Tại sao Đường Đức Tông lại cưới liền một lúc 5 chị em gái? Họ không những xinh đẹp mà còn rất có tài
Triều đại nhà Đường có thể coi là một triều đại có nhiều chuyện ly kỳ nhất Trung Quốc. Đây là một vương triều vô cùng phóng khoáng, cởi mở với nhiều nguyên tắc bị phá bỏ duy nhất trong lịch sử cổ đại phong kiến.
Triều Đường là một vương triều vô cùng phóng khoáng, cởi mở. Đường Cao Tông Lý Trị có thể lấy mẹ kế Võ Tắc Thiên, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ có thể lấy con dâu của mình là Dương Ngọc Hoàn. Thậm chí, đã xuất hiện một nữ hoàng chính thống duy nhất trong lịch sử cổ đại trung Quốc - Võ Tắc Thiên.
Một vương triều như vậy thì chuyện gì cũng sẽ xảy ra. Chúng ta đều biết vua Khang Hi cực kỳ thích các chị em ruột xinh đẹp, liền một lúc đã lấy 4 chị em vào cung. Nhưng vua Đường Đức Tông Lý Thích của nhà Đường còn hơn vậy, vì Lý Thích đã liền một lúc lấy 5 chị em của nhà họ Tống vào cung.
Năm chị em nhà họ Tống đều cực kỳ có tài hoa
Triều Đường là một vương triều lãng mạn, cũng là một vương triều tràn ngập những người tài hoa, tài nghệ. Không những có những tài tử như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị mà còn có những tài nữ như Thượng Quan Uyển Nhi, Ngư Huyền Cơ, Tiết Đào,… Tuy nhiên, hiện tượng một nhà có tới 5 tài nữ như nhà họ Tống thì quả thực hiếm gặp. Trong những hậu thế của Tống Chi Vấn thời vua Đường Đức Tông có một người tên Tống Đình Phân, ông có 5 cô con gái đều học hành tài giỏi.
Tống Chi Vấn là một người có tài hoa xuất chúng, chỉ là nhân phẩm hơi kém. Thế nên hậu thế của ông cũng đều là những đệ tử Nho học, thơ ca đầy mình. Tới đời Tống Đình Phân, gia phong vẫn chưa đổi, cả một đại gia đình đều thích học hành. Tống Đình Phân có 5 cô con gái và 1 người con trai, trong đó cậu con trai lại chẳng có tích sự gì, ngược lại 5 cô con gái đều thông minh lanh lợi. 5 cô con gái lần lượt tên là: Tống Nhược Tân, Tống Nhược Chiêu, Tống Nhược Luân, Tống Nhược Hiến và Tống Nhược Tuân.
Sinh 5 cô con gái đều thông minh lanh lợi, Tống Đình Phân dạy dỗ có tài nên các cô con gái đều có tài năng về thơ phú, chưa tới tuổi cập kê đã giỏi văn chương. Đứng đầu là Nhược Tân, tiếp đó là Nhược Chiêu, Nhược Luân, Nhược Hiến và Nhược Tuân. Văn phong của Nhược Tân và Nhược Chiêu thanh nhã, chú trọng hình thức bề ngoài câu từ. Khả năng học tập của họ rất mạnh, thế nên đã trở thành những tài nữ nổi danh khắp gần xa. Hơn nữa, họ cũng không muốn tùy tiện lấy chồng, luôn ở trong nhà học hành, đọc sách. Danh tiếng truyền ra ngoài cũng trở thành chuyện lạ trong thiên hạ.
Chuyện này đã không may được truyền tới tai của Đường Đức Tông. Đường Đức Tông lập tức nổi hứng, nhân lúc cả 5 cô con gái này còn chưa lấy chồng mà đưa cả 5 cô vào cung.
Đường Đức Tông là người thiên vị những người tài hoa
Do văn phong triều Đường trôi chảy, thế nên các vua triều Đường cũng thích đọc thơ văn từ nhỏ. Tuy không có nhiều tài viết thơ từ, nhưng lại rất tán thưởng, mến mộ những người có tài văn chương. Đường Đức Tông cũng là người thích những người có tài văn chương, muốn đưa họ vào trong hậu cung của mình, cũng không phải chỉ có xinh đẹp là được. Vì mỹ nữ trong thiên hạ có vô số, nhưng người có tài hoa lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vì thế Đường Đức Tông cũng không dễ dàng sủng hạnh họ, người nào không có tài năng, không có học vấn thì sẽ không thể ở bên cạnh Đường Đức Tông được. Thế nên Đường Đức Tông đã đặc biệt tổ chức một buổi phỏng vấn cho họ. Kết quả cả 5 tài nữ này đều dễ dàng vượt qua, điều này khiến Đường Đức Tông vui mừng khôn xiết, lập tức tuyên bố để cả 5 người họ ở bên mình.
Nhưng bạn tưởng rằng họ vào cung chỉ đơn giản là vì được Đường Đức Tông sủng ái sao? Đương nhiên không phải. Cả 5 tài nữ này vốn không dễ dàng tùy tiện lấy chồng, vì họ mong thông qua tài hoa để làm nên giá trị cuộc đời. Nghe có vẻ khá khó tin nhưng nữ giới triều Đường rất có lòng cầu tiến, không hề thể hiện thua kém đàn ông.
Khi ấy trong cung cũng có các cấp nữ quan nghiêm khắc, không phải tất cả nữ nhân vào cung đều chỉ làm công cụ sinh con cho hoàng đế, họ còn có rất nhiều công việc để làm. Ví dụ như 5 tài nữ này sau khi vào cung, được Đường Đức Tông gọi là Học sĩ, họ khác với những phi tần khác. Vì 5 tài nữ này có học vấn rất cao, đây cũng coi như là danh xưng thể hiện sự tôn trọng của Đường Đức Tông dành cho họ.
Họ chủ yếu phụ trách tiếp quản văn tấu, gần giống với chức quan của Thượng Quan Uyển Nhi. Thượng Quan Uyển Nhi được gọi là Nữ Tể tướng, vậy thì có lẽ họ cũng gần bằng Tể tướng, bởi họ cũng là những người phụ trách những sự vụ chính trong cung.
“Nữ luận ngữ” chính là tác phẩm của 5 chị em họ
Những cuộc đàm thoại giữa Khổng Tử và đệ tử được người đời sau biên soạn thành “Luận ngữ”, sau này trở thành tác phẩm kinh điển bắt buộc phải học của các học sĩ trong hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Trong thời Đường đương nhiên cũng bắt buộc đưa “Luận ngữ” vào trong chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên vẫn còn có một bộ “Nữ luận ngữ” chuyên dành cho nữ giới, điều này đã khiến nhiều người bất ngờ.
Tác giả của bộ “Nữ luận ngữ” này chính là chị cả Tống Nhược Tân. Vì thành tựu của bộ tác phẩm này rất cao nên được đưa vào trong Nữ tứ thư. Trong 5 chị em, Tống Nhược Tân và Tống Nhược Chiêu có thành tựu học tập cao hơn, sau khi Tống Nhược Tân qua đời, Tống Nhược Chiêu đã thay thế vị trí của chị, tiếp tục làm việc cho Đại Đường. Tống Nhược Chiêu không những đã làm ra bản chú giải về “Nữ luận ngữ” mà còn trở thành giáo viên của mấy đời đế vương của triều Đường.
Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông và Đường Kính Tông đều tôn gọi Tống Nhược Chiêu là Tiên sinh (cách gọi giáo viên thời xưa). Ngoài ra, các phi tần, hoàng tự (con cháu trong hoàng thất) trong cung đều từng được Tống Nhược Chiêu dạy dỗ. Có thể nói, Tống Nhược Chiêu đã dựng lên tấm biển thương hiệu của 5 chị em nhà họ Tống. Cả 5 chị em gái đều có tài hoa hơn người, đó cũng chỉ là một chiêu quảng bá nói quá, trong đó hai người chị đầu có tài là thật.
Sau khi Tống Nhược Chiêu qua đời, Tống Nhược Hiến lại lên thay thế vị trí của chị. Nhưng Tống Nhược Hiến lại khá xui xẻo, sau khi nàng lên thì lại bị vu oan và bị vướng vào cuộc tranh chấp giữa các đảng phái, cuối cùng khiến hoàng đế Đường Văn Tông phẫn nộ. Tống Nhược Hiến không những bị Đường Văn Tông đuổi ra khỏi hoàng cung mà còn bị giam cầm rồi ban cái chết. Cả gia đình họ cũng bị đi đày, cũng may là lúc này cả 5 chị em nhà họ Tống đều đã qua đời, họ không phải chịu đựng tội hình này.
“Nữ luận ngữ” đã nói về những chuyện gì?
Có lẽ mọi người đều thấy không quen thuộc với tác phẩm này, bởi thực tế nội dung của nó khá vớ vẩn, nhưng tại sao triều Đường lại lưu truyền tác phẩm này? Vì nó phù hợp với tình hình Trung Quốc trong thời Đường. Triều Đường là vương triều nữ giới rất cởi mở, phóng khoáng, từ sau khi Võ Tắc Thiên lên làm nữ hoàng, địa vị của nữ giới cũng được nâng cao.
Cuốn “Nữ luận ngữ” này dùng để làm gì? Chủ yếu nói nữ nhân đương thời phải quy phạm ngôn hành, phải học những đạo lý Khổng Mạnh như Tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức… Đây là những điều mà những người thống trị triều Đường mong muốn nhìn thấy, vì nữ giới triều Đường thực sự có chút ngông cuồng, hoàn toàn không coi cha, chồng mình ra gì, thậm chí còn có người muốn lên làm nữ hoàng như Võ Tắc Thiên.
Võ Tắc Thiên, Vĩ Hoàng Hậu, Thái Bình công chúa, An Lạc công chúa, tất cả đều muốn làm Nữ hoàng. Sau này, Quách Thái Hậu cũng một tay chấp chính, điều khiển, kiểm soát mấy đời hoàng đế. Nhưng vấn đề là 5 chị em nhà họ Tống, khi các nàng giáo dục người khác tại sao không tự xem tình hình của mình? Chẳng phải cũng là không nghe lời cha mẹ không chịu lấy chồng, còn tham gia vào việc triều chính, sao còn dạy phụ nữ khác không được ngông cuồng như vậy?