Tại sao luộc măng phải mở vung?
Các chuyên gia về sức khỏe khuyên bạn không nên đậy kín vung khi luộc măng; bạn có biết tại sao luộc măng phải mở vung?
Để có món măng ngon lành trên đĩa, bạn phải trải qua nhiều bước sơ chế, ít nhất thì khâu luộc cũng phải được lặp lại vài lần đối với măng tươi. Ngoài ra, bạn không nên đậy kín vung khi luộc măng. Nguyên nhân tại sao luộc măng phải mở vung là điều không phải bà nội trợ nào cũng biết.
Tại sao luộc măng phải mở vung?
Để loại bỏ lượng độc tố có trong măng, sau khi mua măng về, bạn cần rửa sạch rồi đem luộc vài lần, mỗi lần để sôi trong khoảng 10 - 15 phút. Trong quá trình luộc, nên mở vung thay vì đậy kín.
Lý giải của bác sỹ Đinh Trần Ngọc Mai, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM trên báo Thanh Niên sẽ giúp bạn hiểu tại sao luộc măng phải mở vung: Măng tươi chứa nhiều cyanide, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit cyahydric - chất độc gây chóng mặt, buồn nôn, thậm chí gây suy hô hấp, cơ thể tím tái… Măng cũng có thể bị tẩm chất tẩy trắng hoặc lưu huỳnh để bảo quản được lâu và có màu sắc đẹp.
Việc mở vung khi luộc măng sẽ giúp bay bớt chất độc. Ngoài ra, để giảm chất độc trong măng, bạn cần ngâm và luộc kỹ.
Mẹo luộc măng tươi không bị đắng và độc
Những mẹo hay dưới đây sẽ giúp món măng của bạn ngon và an toàn hơn, chất độc được loại bỏ tối đa.
Luộc măng nhiều lần
Măng tươi sau khi mua về cần bóc bỏ vỏ, rửa sạch, cho vào nồi luộc đi luộc lại nhiều lần. Trong khi luộc, nhớ mở nắp để chất độc theo hơi nước thoát ra ngoài. Khi thấy măng mềm, bớt vị đắng thì dùng để chế biến món ăn.
Luộc măng với nước vo gạo
Măng tươi để nguyên cho vào nồi lớn, cho ớt tươi, nước vo gạo vào luộc đến khi mềm thì tắt bếp. Khi măng nguội hẳn, bạn vớt ra, lột vỏ và rửa sạch bằng nước lạnh.
Nếu thấy măng có mùi lạ, màu sắc bất thường thì không nên sử dụng.
Luộc măng cùng rau ngót
Đây là cách loại bỏ độc tố của măng mà không phải ai cũng biết. Khi mua măng về, bạn bóc vỏ, rửa sạch rồi cho vào nồi luộc cùng với một nắm rau ngót. Khi thấy măng chín mềm thì vớt ra rửa sạch với nước lạnh, đem chế biến thành món ăn.
Cho thêm ớt
Măng tươi nên để cả vỏ rồi xếp vào nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, đổ nước gạo vào gần ngập măng. Đun lửa vừa, khi măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, bạn vớt ra lột vỏ rồi xả lại vài lần bằng nước sạch.
Các chuyên gia khuyến cáo, măng tươi có độc tố nên tuyệt đối không được ăn sống.
Những ai không nên ăn nhiều măng?
Măng ít nhiều cũng chứa độc tố nên những người sau đây nên hạn chế hoặc không ăn.
Bà bầu
Măng chứa độc tố glucozit, thành phần này sẽ làm sản sinh ra acid xyanhydric. Sau khi đi vào dạ dày, glucozit sẽ bị phân hủy dưới tác động của men tiêu hóa, chất chua và cuối cùng acid xyanhyfric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn (dấu hiệu cơ thể không chịu nổi chất độc).
Đã có nhiều trường hợp bà bầu bị ngộ độc măng, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Người có bệnh đường tiêu hóa
Người có bệnh đường tiêu hóa ăn măng sẽ khó chịu, có thể tổn hại dạ dày và thực quản. Những người đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản không nên sử dụng loại thực phẩm này.
Người bị bệnh thận
Măng tây và măng tre có hàm lượng canxi rất dồi dào nên những người bị bệnh thận mãn tính hoặc suy thận không nên ăn nhiều.
Người bị bệnh gút
Măng tre, măng trúc, măng tây có những chất làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể, khiến cho tình hình bệnh gút sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều, các khớp chân, tay sưng tấy lên.
Trẻ tuổi dậy thì
Măng tre chứa nhiều cellulose và axit oxalic, những chất khó tiêu hóa. Khi kết hợp với canxi, sắt và kẽm, chúng sẽ tạo thành chất phức hợp khiến cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng. Việ ăn quá nhiều măng dẫn đến tình trạng thiếu canxi và kẽm, gây còi xương, chậm phát triển.
Người dùng aspirin
Người dùng thuốc aspirin nếu ăn măng sẽ bị kích ứng đường tiêu hóa, tổn thương niêm mạc dạ dày.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tai-sao-luoc-mang-phai-mo-vung-ar829663.html