Tại sao máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga sẽ hội tụ tinh hoa công nghệ của MiG và Sukhoi?

Dòng máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Nga đang được Tập đoàn chế tạo hàng không hợp nhất - UAC, kết quả của sự hợp nhất giữa các hãng chế tạo Mig và Sukhoi, thực hiện.

Sự kết hợp giữa hai tổ hợp thiết kế hàng không quân sự tốp đầu của Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay hứa hẹn tạo ra một dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 hội tụ được các thế mạnh của từng tổ hợp thiết kế. Đây cũng được coi là sự thay đổi về tư duy thiết kế hàng không quân sự của Nga.

Trước đây, các tổ hợp thiết kế sẽ tạo ra các mẫu máy bay chiến đấu riêng biệt, cạnh tranh với nhau để được lựa chọn trang bị chính thức. Tuy nhiên, sự thách thức về công nghệ và tài chính đã khiến các tổ hợp thiết kế Nga thay đổi tư duy từ riêng biệt sang hợp tác cùng phát triển để đối trọng với các đối thủ ở Mỹ và châu Âu.

Những thông tin đầu tiên về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga

Hiện tại rất khó có thể hình dung cụ thể khi nó mới ở giai đoạn phác thảo thiết kế. Tuy nhiên, căn cứ vào các dòng sản phẩm hàng không quân sự của Nga hiện nay như: Máy bay chiến đấu Su-57, tổ hợp máy bay không người lái (UAV) tấn công S-70 Okhotnik hay chương trình phát triển máy bay tiêm kích hạng nặng tương lai - PAK DP, dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga sẽ có 3 đặc điểm chính.

 Những đặc tính kỹ - chiến thuật cơ bản của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga đang được phác thảo. Ảnh: Lenta

Những đặc tính kỹ - chiến thuật cơ bản của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga đang được phác thảo. Ảnh: Lenta

Cụ thể, tương tự như những thông tin về dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Mỹ và phương Tây, Nga cũng theo đuổi phát triển máy bay chiến đấu mới có cả biến thể có và không có người lái. Bên cạnh phiên bản có người lái như máy bay chiến đấu truyền thống, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 là sự chuyển giao nhiệm vụ giữa con người và máy móc. Dù chúng có tính năng có thể thua kém so với phi công ở một số mặt, nhưng bù lại sẽ là giảm tổn thất về sinh mạng và giá thành chế tạo rẻ do không phải thiết kế khoang lái đặc biệt dành cho phi công. Xu hướng này thấy rõ qua việc phát triển các dòng UAV chiến đấu hiện nay.

Đánh giá về xu hướng này, nguyên Phó giám đốc Tập đoàn chế tạo Công nghệ vô tuyến Nga Vladimir Mikheev cho biết, xu hướng nhiều phiên bản là tất yếu đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Những công nghệ và kinh nghiệm trong quá trình phát triển UAV S-70 Okhotnik đã được đúc rút để tích hợp trên máy bay chiến đấu tương lai.

Tiếp đó, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 phải khả năng tích hợp và chỉ huy các đơn vị UAV chiến đấu. Mỹ và Australia cũng đang thực nghiệm công nghệ này trên các phương tiện chiến đấu hiện có. Năm 2020, chi nhánh Boeing tại Australia đã thử nghiệm 1 nhóm gồm 3 UAV hoạt động tự động hóa hoàn toàn. Cùng với đó, Mỹ cũng đang theo đuổi chương trình phát triển UAV tích hợp trí thông minh nhân tạo Skyborg được kỳ vọng sẽ thay thế các đơn vị máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon từ năm 2025.

Hướng tiếp cận công nghệ này tạo ra những lợi thế rõ ràng cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Việc hoạt động theo nhóm và mạng lưới sẽ giúp tăng hiệu suất và hiệu quả chiến đấu so với một phương tiện đơn nhất. Các UAV sẽ đóng vai trò như máy bay trinh sát hoặc tấn công theo lệnh chỉ huy của máy bay chỉ huy. Phương thức tác chiến này khác hoàn toàn với việc UAV nhận lệnh từ trạm chỉ huy mặt đất, khi chúng có tính tự quyết cao hơn và nhận thức tình huống tốt hơn. Hiện vấn đề còn tồn tại chính là về mặt đạo đức khi cho phép trí tuệ nhân tạo được phép sử dụng vũ khí sát thương hay không, vì điều này ẩn chứa nhiều mối nguy cơ lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Yếu tố cuối cùng chính là việc áp dụng các vũ khí sử dụng nguyên tắc vật lý mới. Sự xuất hiện có các loại vũ khí chùm hạt năng lượng cao đang là hướng phát triển vũ khí hàng không tương lai. Vũ khí chùm hạt có tốc độ tiệm cận tốc độ ánh sáng có khả năng tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa mục tiêu gần như tức thời sẽ tạo lợi thế rất lớn trên chiến trường.

Theo lời ông Vladimir Mikheev, Nga cũng đang tiếp cận công nghệ theo hướng này. “Với vũ khí laser, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ đốt cháy đầu dò tên lửa hoặc thiết bị dẫn bắn của đối phương để phá hủy chúng. Sự kết hợp giữa vũ khí năng lượng cao và vũ khí truyền thống sẽ tạo ra lợi thế của máy bay chiến đấu tương lai”, ông Vladimir Mikheev cho biết.

Máy bay mới sẽ không xuất hiện trước năm 2040?

Với những công nghệ đột phá đề cập ở trên, quá trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của Tập đoàn chế tạo hàng không hợp nhất Nga sẽ mất không ít thời gian để thực nghiệm và hoàn thiện công nghệ. Nếu tham khảo theo thời gian phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 hay dòng máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-1.44, thời gian xuất hiện của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga sẽ kéo dài từ 10 đến 15 năm.

Để máy bay chiến đấu mới thành hình, hàng loạt vấn đề kỹ thuật khác cần giải quyết. Trong đó đáng kể nhất là thiết kế khung thân, đặc điểm khí động học và động cơ phản lực. Dù chưa có thông tin công khai, nhưng nhiều công nghệ dự kiến ứng dụng trên máy bay chiến đấu tương lai đã được Nga âm thầm phát triển và hoàn thiện.

Với tiến độ hiện tại, máy bay thế hệ mới của Nga có thể xuất hiện trong thập kỷ 1940. Ảnh: Topwar

Với tiến độ hiện tại, máy bay thế hệ mới của Nga có thể xuất hiện trong thập kỷ 1940. Ảnh: Topwar

Theo nhiều nguồn tin, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ kế thừa nhiều công nghệ được thực nghiệm trên máy bay Su-57 với nhiều cải tiến để nâng cao hiệu suất chiến đấu. Với những thông tin trên, máy bay chiến đấu tương lai của Nga có thể là dòng máy bay chiến đấu hạng nặng và giá thành không mấy dễ chịu. Nó sẽ được ra mắt không trước năm 2040.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo Topwar, Rian)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-may-bay-chien-dau-the-he-thu-6-cua-nga-se-hoi-tu-tinh-hoa-cong-nghe-cua-mig-va-sukhoi-779004