bằng này thậm chí còn rõ rệt hơn ở khu vực nông thôn do truyền thống thích sinh con trai. Năm 2020, tại các vùng nông thôn Trung Quốc, tỷ lệ giới tính khi sinh là 108 bé trai/100 bé gái, trong khi tỷ lệ này ở thành thị là dưới 103 bé trai/100 bé gái.

Khoảng cách giới tính ngày càng lớn sẽ dẫn đến tình trạng nam giới có thể gặp khó khăn khi kết hôn, nhưng những người ở các khu vực kém phát triển thậm chí còn phải đối mặt với áp lực lớn hơn so với những người cùng lứa tuổi ở các thành phố phát triển hơn.

Giáo sư Lü cho rằng sự khác biệt giữa các vùng trong vấn đề hôn nhân là do sự di cư ồ ạt của lao động từ nông thôn ra thành thị.

Ông nói: “Ngoại trừ một số khu vực phát triển, hầu hết nam giới độc thân ở các vùng nông thôn miền Trung và miền Tây Trung Quốc đều chịu áp lực từ cạnh tranh hôn nhân.”

Dữ liệu chính thức chỉ ra rằng vào năm 2022, có 171,9 triệu lao động Trung Quốc sống xa quê. Khoảng 30% số người di cư này là nữ và gần 70% có nguồn gốc từ miền Trung hoặc miền Tây Trung Quốc. Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào năm 2023, với số lượng lao động nhập cư vượt quá 176 triệu người.

Những người phụ nữ này nói rằng họ không sẵn sàng kết hôn khi còn trẻ và nuôi con ở quê nhà, họ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và một thế giới rộng lớn hơn.

Trung Quốc có truyền thống ‘phụ nữ kết hôn với đàn ông có thu nhập cao hơn.’ "Do vậy, đàn ông ở nông thôn, gia đình nghèo và trình độ học vấn thấp đương nhiên không hấp dẫn phụ nữ, dù ở nông thôn hay thành thị," Liu Zhijun, Phó Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Khoa học Xã hội của Đại học Chiết Giang, cho biết.

 Những người phụ nữ ở nông thông không sẵn sàng kết hôn khi còn trẻ và nuôi con ở quê nhà, họ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và một thế giới rộng lớn hơn. (Nguồn: VCG)

Những người phụ nữ ở nông thông không sẵn sàng kết hôn khi còn trẻ và nuôi con ở quê nhà, họ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn và một thế giới rộng lớn hơn. (Nguồn: VCG)

Cùng quan điểm đó, Giáo sư Lü cho biết: “Thanh niên nông thôn không chỉ cần kết hôn mà còn cần phải tích lũy đủ tài sản để kết hôn,” đồng thời cho biết thêm rằng điều này, cùng với tiền thách cưới cao ở các vùng nông thôn, khiến nam giới có hoàn cảnh nghèo khó không thể kết hôn.

Giáo sư Lü nói thêm: “Trong số nam giới nông thôn chưa kết hôn trên 30 tuổi, một tỷ lệ đáng kể đã bị loại khỏi thị trường hôn nhân và rất có thể sẽ không kết hôn suốt đời.”

Tiền thách cưới ở thị trấn Jiaocun, tỉnh Tứ Xuyên được cho là từ 150.000 nhân dân tệ (23.295 USD) đến 200.000 nhân dân tệ vào năm 2017 và "tiếp tục tăng 10.000-20.000 nhân dân tệ mỗi năm.

Còn Wang Xiao cho biết tiền thách cưới ở làng anh ít nhất là 100.000 nhân dân tệ (gần 14.000 USD). Số tiền này không phải là trở ngại đối với anh, Wang nói với Global Times và cho biết anh đã tiết kiệm được hơn 200.000 nhân dân tệ sau nhiều năm làm việc chăm chỉ. “Đối với tôi, vấn đề là không có đủ phụ nữ độc thân ở quê tôi và các làng lân cận,” anh nói.

Wang kể lại rằng hai năm trước, một người mai mối đã giới thiệu anh với một người phụ nữ đã ly hôn và có một đứa con. “Tôi do dự một lúc rồi chấp nhận nhưng người phụ nữ đó không sẵn lòng (chấp nhận tôi) và bỏ đi. Tôi cảm thấy buồn một thời gian dài.”

Chính quyền Trung Quốc đã làm gì?

Trung Quốc đã thực hiện một loạt chính sách nhằm giảm bớt những áp lực trên thị trường hôn nhân tại nông thôn.

Ví dụ, chính quyền Trung Quốc đã ủng hộ việc loại bỏ các phong tục cưới hỏi tốn kém, bao gồm tiền thách cưới và thúc đẩy các cải cách nhằm tạo ra “văn hóa hôn nhân lành mạnh hơn” và giảm bớt căng thẳng kinh tế cho các cặp vợ chồng trẻ.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã đưa ra các sáng kiến nhằm khuyến khích kết hôn ở vùng nông thôn, chẳng hạn như tổ chức sự kiện mai mối và áp đặt giới hạn về tiền thách cưới.

 Một số học giả lo ngại rằng số lượng lớn đàn ông độc thân ở khu vực nông thôn có thể là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội ở địa phương. (Nguồn: AP)

Một số học giả lo ngại rằng số lượng lớn đàn ông độc thân ở khu vực nông thôn có thể là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội ở địa phương. (Nguồn: AP)

Mặc dù giáo sư Lü thừa nhận tiềm năng của những chính sách này trong việc thay đổi phong tục hôn nhân truyền thống trong giới trẻ nông thôn, nhưng ông cảnh báo rằng chỉ những biện pháp đó thôi thì không đủ để giải quyết khoảng cách giới tính 30 triệu người hiện có.

Theo ông, chìa khóa để giải quyết tình trạng này là thu hẹp sự chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là về dịch vụ công và chất lượng lối sống.

Một số học giả lo ngại rằng số lượng lớn đàn ông độc thân ở khu vực nông thôn có thể là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội ở địa phương.

Liu Zhijun cảnh báo: “Điều này có thể dẫn đến nguy cơ tội phạm tình dục ở địa phương cao hơn, đặc biệt là những tội phạm nhắm vào trẻ em và phụ nữ.”

Ông nói thêm: “Để đáp ứng những ham muốn về thể xác hoặc tinh thần, một số đàn ông độc thân cũng có thể tìm đến gái mại dâm hoặc ngoại tình.”

Năm 2019, một tòa án ở huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc đã đưa ra một vụ án khiến dư luận chấn động. Vụ án liên quan đến một người đàn ông độc thân 50 tuổi đã bắt cóc một nữ sinh 16 tuổi và giữ cô làm nô lệ tình dục trong 24 ngày trong một cái hố mà anh ta đào trong nhà.

Theo tòa án, việc độc thân trong thời gian dài đã khiến người đàn ông này trở nên bất ổn./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tai-sao-dan-ong-o-nong-thon-trung-quoc-ngay-cang-kho-lay-vo-post931135.vnp