Tại sao Van Gogh gây sốt tận ngày nay?

Sau hơn 130 năm, di sản mà Vincent Van Gogh để lại ngày càng tăng giá trị về cả mặt thương mại, nghệ thuật và cả độ phủ sóng, sức ảnh hưởng đối với công chúng

Vincent Van Gogh được mệnh danh là một trong những họa sĩ có sức ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Nhưng tài năng của Vincent chỉ được thừa nhận sau khi ông qua đời ở tuổi 37.

Đến hiện tại, sau hơn 130 năm, di sản mà ông để lại ngày càng tăng giá trị về cả mặt thương mại, nghệ thuật và cả độ phủ sóng, sức ảnh hưởng đối với công chúng.

Theo Huckleberry Fine Art, có nhiều lý do cho sự nổi tiếng lâu dài của danh họa người Hà Lan, trong đó phải kể đến câu chuyện cuộc đời bi kịch của một thiên tài và phong cách nghệ thuật độc đáo.

Bi kịch của thiên tài

Ngày nay, những tác phẩm mà Vincent Van Gogh để lại được xem là vô giá về mặt nghệ thuật. Những tác phẩm được cả thế giới biết đến có thể kể tên như “Đêm đầy sao” (1889), “Hoa hướng dương” (1889) hay “Người đàn ông buồn bã” (1890).

Trong sự nghiệp chỉ kéo dài 10 năm, Van Gogh đã tạo ra 2.100 tác phẩm nghệ thuật, một con số đủ làm kinh ngạc bất kỳ ai.

Nhưng trớ trêu thay, cho đến khi qua đời vì tự sát vào năm 1990, Van Gogh chỉ chính thức bán được một bức tranh duy nhất.

Cả cuộc đời ông là chuỗi bi kịch, nghèo khổ, bất ổn tinh thần và rối loạn tâm lý. Những năm cuối đời, ông phải vật lộn với chứng rối loạn lưỡng cực, tự cắt tai và cuối cùng là tự kết liễu mình.

Trước khi trở thành họa sĩ vào năm 27 tuổi, Van Gogh không tìm thấy mục đích cuộc đời. Ông đã làm qua rất nhiều nghề để kiếm sống nhưng đều thất bại.

Năm 1878, ở tuổi 25, Van Gogh tới Brussels (Bỉ) để tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn dành cho người muốn làm nghề truyền giáo. Tuy nhiên, sau 3 tháng thử thách, ông bị đánh giá là quá tệ và không được nhận vào học.

Dẫu vậy, cuối năm đó ông quyết đi đến mỏ Borinage (Bỉ) để làm một nhà truyền giáo tự phong, diễn thuyết cho những người lao động nghèo. Đây cũng là khoảng thời gian ông thấy mình “làm việc chăm chỉ một cách nghiêm túc” và sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên.

“Đêm đầy sao” là bức vẽ nổi tiếng nhất của danh họa người Hà Lan.

“Đêm đầy sao” là bức vẽ nổi tiếng nhất của danh họa người Hà Lan.

Nhưng việc theo đuổi tôn giáo của Vincent cuối cùng cũng thất bại. Vào cuối mùa hè năm 1880, ông tuyên bố mình trở thành một nghệ sĩ.

Trong những bức thư mà Vincent gửi cho em trai Theo, một người buôn nghệ thuật và cũng là nhà bảo trợ cho ông, vị danh họa đã kể về việc bắt đầu khám phá mọi khả năng của cây bút chì, thể hiện mình đang cống hiến hết lòng cho nghệ thuật.

Nhưng lúc sinh thời, tác phẩm của ông không hề được đánh giá cao. Vị danh họa sống trong cảnh nghèo khó, phải “đổi” những bức tranh của mình cho em trai để lấy thức ăn và màu vẽ.

Sau khi Vincent qua đời vào tháng 7/1890, Theo nuôi khát vọng biến những bức tranh của anh trai đoản mệnh trở nên nổi tiếng, để tài năng của anh được nhiều người biết tới hơn. Nhưng đáng tiếc, Theo cũng qua đời 6 tháng sau đó vì bệnh tật.

Vợ của Theo, bà Jo Van Gogh-Bonger chính là người thực hiện di nguyện ấy, bằng cách bán một số tác phẩm của Vincent và gửi rất nhiều bức tranh khác đến triển lãm, góp công lớn để chúng được biết đến rộng rãi như ngày nay.

Trong một bài báo khoảng năm 1962-1963, đăng trên Bản tin của Viện Nghệ thuật Detroit, Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Chicago Joshua C Taylor đánh giá rằng “tác phẩm của Van Gogh dựa trên cảm xúc của ông, do đó gây được tiếng vang với người xem nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời”, theo Daily Beast.

Taylor nhấn mạnh Van Gogh có “sự nghiệp họa sĩ ngắn ngủi nhưng mãnh liệt”.

Sự phản chiếu ngóc ngách đen tối trong tâm hồn

Theo Huckleberry Fine Art, điều quan trọng nhất khiến Van Gogh - một nghệ sĩ theo trào lưu Hậu Ấn tượng - và những tác phẩm của ông nổi tiếng cho đến ngày nay là phong cách nghệ thuật độc đáo, độc nhất,

Phong cách của Van Gogh có thể được nhận ra ngay lập tức, không giống bất kỳ thứ gì khác được tạo ra vào thời của ông.

Những nét vẽ táo bạo, màu sắc sống động và bố cục thường rời rạc của ông đã thách thức các quy ước của nghệ thuật truyền thống.

Trong khi một số nhà phê bình chê bai tác phẩm của Van Gogh là “quá hoang dã” và “hỗn loạn”, những người khác lại khen ngợi sự độc đáo mà ông tạo ra.

Van Gogh trong bức chân dung tự hoa sau khi tự cắt tai trái. Ảnh: artcyclopedia.

Van Gogh trong bức chân dung tự hoa sau khi tự cắt tai trái. Ảnh: artcyclopedia.

Ngoài phong cách độc đáo, cách sử dụng màu sắc của Van Gogh cũng rất sáng tạo. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên sử dụng cái mà ngày nay được gọi là “liệu pháp sắc ký”, hay việc sử dụng màu sắc có chủ ý để chữa lành và cân bằng cơ thể, tâm trí và tinh thần.

Van Gogh tin rằng màu sắc có thể được sử dụng để thể hiện cảm xúc và truyền tải thông điệp.

Việc sử dụng màu sắc của Vincent thường đậm và mãnh liệt, điều này giúp tạo ra sức mạnh cảm xúc cho các bức tranh của ông. Bên cạnh đó, sự trung thực về cảm xúc của tác giả cũng được thể hiện rõ trong nghệ thuật của ông.

Van Gogh không ngại khám phá những ngóc ngách đen tối trong tâm hồn mình, và những bức tranh thường phản ánh sự rối loạn nội tâm của chính ông.

Việc sẵn sàng dễ bị tổn thương và trung thực về cảm xúc của mình đã khiến ông trở thành một nhân vật đáng tin cậy và cảm thông, ngay cả với những người không hiểu nghệ thuật của ông.

Ngày nay, Van Gogh vẫn là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng và được kính trọng nhất trên thế giới.

Phong cách độc đáo, cách sử dụng màu sắc biểu cảm và sự chân thật về cảm xúc tiếp tục gây được tiếng vang với người xem, khiến ông trở thành một nhân vật vượt thời gian và không thể thiếu trong lịch sử nghệ thuật.

Theo znews.vn

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/tai-sao-van-gogh-gay-sot-tan-ngay-nay/258583.htm