Tam Chúc - Ba Sao, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tín ngưỡng và Phật giáo
Phường Ba Sao (thuộc thị xã Kim Bảng ngày nay) xưa từng có tên là Tam Tinh và Trúc Lâm trang, được định danh qua nhiều triều đại. Ba Sao là cách gọi nôm, tên chữ là Tam Tinh. Tại Ba Sao có vùng có nhiều ngôi cổ tự thờ Phật và những nhân vật có liên quan đến Phật giáo gọi là Tam Chúc. Tam Chúc có nghĩa: tam là ba, chúc là lậy, khi tế lễ thường lậy trời, lật Phật. Từ 'chúc' trong tiếng Hán cổ có nghĩa là ngọn đuốc soi sáng, ánh lửa rực trời và cũng có nghĩa là lời dặn dò, lời nguyện ước tốt lành. Những ngôi cổ tự ngày nay vẫn còn hiện diện là địa chỉ tâm linh, tôn giáo lớn của tỉnh Hà Nam.
Đình Tam Chúc xưa thuộc làng Tam Chúc, nay là Khu Du lịch Tam Chúc. Đình thờ Đinh Tiên Hoàng và Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt. Theo truyền thuyết địa phương và thông qua cuốn thần phả của đình Đặng Xá (xã Văn Xá, thị xã Kim Bảng) trước khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã về Kim Bảng lập đồn trại và truyền hịch Cần Vương dẹp giặc. Đinh Bộ Lĩnh được vị hào trưởng Dương Đỉnh, người gốc Trường Yên (Ninh Bình) và vợ tên là Đặng Thị Kính (vốn người Đặng Xá, Kim Bảng) giúp đỡ. Đã có trên 600 tráng đinh Kim Bảng ứng mộ. Vợ chồng hào trưởng Dương Đỉnh mến mộ tài đức đã gả con gái tên là Dương Thị Nguyệt cho Đinh Bộ Lĩnh. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu được đấy, được tôn là Vạn Thắng Minh Hoàng đế. Sau khi bình được 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Vạn Thắng Minh Hoàng đế đã đón Nguyệt Nương về kinh đô Hoa Lư lập làm Kiều Quốc Hoàng hậu. Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt đã sinh hạ cho vua Đinh một người con gái đặt tên là Đinh Thị Ngọc (Ngọc Nương Công chúa). Sau khi Vạn Thắng Minh Hoàng đế mất, Kiều Quốc Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt cùng Ngọc Nương Công chúa đã trở về quê hương Kim Bảng sinh sống đến cuối cuộc đời.
Khi vua Lê Đại Hành lên ngôi truyền cho thiên hạ xã nào từng có đồn doanh vua Đinh đóng trước đây đến rước sắc về cho dân lập đền thờ, dân vùng Tam Chúc, xã Ba Sao tuân theo chiếu chỉ đến kinh thành rước sắc về phụng thờ. Đình Tam Chúc thờ Đinh Bộ Lĩnh và Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt còn phối thờ Cao Sơn hộ quốc Thượng đẳng thần. Cao Sơn có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục Phán. Trên đường đi đánh giặc, Cao Sơn đã lập đồn, trại ở nhiều nơi, trong đó có vùng đất Ba Sao. Khi ngài mất, nhân dân lập thờ tại đình Tam Chúc. Đình Tam Chúc còn phối thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị Thượng đẳng thần, là vị thần có công âm phù các vua triều Trần khi đi chinh phạt Chiêm Thành.

Quang cảnh chùa Tam Chúc.
Nổi tiếng tại vùng đất Ba Sao là chùa Tam Chúc, ngôi cổ tự thờ Lý Quốc Sư và Trần Nhân Tông - hai bậc chân tu đã có công mở mang chùa Tam Chúc và có thời gian dừng chân tại đây giảng đạo pháp cho dân chúng. Lý Quốc Sư thế danh là Nguyễn Chí Thành, Pháp danh là Minh Không, người làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (nay thuộc xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ngài là vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý, là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam. Tam Chúc và Bát Cảnh Sơn là nơi lưu giữ những dấu tích của Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng chùa, tu hành cứu nhân độ thế của ông. Tương truyền, dưới thời Lý, Nguyễn Minh Không đã đi men theo chân núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu giúp nhân dân. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì ở lại xây chùa bái Phật. Khi đến đất Ba Sao, thấy ngôi chùa Ba Sao cổ kính nằm giữa một vùng núi non sông nước kỳ vĩ, Quốc sư đã dừng chân, hái thuốc hành đạo cứu người và mở rộng chùa Ba Sao, đổi tên thành Tam Chúc Quốc tự.
Còn về Phật hoàng Trần Nhân Tông, sau khi hạ san, Phật hoàng Trần Nhân Tông chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện… Ngài đã đi men theo chân núi từ Thanh Liêm đến Mỹ Đức (Hà Nội) để tìm lại dấu tích về Thiền sư Nguyễn Minh Không. Khi đến đất Ba Sao, thấy bên núi có ngôi cổ tự, Phật Hoàng đã dừng chân chiêm bái. Dân làng Tam Chúc tổ chức đón rước và kính báo Phật hoàng đây là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã thiền tự. Phật hoàng Trần Nhân Tông vô cùng khâm phục tài đức, trí tuệ của vị Quốc sư thời Lý nên đã cùng dân làng tu sửa lại chùa và ở đây giảng đạo pháp cho dân chúng. Thời gian sau, Phật hoàng Trần Nhân Tông lên đường men theo chân núi đá vôi để đến dãy Bát Cảnh Sơn thăm chùa Vân Mộng, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu… nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng đến đó lập chùa, tu thiền, truyền đạo pháp cho muôn dân.
Cùng với chùa thờ Phật, Ba Sao còn có đền thờ Mẫu. Đền thờ Mẫu tọa trên một trong sáu ngọn núi chuông nằm giữa hồ Lục Nhạc, Khu Du lịch Tam Chúc. Từ thuở mới khai phá mảnh đất này, người dân nơi đây đã lập một am nhỏ trong hang đá để thờ Tam Tòa Thánh Mẫu gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Phủ. Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian về Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) cai quản miền sông nước. Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Sau khi Ngọc Nương công chúa, con gái của vua Đinh và Nguyệt Nương Hoàng hậu qua đời, bà cũng được lập thờ ở đền Mẫu.
Tại Ba Sao còn có ngôi đền Giếng thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải, Nga Hoàng phu nhân và Nữ Anh phu nhân. Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, sự tích của ngài như đã nêu ở đình Tam Chúc. Còn Nga Hoàng phu nhân và Nữ Anh phu nhân là nhân thần, được nhân dân trong vùng tôn vinh là Mẫu bản địa.
Ngoài những ngôi cổ tự còn hiện hữu, trong những cuộc điền dã, khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Hà Nam còn phát hiện nhiều dấu tích văn hóa Phật giáo vùng đất Tam Chúc - Ba Sao. Năm 2007, tại khu vực đình Tam Chúc, trong quá trình nạo vét lòng hồ đã phát hiện nhiều di vật có giá trị. Trước cửa đình Tam Chúc hiện nay đang trưng bày một số hiện vật khảo cổ được trục vớt lên trong quá trình nạo vét lòng hồ như: những cột gỗ cỡ lớn có dấu tích được đẽo tròn có hình dáng bên ngoài rất giống với những cây gỗ làm cung điện thời nhà Đinh hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Ninh Bình; một xà nhà làm bằng đá, có kích thước dài hơn 5m, đường kính 30cm; cấu kiện xà ngang, xà dọc của cầu đá; khối đá có chất liệu tương tự như loại đá được sử dụng để chế tác đàn đá; những bệ đỡ trụ cột bằng đá có họa tiết cánh sen tương đồng với họa tiết thời Đinh - Tiền Lê… Đây là minh chứng thuyết phục nhất về một công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn, rất có thể là một ngôi chùa lớn đã từng tồn tại trên mảnh đất này cách đây hơn một ngàn năm. Theo quá trình biến động của lịch sử, ngôi chùa nay không còn nhưng nhiều di tích tại đây đã được tu bổ, khôi phục lại.
Tam Chúc – Ba Sao, trải qua nghìn năm, cảnh quan môi trường sinh thái vẫn còn giữ vẻ nguyên sơ, giàu giá trị vật thể, phi vật thể. Giờ đây, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn dựng ngôi chùa tầm cỡ thế giới, có những người tín tâm tạo dựng tô điểm thêm cảnh Phật nước nhà, xứng tầm nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới vì niềm tin, bác ái, hòa bình… Điều đó được thể hiện vào năm 2019, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo chùa Tam Chúc. Đây là đại lễ kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, Đức Phật Thành đạo và Đức Phật Nhập Niết bàn. Đại lễ còn là một trong các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Và trong những ngày tháng 5 năm nay (từ ngày 17 – 21), trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, chùa Tam Chúc còn vinh dự được cung rước xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về tôn trí tại chùa. Hàng chục vạn tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách đã được tiếp xúc năng lượng từ bi của Đức thế tôn từ xá lợi của ngài. Đây chính là nguồn năng lượng nuôi dưỡng lòng từ tâm, gieo duyên lành với Tam bảo và trưởng dưỡng niềm tin, là biểu tượng thiêng gìn giữ và lan tỏa văn hóa Phật giáo trong cộng đồng.