Tại sao giọng nói thay đổi khi bạn già đi?

Khi chúng ta già đi, thanh quản bắt đầu tăng hàm lượng khoáng chất, trở nên cứng và giống xương hơn là sụn. Sự thay đổi này có thể xảy ra từ tuổi 30, đặc biệt ở nam giới.

 Các cơ cho phép dây thanh âm di chuyển bắt đầu hao mòn (cũng như các cơ khác) khi chúng ta già đi. Ảnh: Shutterstock.

Các cơ cho phép dây thanh âm di chuyển bắt đầu hao mòn (cũng như các cơ khác) khi chúng ta già đi. Ảnh: Shutterstock.

Ngày 25/6, màn chia tay của ngôi sao nhạc Pop Elton John tại lễ hội âm nhạc Glastonbury được coi là màn trình diễn được xem nhiều nhất trong lịch sử lễ hội, với hơn 7 triệu người theo dõi trực tiếp trên đài BBC, theo Conversation.

Ca sĩ 76 tuổi chắc này chắc chắn đã thể hiện hết khả năng trình diễn, nhưng nhiều người theo dõi sự nghiệp âm nhạc của Elton John trong các thập kỷ sẽ nhận thấy giọng hát của ông đã có nhiều thay đổi, không chỉ vì cuộc phẫu thuật loại bỏ polyp khỏi dây thanh quản mà ông thực hiện vào những năm 1980.

Không có gì lạ khi sự lão hóa ảnh hưởng đến mọi bộ phận trên cơ thể chúng ta, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến giọng hát của một người, ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp như Elton, có thể nghe khác đi theo năm tháng.

Sự thay đổi giọng nói

Dây thanh âm là thứ tạo ra âm thanh giọng nói. Chúng nằm trong thanh quản - một phần của hệ thống hô hấp, cho phép không khí đi từ cổ họng đến phổi. Khi không khí đi ra khỏi phổi và qua thanh quản, nó khiến dây thanh âm rung lên, tạo ra âm thanh.

Dây thanh âm có 3 phần chính, gồm cơ âm thanh, dây chằng thanh âm và lớp màng nhầy (có chứa các tuyến) để che phủ chúng.

Trước tuổi dậy thì, âm thanh do dây thanh âm tạo ra ít có sự khác biệt. Tuy nhiên, đến tuổi dậy thì, các hormone bắt đầu phát huy tác dụng. Điều này làm thay đổi cấu trúc của thanh quản, làm cho “lồi thanh quản” ở nam giới nổi rõ hơn. Sau tuổi dậy thì, chiều dài của dây thanh âm dài khoảng 16 mm ở nam và 10 mm ở nữ.

Dây thanh âm của phụ nữ ngắn và mỏng đi 20-30% sau tuổi dậy thì. Đây là lý do phụ nữ thường có giọng cao hơn nam giới.

Ngay cả sau tuổi dậy thì, hormone có thể ảnh hưởng đến giọng nói. Ví dụ, giọng nói của phụ nữ có thể khác nhau, tùy thuộc vào giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Chất lượng giọng nói tốt nhất ở trong giai đoạn rụng trứng, bởi lúc này, tuyến tạo ra nhiều chất nhầy giúp dây thanh âm có khả năng hoạt động tốt.

Nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ uống thuốc tránh thai ít thay đổi chất lượng giọng nói hơn. Mặt khác, sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền kinh nguyệt sẽ cản trở dây thanh quản, khiến chúng trở nên cứng hơn.

Mọi thứ đều có tuổi

Khi chúng ta già đi, thanh quản bắt đầu tăng hàm lượng khoáng chất, chúng trở nên cứng và giống xương hơn là sụn. Sự thay đổi này có thể xảy ra từ tuổi 30, đặc biệt ở nam giới. Điều này làm cho dây thanh quản kém linh hoạt hơn.

 Những thay đổi trong thanh quản có thể bắt đầu xảy ra từ tuổi 30. Ảnh: Shutterstock.

Những thay đổi trong thanh quản có thể bắt đầu xảy ra từ tuổi 30. Ảnh: Shutterstock.

Các cơ cho phép dây thanh âm di chuyển bắt đầu hao mòn (cũng như các cơ khác) khi chúng ta già đi. Các dây chằng và các mô nâng đỡ dây thanh âm cũng mất tính đàn hồi, trở nên kém linh hoạt.

Ngoài ra, chức năng cơ phổi suy giảm, làm giảm sức mạnh của không khí bị đẩy ra khỏi phổi để tạo ra âm thanh. Số lượng các tuyến tạo ra chất nhầy bảo vệ cũng giảm, cùng với việc giảm khả năng kiểm soát thanh quản .

Yếu tố về lối sống

Yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ tổn thương dây thanh âm. Chúng có thể thay đổi giọng nói của bạn.

Ví dụ, hút thuốc gây viêm cục bộ, tăng sản xuất chất nhầy, nhưng cũng có thể làm khô bề mặt niêm mạc. Rượu cũng có ảnh hưởng tương tự. Theo thời gian, những yếu tố này có thể làm hỏng dây thanh âm, thay đổi âm sắc giọng nói.

Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn cũng có thể làm thay đổi giọng nói, chẳng hạn thuốc hít steroid dùng cho bệnh viêm thanh quản. Thuốc làm loãng máu cũng có thể làm hỏng dây thanh âm, khiến giọng bạn khàn hơn.

 Hút thuốc gây viêm cục bộ, tăng sản xuất chất nhầy. Ảnh: Shutterstock.

Hút thuốc gây viêm cục bộ, tăng sản xuất chất nhầy. Ảnh: Shutterstock.

Một yếu tố lối sống khác có thể là lạm dụng giọng nói, thường thấy ở các ca sĩ và những người sử dụng giọng nói khi làm việc, chẳng hạn giáo viên, huấn luyện viên thể dục.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng hiếm gặp gọi là “phù Reinke dây thanh", khiến chất lỏng trong dây thanh âm sưng lên, thay đổi cao độ của giọng nói.

Trong trường hợp "phù Reinke dây thanh" nghiêm trọng, bệnh nhân nên tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu chất lỏng. Trong hầu hết trường hợp, bạn cần nghỉ ngơi, giữ nước và tránh các chất kích thích (thuốc lá, rượu). Liệu pháp ngôn ngữ, lời nói cũng có thể giải quyết sự thay đổi về âm thanh.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/tai-sao-giong-noi-thay-doi-khi-ban-gia-di-post1444796.html