Tắm khuya tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, nhiều người trẻ mắc phải
Việc tắm khuya, đặc biệt là khi cơ thể đang mệt mỏi, thời tiết lạnh hoặc tắm bằng nước lạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu duy trì lâu dài.
Khi nhịp sống ngày càng hối hả, thời gian dành cho bản thân cũng dần bị thu hẹp. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ở thành thị, có thói quen tắm muộn vào ban đêm, thậm chí sau 11h như một cách để “xả stress” sau một ngày dài làm việc, học tập hoặc vận động thể chất.
Tuy nhiên ít ai biết rằng việc tắm khuya, đặc biệt là khi cơ thể đang mệt mỏi, thời tiết lạnh hoặc tắm bằng nước lạnh lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu duy trì lâu dài.
Tắm khuya cảm giác dễ chịu nhất thời, hệ lụy lâu dài
Việc tắm muộn thường mang lại cảm giác sạch sẽ, sảng khoái và dễ chịu, đặc biệt sau một ngày mồ hôi, bụi bặm. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, thời điểm tắm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe.
Cơ thể con người hoạt động theo nhịp sinh học, tức một chu kỳ sinh lý tự nhiên diễn ra theo ngày và đêm. Khi trời về đêm, thân nhiệt có xu hướng giảm nhẹ để chuẩn bị cho giấc ngủ sâu. Lúc này, việc tắm nước lạnh hoặc khiến cơ thể tiếp xúc đột ngột với môi trường nước sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ đến hệ tuần hoàn, hô hấp và thần kinh. Trên thực tế, không ít trường hợp người trẻ tuổi bị ngất xỉu trong phòng tắm, thậm chí tử vong, do những tác động này.

Hình minh họa/ Nguồn Internet
Những rủi ro sức khỏe từ thói quen tắm đêm
Rối loạn tuần hoàn máu, nguy cơ đột quỵ: Vào ban đêm, cơ thể cần được nghỉ ngơi. Khi tắm muộn, đặc biệt bằng nước lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột có thể làm mạch máu co lại, tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm. Điều này khiến người có tiền sử tim mạch, huyết áp hoặc tuần hoàn kém dễ gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt, thậm chí tai biến. Đáng chú ý, người trẻ thường chủ quan vì nghĩ mình còn khỏe, nhưng thực tế, stress, thiếu ngủ, làm việc quá sức đều có thể khiến cơ thể suy yếu tạm thời. Nếu tắm vào thời điểm đó, rủi ro sức khỏe sẽ tăng lên rõ rệt.
Gây tổn thương hệ hô hấp: Tắm khuya, nhất là khi thời tiết lạnh hoặc dùng nước lạnh, có thể khiến đường hô hấp bị kích ứng, làm tăng nguy cơ viêm họng, ho kéo dài, viêm phế quản. Với người có sẵn các bệnh nền hô hấp như hen suyễn hay viêm xoang, thói quen tắm muộn càng dễ làm bệnh tái phát hoặc chuyển biến nặng hơn.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Tắm muộn có thể làm cơ thể “tỉnh táo” trở lại, dẫn đến khó ngủ hoặc ngủ không sâu. Nếu dùng nước quá lạnh, sự co mạch gây lạnh chân tay càng khiến người tắm khó đi vào giấc ngủ. Ngược lại, nếu tắm nước quá nóng ngay trước giờ đi ngủ, cơ thể bị kích thích tuần hoàn máu khiến nhịp tim tăng, từ đó cũng làm khó ngủ.
Đau đầu, cứng cổ, tê bì chân tay: Gội đầu khuya, để tóc ướt đi ngủ hoặc tiếp xúc với gió lạnh sau khi tắm có thể gây co mạch máu ở vùng đầu và cổ, dẫn đến đau đầu kéo dài, chóng mặt, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại biên. Nhiều người trẻ chủ quan nhưng sau vài năm thường gặp các triệu chứng đau đầu mãn tính, khó chịu vùng gáy mà không rõ nguyên nhân.
Những người tuyệt đối tránh tắm khuya?
Những đối tượng cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe bao gồm: Người mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp cao hoặc thấp; Người cao tuổi và những ai có hệ miễn dịch yếu, đang bị cảm lạnh, sốt hoặc mới khỏi bệnh; Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc vừa mới sinh; Người thường xuyên làm việc căng thẳng, thiếu ngủ hoặc đang trong tình trạng suy nhược cơ thể.
Nếu buộc phải tắm khuya, nên làm gì?
Trong nhiều trường hợp, người trẻ không tránh được việc tắm muộn do công việc hoặc học hành. Tuy nhiên, nếu phải tắm vào buổi tối muộn, hãy chú ý:
Tắm nhanh, không quá 10 phút
Dùng nước ấm (35 – 38 độ C) để không gây sốc nhiệt
Làm ấm cơ thể trước khi tắm, ví dụ bằng cách ngâm chân nước ấm vài phút
Không gội đầu muộn, hoặc nếu cần, hãy sấy khô ngay sau đó
Tránh tắm sau khi ăn no hoặc khi cơ thể đang rất mệt
Sau khi tắm, lau khô người kỹ, mặc ấm và giữ ấm bàn chân
Tắm là hoạt động thiết yếu để làm sạch cơ thể và giúp thư giãn tinh thần, nhưng việc tắm không đúng thời điểm, nhất là tắm vào ban đêm, có thể mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe, đặc biệt với người trẻ hay chủ quan vì “còn khỏe”. Thay vì duy trì thói quen tắm đêm để tiết kiệm thời gian hoặc đơn giản là “quen rồi”, mỗi người nên học cách lắng nghe cơ thể, điều chỉnh lịch sinh hoạt khoa học để vừa đảm bảo vệ sinh cá nhân, vừa giữ gìn sức khỏe lâu dài.