Tấm gương sáng từ hai vị tướng làm báo

Tấm ảnh của hai ông-hai vị tướng làm báo-là một kỷ vật được cất giữ 70 năm nay, luôn được gia đình chúng tôi nâng niu, trân trọng như một báu vật: Nguyễn Đình Ước và Trần Công Mân.

Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân (1925-1998), nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) (1979-1989), nguyên Phó chủ tịch Thường trực (Phó tổng thư ký Thường trực) Hội Nhà báo Việt Nam (1990-1994) và Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đình Ước (1927-2010), nguyên Tổng biên tập Báo QĐND (1974-1978), nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (1994-1999).

Ông Trần Công Mân từng là Chính ủy Trung đoàn Công binh 151 và ông Nguyễn Đình Ước từng là Quyền Chính ủy Trung đoàn Pháo binh 675. Tấm ảnh được chụp vào năm 1954 ở Chiến khu Việt Bắc, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh gốc có kích thước nhỏ 5x5cm nhưng nét vẫn rất đẹp qua năm tháng, được thử thách từ tình bạn chiến đấu trong quân ngũ, tình đồng nghiệp báo chí thân thiết của hai ông cùng một chí hướng theo Đảng suốt đời.

 Ông Nguyễn Đình Ước (bên phải) và ông Trần Công Mân, năm 1954.

Ông Nguyễn Đình Ước (bên phải) và ông Trần Công Mân, năm 1954.

Tháng 10-1964, hai ông cùng được điều động về Báo QĐND làm Phó tổng biên tập. Ông Nguyễn Đình Ước được điều về Báo QĐND từ Tạp chí QĐND, nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Ông Trần Công Mân được điều về Báo QĐND từ Phòng Tuyên huấn, Trường Sĩ quan Lục quân, ngay sau khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Từ năm 1964 đến 1978, hai ông sát cánh bên nhau cùng với đội ngũ phóng viên, biên tập viên năng động, bản lĩnh đưa Báo QĐND thành tờ báo xuất bản hằng ngày, có vị thế và uy tín cao trong những năm tháng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là những năm tháng gian nan, đầy vất vả và rất đáng tự hào của Quân đội và dân tộc Việt Nam anh hùng.

Từ một chính ủy-chủ nhiệm chính trị, ông Trần Công Mân đã học hỏi, rèn luyện trở thành cây bút viết nhanh, viết giỏi, nhà biên tập bản lĩnh, xuất sắc. Ông viết được nhiều thể loại báo chí khác nhau, đặc biệt là chính luận. Từ ngày 19-5-1965, khi Báo QĐND bắt đầu ra báo hằng ngày, đòi hỏi Ban biên tập và mọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên cùng nỗ lực phấn đấu, vươn lên không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền.

Từ những trận nhỏ khởi đầu đến những trận đánh lớn như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị-mùa hè đỏ lửa 1972, “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 ở Hà Nội và các vùng lân cận, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975... được phản ánh kịp thời, nhanh nhạy, sắc bén trên Báo QĐND. Cả tòa soạn sôi động cuốn theo guồng chiến sự, chia thành các nhóm: Nhóm phóng viên theo các đoàn quân-đi và viết, gửi cấp tốc tin tức về tòa soạn; nhóm ở trụ sở tòa soạn chia nhau trực nhận tin, các tổ bình luận-chuyên luận sắc sảo trên từng số báo. Trong thời gian chiến tranh phá hoại, cả tòa soạn Báo QĐND làm việc dưới hầm ngày và đêm. Ông Nguyễn Đình Ước và ông Trần Công Mân hầu như đêm nào cũng về nhà rất muộn, nhiều đêm thức trắng, sau khi tất cả tin, bài đã đưa sang nhà in xếp chữ. Hồi đó, Báo QĐND cùng một số tờ báo khác trở thành ngọn cờ chiến đấu, người bạn thân thiết, tin cậy của độc giả, người dân rất hào hứng đón đọc.

Sau năm 1975, đồng thời với nhiệm vụ tuyên truyền về quân sự, quốc phòng, Báo QĐND còn tuyên truyền lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm 1975-1978 là thời kỳ rất khó khăn đối với đất nước ta nói chung và các nhà báo nói riêng. Đó là giai đoạn tìm tòi hướng đi mới cho báo chí cả nước. Báo QĐND được bổ sung thêm nguồn nhân lực, những cử nhân báo chí được đào tạo chính quy vào thập niên 1970. Ông Nguyễn Đình Ước được điều động làm nhiệm vụ mới, ông Trần Công Mân được giao nhiệm vụ Tổng biên tập Báo QĐND từ năm 1979. Ông Mân đã cùng tập thể cán bộ, phóng viên đưa Báo QĐND trở thành tờ báo có uy tín của thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước trong thập niên 1980, đặc biệt là từ năm 1986-khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người kế nhiệm.

Hai ông Nguyễn Đình Ước và Trần Công Mân là những vị tướng tài ba. Đối với thế hệ con cháu chúng tôi và với các đồng nghiệp thế hệ sau, bài học lớn từ hai vị tướng Tổng biên tập Báo QĐND chính là tinh thần tự học, ham học hỏi; bài học về tính kỷ luật, tình đoàn kết đồng nghiệp chung sức, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ chung.

Tiến sĩ TRẦN THỊ PHƯƠNG LIÊN (con gái Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/tam-guong-sang-tu-hai-vi-tuong-lam-bao-781818