Tại sao tên lửa Nga vẫn xuyên thủng lá chắn tên lửa Ukraine trên bầu trời Kiev?
Nhiều hãng thông tấn phương Tây trong thời gian qua đã viện dẫn lời các chuyên gia để giải thích tại sao không phận Ukraine, đặc biệt là khu vực Thủ đô Kiev dù được trang bị nhiều tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại của Mỹ và phương Tây như Patriot của Mỹ, NASAMS – Na Uy, IRIS-T -Đức, Crotale – Pháp và những thành phần của hệ thống phòng không Liên Xô, nhưng vẫn bị các tên lửa tấn công của Nga xuyên thủng.
Hãng tin The Times thừa nhận, mức độ tiêu thụ đạn tên lửa, đặc biệt là của hệ thống Patriot tại Ukraine là quá cao. Mỹ và phương Tây không đủ khả năng cung cấp 150-160 đạn tên lửa đắt tiền này mỗi tháng cho Ukraine để chống lại các đòn tập kích đường không từ phía Nga. Và nếu Mỹ và phương Tây không cung cấp đủ nguồn viện trợ đạn tên lửa, Nga có thể tiếp tục mở các đợt không kích trong mùa đông nhằm vào các vị trí chiến lược của Ukraine.
Theo đánh giá của Kiev, cần khoảng 11-12 tổ hợp Patriot để tạo ra ô phòng thủ cho toàn bộ lãnh thổ Ukraine để chống lại các đòn tập kích bằng tên lửa hành trình Kalibr và Onyx từ phía Nga.
Hệ thống phòng không Ukraine dễ tổn thương
Tại chiến dịch quân sự đặc biệt, hoạt động tấn công tên lửa và UAV tự sát của Quân đội Nga liên tục được điều chỉnh để xuyên thủng hệ thống phòng không của Ukraine với hiệu quả cao nhất. Những thông tin về đường bay của tên lửa và UAV tự sát do cả phía Nga và Ukraine công bố cho thấy, Quân đội Nga đã tổ chức hoạt động thăm dò để Ukraine bộc lộ các vị trí phòng không bằng UAV giá rẻ, sau đó mới là các đòn tập kích bằng tên lửa chính xác cao để tiêu diệt các mục tiêu giá trị.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, kết quả của các cuộc không kích vừa qua đã minh chứng cho hiệu quả yếu kém của các hệ thống phòng không Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Ví dụ cụ thể nhất chính là vào đầu tháng 5-2023, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã phá hủy một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot tại Kiev trong chiến dịch đột kích trên không. Điều đó còn chưa tính tới việc tên lửa khí động Kh-22 của Nga chưa bao giờ bị phòng không Ukraine ngăn chặn.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, quỹ đạo bay phức tạp, độ cao hoạt động thấp và quan trọng là tên lửa hành trình Nga chỉ cần vài phút để tiếp cận mục tiêu. Chính vì thế, các hệ thống phòng không Ukraine có rất ít thời gian để phản ứng và đưa ra phương án ngăn chặn.
Một yếu tố khác chính là việc Ukraine trong thời gian ngắn được tiếp nhận nhiều tổ hợp tên lửa phòng không có nguồn gốc khác nhau. Dù có chung tiêu chuẩn NATO nhưng việc đào tạo kíp trắc thủ hay khả năng kết nối chúng trong hệ thống phòng không hợp nhất với các thành phần hiện có của phòng không Ukraine theo chuẩn Nga-Liên Xô là rất khó khăn.
Chuyên gia quân sự Nga Alexey Leonkov đánh giá, với diễn biến xung đột hiện tại nếu Ukraine tiếp tục sử dụng tên lửa Patriot để tìm cách ngăn chặn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga thì họ sẽ “cạn vốn trong ngắn hạn”.
Không chỉ có Patriot, các tổ hợp tên lửa phòng không được viện trợ khác cho Ukraine có trị giá hàng trăm triệu USD, nhưng cũng thể hiện được tính năng phòng thủ như mong muốn. Một ví dụ điển hình chính là tổ hợp IRIS-T của Đức đã trở thành con mồi trong một đợt tấn công UAV của Nga. Theo tờ The Drive, ít nhất một tổ hợp IRIS-T đã bị phá hủy trong đợt tấn công UAV tại Kherson. Những hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp đã khẳng định, trạm radar đắt tiền TRML-4D của hệ thống IRIS-T đã bị phá hủy khi đang triển khai đội hình phòng thủ tại bờ trái sông Dnieper.
Thực chiến khác xa quảng cáo
Không phải tới cuộc xung đột tại Ukraine, các hệ thống phòng không của Mỹ từng có nhiều chiến lệ đáng quên trước đó. Hồi tháng 9-2019, phiến quân Houthi của Yemen tấn công các cơ sở của công ty dầu mỏ Saudi Aramco ở Saudi Arabia. Theo Bộ Quốc phòng và Không quân Saudi Arabia, cuộc tấn công được thực hiện bởi 18 UAV tự sát rẻ tiền và 7 tên lửa hành trình nhưng hệ thống phòng không Patriot đắt đỏ của quốc gia Cận Đông này không có bất kỳ phản ứng nào. Thất bại của Patriot đã được Ngoại trưởng Mỹ thời điểm đó là Michael Pompeo thừa nhận.
“Các hệ thống phòng không trên khắp thế giới đôi khi cho kết quả không nhất quán, ngay cả những hệ thống tốt nhất cũng không phải lúc nào cũng đánh chặn được mục tiêu. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo rằng các cuộc tấn công như thế này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, ông Michael Pompeo cho biết.
Bình luận về những gì đã xảy ra, một nguồn tin cấp cao của TASS cho biết, các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất không thể ngăn chặn một cuộc tấn công bằng UAV tự sát ở Saudi Arabia, mặc dù biên giới phía Bắc nước này được bao phủ bởi 88 bệ phóng tên lửa Patriot. Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot và ba tàu khu trục của Hải quân Mỹ với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đã được bố trí ngay ngoài khơi Vịnh Ba Tư đã không thể ngăn chặn được cuộc tấn công chi phí thấp này.
“Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào một hệ thống phòng không thực sự mạnh mẽ như vậy lại có thể bắn trượt hàng chục UAV và tên lửa hành trình? Chỉ có một lý do có thể giải thích cho điều này: Tổ hợp phòng không Patriot và Aegis do Mỹ quảng cáo không tương ứng với các đặc điểm đã tuyên bố - chúng có hiệu quả thấp trong việc chống lại các mục tiêu nhỏ trên không và tên lửa hành trình”, hãng thông tấn TASS đăng tải.
Cùng với đó, chiến lệ trên và thực tế cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay đang chỉ ra rằng hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất đơn giản là chưa sẵn sàng để đẩy lùi một đợt tập kích đường không quy mô và phức tạp khác xa so với diễn tập.
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.