Tại sao phải hoài nghi để hiểu chính mình?

Trong cuốn '39 câu hỏi cho người trẻ' (mới tái bản) của tôi, có một câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ sốc: Tại sao không nên vội tin Đức Phật? 'Em nghĩ đã nói đến Phật rồi thì phải tin ngay chứ. Đến Phật mà còn không tin được ngay, thì tin được ai hả anh?' - một bạn trẻ hỏi như thế sau khi nghe tôi nói chuyện ở một trường đại học.

Thật ra đấy cũng là tâm trạng của chính tôi ngày trước. Đã nói đến Phật thì phải tin ngay chứ, sao phải lăn tăn? Nhưng khi đọc được một đoạn trong kinh Kalama thì tôi nghĩ khác. Bộ kinh kể câu chuyện một lần thấy Phật đi qua, những thanh niên của một bộ tộc chạy ra hỏi: "Bạch Đức Thế Tôn, vị đạo sĩ nào qua đây cũng bảo tôn giáo mình là nhất. Vậy đâu mới là nhất?".

Phật bảo: Các con đừng tin ngay bất cứ ai. Các con nghe thôi, rồi tìm hiểu, ứng dụng, cái nào hợp với mình thì cái đó là nhất. Câu nói này cũng có nghĩa: nếu mới nghe Phật mà đã vội tin Phật - theo Phật, tin mà không chịu ngẫm nghĩ/ suy xét/ kiểm chứng/ ứng dụng thì có lẽ chính Phật cũng chẳng hài lòng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần nói về điều này, rằng ngay cả khi đọc kinh thì cũng đừng vội tin ngay từng câu chữ trong kinh. Tin ngay, áp dụng máy móc rất dễ tu sai đường.

Nhìn lại cuộc đời Đức Phật ta thấy cơ sở ban đầu/ quan trọng tạo nên giá trị của ngài chính là sự hoài nghi. Sống trong cung vàng điện ngọc, ngài hoài nghi: Cung vàng điện ngọc có giúp mình giải thoát không? Bỏ cung điện đi tìm giải thoát bằng trường tu khổ hạnh - một trong những trường phái phổ biến trong xã hội Ấn Độ cổ đại, ngài lại hoài nghi: Khổ hạnh thế này có giải thoát không? Sau mỗi lần hoài nghi là một lần dấn thân. Sau mỗi lần dấn thân là một lần vỡ lẽ. Và đến lần dấn thân/ vỡ lẽ cuối cùng, ngài đã tìm ra một con đường mà trước đó chưa ai tìm ra, chưa ai nghĩ đến.

Phương Tây hay Phương Đông, cổ hay kim đều như vậy cả: Giá trị của mọi sáng tạo đều bắt đầu trước hết từ năng lực hoài nghi. Nhờ hoài nghi thuyết địa tâm của giáo hội Kitô mà Cophecnic đã làm nhân loại bừng tỉnh: Ồ, hóa ra trái đất xoay quanh mặt trời. Nhờ hoài nghi những giá trị tưởng là đã đạt tới giới hạn trần của vật lý cổ điển Newton mà Einstein mới phát hiện ra Thuyết tương đối. Nhờ hoài nghi "sự chính xác tuyệt đối" của toán học mà Kurd Goden mới làm chính những người trong ngành toán phải sửng sốt với "định lý bất toàn".

Con người thường bị ảnh hưởng ghê gớm bởi những kiến thức mình biết trước. Đến khi những kiến thức trở thành định kiến (những cái đinh trong đầu) thì đầu óc con người rất dễ bị cầm tù. Nếu không có năng lực hoài nghi những cái đinh tâm tưởng, con người không những không thể sáng tạo (nếu xuất hiện nhu cầu sáng tạo), mà cũng không thể hiểu chính những cái đinh với tất cả những chiều kích và những gương mặt đa chiều của nó. Ở Việt Nam trước đây, những sử gia phong kiến đóng đinh trong đầu rằng Hồ Quý Ly cướp ngôi triều trước, phản tặc vô đạo, nên không cảm thấu được những khía cạnh cải cách vượt thời đại của Hồ Quý Ly. Họ đóng đinh trong đầu rằng "Mạc Đăng Dung bán nước", nên coi Mạc Đăng Dung là một tội đồ, mà không nhìn ra việc ông đã chấp nhận đánh mất hình ảnh cá nhân để tránh cho đất nước khỏi một phen binh đao máu lửa. Những nhà làm sử hiện đại đã nhổ những cái đinh ấy, nên đã nhìn Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung rất khác.

Thực tế lịch sử cũng như thực tế đời sống đâu có một chiều, đơn tuyến, sáng/ tối rõ ràng như những cái đinh. Thực tế đời sống luôn là một khối vận động phức tạp, đa màu sắc: trong trắng có đen, trong đen có trắng, trong đẹp đẽ có thấp hèn, trong thấp hèn có đẹp đẽ. Do vậy nếu bị cầm tù bởi những cái đinh tâm tưởng, không được trang bị năng lực hoài nghi để đi vào tận cùng của một bản chất, đào xới tận cùng một vấn đề, người trẻ có thể vừa không hiểu được những gì diễn ra trước mắt, vừa không hiểu được chính những diễn biến bên trong mình.

Hoài nghi bên ngoài và hoài nghi chính mình, xem mình chọn lựa đã chuẩn chưa, xem mình quyết định đã đúng chưa, xem cái chuẩn của hôm qua có còn là cái chuẩn của hôm nay không, xem cái đúng của hôm qua có hoàn toàn đúng với hôm nay không - đó chính là động lực để tiến về phía trước. Mà ngay cả việc "tiến về phía trước" cũng phải hoài nghi. Nó có phải là mục tiêu tối thượng/ duy nhất hay không? Nếu tiến về phía trước mà không chịu soi vào bên trong, nếu chỉ xây dựng một ngôi nhà tri thức, mà không xây ngôi nhà tinh thần thì ngay cả khi đã tiến về phía trước, chúng ta có thể hạnh phúc ở phía trước được không?

Thời đại hôm nay khác xa thời đại hôm qua. Người trẻ không nhất thiết phải học ở trường, ở lớp, ở thư viện, mà có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ. Học từ google, học từ ChatGPT, học từ facebook, học từ vũ trụ ảo (chắc sắp thôi). Nhưng nếu không được trang bị một năng lực cốt lõi, để hoài nghi những thứ phải hoài nghi, kiến tạo những thứ phải kiến tạo thì người trẻ lại bị phân mảnh trong một từ trường hỗn độn. Do vậy, lựa theo dòng chảy của thời đại để phát triển bản thân, nhưng lại vừa phải hoài nghi chính dòng chảy đó để có những theo đuổi phù hợp nhất với mình, tận cùng nhất với mong muốn, khát vọng, ước mơ của mình. Lựa theo dòng chảy thời đại để trở thành "con người thời đại" một cách đĩnh đạc nhưng lại cần hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc mình/ cá tính dân tộc mình/ những điểm hay - và chưa hay của dân tộc mình để không bị cuốn trôi đến mức vong bản trên dòng sông thời đại.

Hoài nghi là một năng lực phải có, nhưng đa nghi lại là điều cần loại bỏ. Hoài nghi là một kĩ thuật/ một thủ pháp cốt lõi để tư duy, nhưng đa nghi lại là liều thuốc độc hại cho cả não trạng lẫn tâm hồn. Nhầm lẫn giữa hoài nghi và đa nghi, hiểu sai chất liệu của hoài nghi và đa nghi, hoặc hoài nghi trong vỏ bọc của đa nghi thì không thể tạo nên những giá trị cốt lõi của chính mình, càng không thể tạo nên những cốt lõi bền chặt với những người đang cùng mình đi trên một con thuyền.

"Tại sao không nên vội tin Đức Phật?". Trước khi đặt bút viết, tôi đã phải minh định rất rõ: mình hỏi như vậy với tâm thế hoài nghi, chứ không phải với tâm tưởng đa nghi.

Phan Đăng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tai-sao-phai-hoai-nghi-de-hieu-chinh-minh--i685750/