Tâm lý FOMO quay trở lại thị trường, cổ phiếu meme nóng sốt như năm 2021
Giống như 4 năm trước, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang một lần nữa đổ tiền vào những cổ phiếu bị bán khống mạnh. Nhưng thay vì GameStop hay AMC, những cổ phiếu 'hot' nhất hiện tại là Opendoor và Kohl's.

Một nhà giao dịch trên Sàn Chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters).
Giá cổ phiếu tăng bằng lần
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục phá đỉnh lịch sử. Các cuộc bàn tán trên diễn đàn WallStreetBets của Reddit tăng vọt. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào những cổ phiếu giá rẻ.
Đây là chuyện diễn ra trong năm 2025 - rất giống những gì thị trường từng chứng kiến trong cơn sốt cổ phiếu meme vào năm 2021. Điểm khác biệt là lúc này, những cổ phiếu “nóng” nhất không phải GameStop, AMC Entertainment Holdings hay Bed Bath & Beyond.
Những cái tên đáng chú ý nhất trong cơn sốt cổ phiếu meme năm 2025 là công ty bất động sản trực tuyến Opendoor Technologies và chuỗi cửa hàng bách hóa bán lẻ Kohl’s.
Song, cũng giống như 4 năm trước, các nhà đầu tư nghiệp dư đang đổ xô vào các công ty bị bán khống mạnh, có giá cổ phiếu thấp nhằm kiếm lãi nhanh chóng.
Và cơn sốt cổ phiếu meme lần này cũng xuất hiện giữa lúc thị trường đang ở trong trạng thái hưng phấn. Chỉ số S&P 500 đã lập kỷ lục thứ 11 trong năm nay và giá bitcoin tăng gấp đôi trong chưa đầy một năm.
Ông Steve Sosnick, Giám đốc đầu tư tại Interactive Brokers, bình luận: “Gần đây, tôi đã nhận thấy dấu hiệu về một làn sóng ‘đầu tư vào cổ phiếu rác’. Đà tăng của thị trường - vốn được thúc đẩy khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào cổ phiếu vốn hóa lớn - đã khiến nhiều người mạnh dạn xuống tiền cho những khoản đầu tư rủi ro hơn”.
Tờ Bloomberg cho biết ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu được các nhà đầu tư nhỏ lẻ ưa chuộng nhất là Kohl’s. Giá cổ phiếu của nhà bán lẻ này có lúc tăng hơn gấp đôi trong phiên giao dịch ngày 22/7, sau khi giá công ty bất động sản Opendoor phi mã vào tuần trước.
Những cổ phiếu khác có tỷ lệ bán khống cao như nhà sản xuất súp đóng hộp Campbell’s, nhà sản xuất xe địa hình Polaris và chuỗi thức ăn nhanh Wendy’s cũng đang thu hút lực mua của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay, nhà đầu tư nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đều đang ưa thích rủi ro. Điều này khiến một số chuyên gia lo ngại tâm lý phấn khích quá đà sẽ tạo ra bong bóng. Nỗi sợ càng gia tăng khi “dòng tiền ngốc” lại đổ vào những công ty gần như không sinh lời.

Thị trường FOMO
Cơn sốt của nhà đầu tư đã dần tăng nhiệt trong vài tuần qua. Chỉ số S&P 500 liên tục lập kỷ lục mới và bitcoin phá mốc 120.000 USD. Giá chứng chỉ quỹ ARK Innovation ETF của “bà trùm cổ phiếu” Cathie Wood tăng vọt 34% trong năm nay dù ghi nhận lợi nhuận thê thảm trong những năm qua.
Diễn đàn WallStreetBets - nơi hội tụ của các nhà đầu tư nghiệp dư 4 năm trước - nay tràn ngập những bài đăng về Kohl’s và Opendoor. Kohl’s kết phiên 22/7 ở mức 14,34 USD/cp, tăng 38% so với ngày hôm trước. Trái lại, Opendoor sụt 10% xuống 2,88 USD/cp, chấm dứt đà tăng hơn 300% trong 6 phiên trước đó.
Ông Michael Arone, Giám đốc đầu tư tại State Street Investment Management, bình luận: “Các đỉnh giá mới làm gia tăng nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Có vẻ như một lượng thanh khoản đáng kể đang đổ vào thị trường”.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện là bộ phận lớn trong thị trường chứng khoán Mỹ, chiếm 20,5% tổng khối lượng giao dịch. Ngoài ra, các cổ phiếu có giá dưới 5 USD chiếm hơn 26% khối lượng giao dịch toàn thị trường, theo Jefferies Electronic Trading Solutions.
Những nỗi lo lớn
Tuy nhiên, đánh cược vào những cổ phiếu kém chất lượng không phải điều dành cho những người yếu tim. Trong khi không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ khoe khoang về các chiến tích vang dội, nhiều người khác lại kể về những lần thua lỗ thảm hại.
Hồi năm 2021, kiểu đặt cược “được ăn cả, ngã về không” có vẻ dễ chấp nhận hơn, bởi khi đó không ít người Mỹ nhận được tiền trợ cấp của chính phủ và họ có thể tự bao biện các khoản lỗ là cái giá cho một cuộc vui.
Nhưng hiện nay, thị trường lao động của Mỹ đã yếu hơn trước, lãi suất lên cao hơn và người dân phải thanh toán nợ vay sinh viên trở lại. Do vậy, một số nhà phân tích dự đoán cơn sốt meme lần này sẽ kết thúc nhanh chóng hơn.
Ông Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners, nhận xét: “Nhà đầu tư đang vơ vét mọi thứ trên thị trường và ít quan tâm đến các yếu tố rủi ro. Tâm lý thị trường hiện nay đang hướng đến ngưỡng lạc quan quá đà”.
Giám đốc Arone của State Street chỉ ra điểm tương đồng giữa năm 2025 với năm 1998, khi các cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga và châu Á làm rúng động thị trường.
Ông Arone hồi tưởng: “1998 là khoảng thời gian cực kỳ nhiều biến động, nhưng rốt cuộc thị trường vẫn tăng điểm mạnh. Và tôi nghĩ năm 2025 có thể cũng như vậy. Do đó, tôi có tâm lý lạc quan thận trọng”.