Tại sao tên lửa khí động Kh-22 lại chưa thể bị đánh chặn tại Ukraine?

Trong cuộc xung đột tại Ukraine, ngoài những loại vũ khí hiện đại xuất hiện trên chiến trường, thì có một ngoại lệ khá ngạc nhiên đó là các loại tên lửa diệt hạm siêu thanh Raduga Kh-22/Kh-32 được phát triển và chế tạo dưới thời Liên Xô hàng chục năm trước lại chưa từng bị ngăn chặn.

Vậy điều gì đã tạo ra sự đặc biệt của dòng tên lửa có thiết kế lai giữa quỹ đạo bay đạn đạo và hiệu chỉnh đường bay trong các pha phóng như tên lửa hành trình của Kh-22/Kh-32.

“Sát thủ tàu sân bay” trên khoang máy bay ném bom chiến lược

Là sản phẩm của Viện Thiết kế khí động Raduga, tên lửa khí động Kh-22 và sau này là Kh-32 đều được thiết kế với mục tiêu phá hủy hoặc vô hiệu hóa nhóm chiến hạm, trong đó có tàu sân bay, của đối phương. Với trọng lượng khủng và tầm bắn lên tới 600km, dòng tên lửa siêu âm này được trang bị trên các máy bay ném bom hạng nặng như Tu-16K, Tu-22K, Tu-22M2/3 và Tu-95K.

Dưới thời Liên Xô, tên lửa Kh-22 được coi là vũ khí thách thức ưu thế của Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương. Học thuyết quân sự của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh nhấn mạnh việc có thể huy động tới 80 máy bay ném bom mang tên lửa Kh-22 để tiêu diệt hạm đội tàu sân bay của đối phương. Nếu điều này được áp dụng thực tế, hạm đội của đối phương sẽ không còn cơ hội sống sót khi phải đối phó với các tên lửa mang đầu đạn nặng tới 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân có sức nổ tương ứng tới 1 Megatone (1 triệu tấn TNT).

Tên lửa khí động Kh-32 trên máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 của Không quân Nga. Ảnh: RIAN

Tên lửa khí động Kh-32 trên máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 của Không quân Nga. Ảnh: RIAN

Điểm tạo ra sự đặc biệt của tên lửa Kh-22/Kh-32 chính là việc nó không sử dụng nguyên tắc khí động tương tự như tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình, mà kết hợp cả 2 yếu tố này trong một. Có thể hình dung, tên lửa ngay sau khi rời khỏi máy bay mang phóng sẽ được khởi động động cơ bay lên độ cao lớn khoảng 40km. Tuy nhiên, nếu như các tên lửa đạn đạo sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp vệ tinh để hiệu chỉnh quỹ đạo, thì tên lửa Nga lại vẫn duy trì kết nối với máy bay mẹ để hiệu chỉnh đường bay.

Khi tích tụ đủ thế năng, đạn tên lửa lao xuống từ độ cao lớn để đạt vận tốc Mach 3,5 - 4,6 (4.000 – 5.400km/giờ hay 1.100 - 1.500m/giây) với quỹ đạo gần như thẳng đứng. Đến pha tiếp cận mục tiêu, đạn tên lửa lại kích hoạt radar tự thân để sục sạo, khóa và tấn công chính xác mục tiêu như các loại tên lửa diệt hạm siêu thanh truyền thống. Như vậy, Kh-22/Kh-32 thực tế là các mục tiêu khí động thay vì thuộc phân loại tên lửa đạn đạo hay hành trình truyền thống.

Có điểm đáng lưu ý khác là vào giai đoạn giữa thập niên 2010, hãng tin Izvestia dẫn thông tin từ Tổ hợp thiết kế Raduga đăng tải thông tin về biến thể nâng cấp mới của tên lửa Kh-22 với nhiều cải tiến ở hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp radar chủ động với tầm bắn lên tới 1.000km. Tên lửa cơ bản loại bỏ việc dẫn đường vệ tinh để giảm khả năng bị gây nhiễu. Cùng với đó, tốc độ cơ động của tên lửa mới đạt tới 5km/giây, nên khả năng đánh chặn nó gần như không thể.

Nguyên mẫu của tên lửa mới đã được phát triển trên máy bay Tu-22M3 ở sân bay Zhukovsky vào năm 2013. Nếu chấp nhận được trang bị thì cũng dễ hiểu tại sao Kh-22/Kh-32 phiên bản nâng cấp lại không thể bị ngăn chặn tại Ukraine.

Tại sao chưa bị đánh chặn tại Ukraine?

Theo thông tin từ Đại tá Yury Ignat, người phát ngôn của Không quân Ukraine, các hệ thống phòng thủ do phương Tây sản xuất và cung cấp cho Ukraine đã không thể đánh chặn được hơn 300 tên lửa khí động Kh-22 nào của Nga.

“Khả năng bay với tốc độ tới 4.000km/giờ của tên lửa Kh-22 và được bắn tới mục tiêu theo quỹ đạo đạn đạo khiến việc đánh chặn chúng cực kỳ khó khăn, nên cần phải có các biện pháp đánh chặn cụ thể”, Đại tá Yury Ignat cho biết.

Chính phát ngôn của đại diện Không quân Ukraine đã giúp giải mã lý do tại sao tên lửa Kh-22/Kh-32 khó bị đánh chặn. Điểm quan trọng đầu tiên là việc tên lửa siêu âm của Nga được đặt trên “bệ phóng cơ động cao”. Ở đây chính là các máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3. Việc không thể xác định được điểm phóng tên lửa khiến việc bố trí trận địa phòng ngự và thời gian phản ứng của hệ thống phòng không rất ngắn, làm giảm thời gian “cửa sổ vàng” để đánh chặn mục tiêu.

Tổ hợp Patriot khó có thể được coi là đối thủ với các loại tên lửa khí động có vận tốc bay cận siêu vượt âm như Kh-22/Kh-32. Ảnh: Reuters

Tổ hợp Patriot khó có thể được coi là đối thủ với các loại tên lửa khí động có vận tốc bay cận siêu vượt âm như Kh-22/Kh-32. Ảnh: Reuters

Yếu tố tiếp theo chính là trang bị của hệ thống phòng không Ukraine phần lớn là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung với “mũi nhọn” là một số ít tổ hợp Patriot PAC-2. Ukraine cũng không có đủ hệ thống trinh sát và cảnh giới tầm xa đủ để đối phó với các mục tiêu khí động có khả năng cơ động tới vận tốc cận siêu vượt âm như Kh-22/Kh-32. Sự kết hợp "đũa lệch” trên khiến việc ngăn chặn các loại tên lửa siêu thanh của Nga gần như bất khả thi.

Một yếu tố cũng cần nhắc tới là những chiến lệ đáng buồn của tổ hợp phòng không, phòng thủ tên lửa Patriot trước những loại mục tiêu đạn đạo có tính năng thua kém rất nhiều lần so với Kh-22/Kh-32 như tên lửa Scub tại Chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 hay Burqan-2 (biến thể của tên lửa Scud) Houthis và Vệ binh Cộng hòa Yemen tấn công sân bay quốc tế tại Thủ đô Al-Riyadh, Saudi Arabia hồi năm 2017.

Ngoài ra, chưa kể tới yếu tố trình độ, kinh nghiệm của các kíp trắc thủ, cũng như bố trí trận địa phòng không tại Ukraine đã bị tình báo, trinh sát và vệ tinh Nga phát hiện để lên phương án tấn công tên lửa đạt hiệu quả cao nhất.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tai-sao-ten-lua-khi-dong-kh-22-lai-chua-the-bi-danh-chan-tai-ukraine-762093