Tam giác vàng Phật giáo ở Liên bang Nga
Phật giáo đến nước Nga vào thế kỷ 17 và được thiết lập vững chắc chủ yếu ở ba vùng lãnh thổ cộng hòa thuộc Nga; đó là Buryatia, Kalmykia và Tuva và có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển văn hóa ở đây.
Từ đó, Phật pháp được lan tỏa và phát triển ở nhiều vùng khác của Liên bang Nga.
Chùa Vàng Thích Ca, ngôi chùa lớn nhất châu Âu tại Elista, Kalmykia
Nhiều hội thảo Phật giáo quốc tế đã diễn ra ở các vùng này như: Nghệ thuật Phật giáo đượng đại: Truyền thống và Đổi mới tại Ulan-Ude, Buryatia (2013), Phật giáo trong đối thoại giữa văn hóa Đông, Tây ở Elista, Kalmykia (2015) và Phật giáo trong thiên niên kỷ thứ 3: Các xu hướng và Góc nhìn về Sự phát triển ở Kyzyl, Tuva (2016).
Buryatia, Kalmykia và Tuva tạo thành một tam giác linh thiêng ở Nga, nơi di sản quý giá của Phật giáo được bảo tồn và gìn giữ.
Chùa Tsechenling ở Kyzyl, Cộng hòa Tuva
Về mặt địa lý, Buryatia nằm ở phía nam Siberia, dọc theo bờ nam hồ Baikal. Người Buryat là tiểu nhóm Mông Cổ lớn nhất khu vực Siberia.
Cộng hòa Kalmykia nằm ở phía tây nam của Nga, người Kalmyk là hậu duệ của nhóm Mông Cổ phía tây, được biết đến là người Oriat - chủng người châu Âu duy nhất có tôn giáo lãnh thổ là Phật giáo.
Tuva nằm về phía nam Siberia; nhiều người dân Tuva tin rằng mình là trung tâm của châu Á. Người Tuva là một trong 2 nhóm thiểu số dân tộc Turk thực hành Phật giáo Tây Tạng.
Đầu thế kỷ 17, Phật giáo lan tỏa đến phương bắc, từ Mông Cổ đến Buryatia. Và cũng vào thời điểm này, người Kalmyk di cư đến khu vực giữa hai con sông Volga và Don và về phía bắc biển Caspi, mang theo truyền thống Phật giáo của mình. Phật giáo đến Tuva vào thế kỷ thứ 18, cũng từ Mông Cổ.
Nước Nga chính thức công nhận Phật giáo vào năm 1741, vào thời kỳ nữ hoàng Elisabeth Petrovna (1741 - 1762) và Phật giáo cũng được thừa nhận ở Cộng hòa Buryatia. Trong thời gian trị vì, nữ Đại đế Catherine (1762 - 1796) cũng cho phép tín đồ Phật giáo ở Nga tự chọn người lãnh đạo tâm linh cho mình. Sau đó, tất cả Phật tử trong khu vực tìm kiếm các vị trưởng lão ở Tây Tạng hoặc Mông Cổ làm lãnh đạo tâm linh.
Danh hiệu lãnh đạo tôn giáo và các bậc thầy trưởng thượng ở Mông Cổ và Nga gọi là khambo lama, có nguồn gốc từ danh xưng khenpo trong tiếng Tây Tạng.
Trường phái Phật giáo phổ biến nhất ở Nga là Kim Cang thừa, truyền thống chính của Tây Tạng. Truyền thống Gelug được thành lập bởi ngài Je Tsongkhapa (1357 - 1419), là trường phái mới nhất trong số 4 truyền thống Phật giáo Tây Tạng, được thực hành phổ biến nhất; tuy nhiên, truyền thống Phật giáo cổ xưa nhất Nyingma cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ. Còn lại là hai truyền thống Kagyu và Sakya.
Tháp Vàng trong khuôn viên chùa Datsan Rinpoche Bagsha, Ulan-Ude, Buryatia
Phật tử Nga thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài Je Tsongkhapa (1357 - 1419) và các bậc thầy dòng truyền thừa Gelug. Sự thực hành của chư Tăng trong khu vực có nguồn gốc từ Phật giáo Kim Cang thừa, các khía cạnh triết học và đạo đức của các truyền thống Phật giáo sở tại không khác biệt mấy so với nền tảng của Phật giáo Đại thừa.
Cũng như Phật giáo Tây Tạng, Phật tử Nga xem Đức Dalai Lama là vị lãnh đạo tâm linh cao nhất. Ngài đã đến thăm Cộng hòa Liên bang Xô Viết vào năm 1979, Buryatia vào năm 1991, 1992; thăm Kalmykia các năm 1991, 1992, 2004 và Tuva vào năm 1992.
“Phật giáo chứa đựng những giá trị chân lý của vũ trụ, phổ biến không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới. Phật giáo dạy chúng ta trở thành người tốt và sống cuộc đời lợi ích cho người khác; mang đến lời đáp cho các câu hỏi cơ bản nhất như làm sao xử lý các cảm xúc tiêu cực và sống trong bình an.
Tôi không tuyên bố tôn giáo này tốt hơn tôn giáo khác; điều cốt lõi và quan trọng là khi bạn thực hành bất kỳ một tôn giáo nào, mục đích là để mở rộng tâm mình ra” - chia sẻ của thầy Lobsan Chamzy, lãnh đạo Cộng hòa Phật giáo Tuva.
Đức Hòa tổng hợp
(theo The Buddhist Door)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaonuocngoai/2020/01/25/16d290/