Tâm lý 'liều ăn nhiều' và những kết cục cay đắng của các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ

Mặc dù nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, song xu hướng đầu tư 'lướt sóng' theo tin đồn vẫn phát triển rầm rộ ở nhiều địa phương. Khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã phải nhận bài học cay đắng vì tâm lý 'liều ăn nhiều' khi quyết bỏ tiền mua đất mà thiếu suy xét.

Sau một thời gian ngắn "nổi sóng", bất động sản Vân Đồn đã "ngủ" yên (Ảnh minh họa).

Đầu tư theo kiểu: “Liều ăn nhiều”

Vào năm 2018, ông Trịnh Tú, một nhà đầu tư tại Hà Nội nhận được lời mời góp vốn, để mua 1-2 lô đất nền tại Vân Đồn (Quảng Ninh).

Theo lời giới thiệu, đất Vân Đồn tại thời điểm đó có rất nhiều tiềm năng. Thứ nhất là giá đất vẫn duy trì ở mức thấp, rẻ, dao động từ 18 - 22 triệu đồng/m2, phù hợp cho nhà đầu tư ít vốn.

Bên cạnh đó, Vân Đồn đang được Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh quy hoạch, trở thành một đặc khu kinh tế, các “ông lớn” trong ngành địa ốc cũng đã công bố các dự án “siêu khủng” tại đây. Do đó, nếu đầu tư vào đây, chắc chắn 1 năm sẽ có lãi gấp đôi.

“Người giới thiệu đầu tư bất động sản Vân Đồn là người quen của tôi, họ cũng đã có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành. Lúc đầu, tôi cũng do dự và quyết định không đầu tư, vì Vân Đồn chưa bao giờ “hot” cả.

Đúng 1 năm (đầu năm 2019), đất nền Vân Đồn tăng 50%, lên ngưỡng 28 - 30 triệu đồng/m2. Do bỏ lỡ thời điểm giá còn thấp, lúc giá gần đạt “đỉnh” 30 triệu đồng/m2, tôi mới quyết định bỏ ra 4,5 tỷ đồng, để đầu tư 150 m2 đất nền Vân Đồn”, ông Tú cho biết.

Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng, giá đất Vân Đồn bất ngờ đảo chiều, giá đất giảm đồng loạt 30% - 50%, tùy từng khu. Riêng lô đất 4,5 tỷ đồng của ông Tú, giảm từ 30 triệu đồng/m2, có lúc xuống còn 22 triệu đồng/m2. Như vậy, ông Tú lỗ 1,2 tỷ đồng.

Cay đắng sau một phi vụ đầu tư thất bại, ông Tú thừa nhận bản thân quá dại dột khi tin tưởng vào lời của người quen: “Hiện tại, lô đất trên giá cũng đã lên, hiện đang ở mức 24 triệu đồng/m2 nhưng cũng khó bán”.

Trong khi đó, bà Đỗ Mai Lan, một nhà đầu tư sừng sỏ khác tại Hà Nội cũng vừa quyết định chi 3,2 tỷ đồng để mua 2 lô đất 60 m2 tại Bắc Phù Cát (Quốc Oai, Hà Nội) nằm cách trung tâm công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 4 km.

Theo bà Lan, trước khi quyết định đầu tư vào Quốc Oai, bà nhận được nhiều ý kiến phản đối khi đầu tư vào đất Hòa Lạc. Bởi trong thời gian qua, đất xung quanh Hòa Lạc bị giới “cò” đất thổi giá quá cao.

Ngay cả những mảnh đất ruộng, đất làng cũng được “cò” đất hồ biến trở thành đất vàng, với giá trị lên tới 30 triệu đồng/m2, ngang bằng với đất mặt ngõ trong thành phố.

Bất chấp những lời khuyên ngăn, bà Lan vẫn quyết định đầu tư vào Hòa Lạc, với niềm tâm lý “liều ăn nhiều”. Nhà đầu tư này dự tính, khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển và trong 1 - 2 năm tới, đất Hòa Lạc sẽ tăng gấp đôi.

“Dựa vào quy hoạch, dựa vào các dự án giao thông và hạ tầng, Hòa Lạc chính là điểm sáng của thị trường bất động sản Hà Nội. Trên hết, phải có “máu liều”, tìm thời điểm giá vẫn còn thấp để đầu tư và nằm im chờ giá đất tăng giá, lợi nhuận mới được nhiều”, bà Lan nói.

Ít kinh nghiệm, nhưng thừa “máu liều”

Chia sẻ với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Phan Đình Vĩnh, Giám đốc Công ty địa ốc F.L thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, vẫn còn một bộ phận nhà đầu tư mới thiếu kinh nghiệm, song độ liều rất cao.

“Nhiều trường hợp, nhà đầu tư đặt niềm tin quá nhiều vào môi giới nhà đất, người quen, nên khi xảy ra sự cố, họ rút chân ra khỏi vũng lầy không kịp thoát, nguồn vốn bỏ ra “chết” tại chỗ và phải cắt lỗ để giảm thiệt hại”, ông này nói.

Giới "cò" đất đã thổi quá mức giá trị thật các khu đất khu vực Hòa Lạc, Thạch Thất, Ba Vì... (Ảnh minh họa).

Phân tích rõ hơn về độ “liều” của nhà đầu tư Việt, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận: Chỉ cần nghe phong phanh đất ở khu vực này sắp quy hoạch, hay đất đang “sốt” là các nhà đầu tư không ngần ngại bỏ vốn.

Theo ông Đính, trong 10 năm, toàn thị trường xuất hiện rất nhiều tin đồn, nào là tin đồn về sân bay quốc tế thứ hai ở Ứng Hòa, nào là sốt đất Hòa Lạc, dự án “khủng” ở Đan Phượng;...

Các tin đồn về “sốt” đất hầu hết được truyền miệng, sau đó “tam sao thất bản” tới giới đầu tư, đầu cơ và xuất hiện trên các trang mạng xã hội không chính thống.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, có một vài tin đồn là đúng. Thế nhưng, đa phần tin đồn được các đội “cò” đất chuyên nghiệp cắt ghép, “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, thổi phồng thông tin quy hoạch, thậm chí làm giả thông tin, văn bản giả của các cấp chính quyền, nhằm thổi giá bất động sản lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.

Ông Đính cho rằng, với những nhà đầu tư ngoài ngành, không chuyên có ít tiền nhưng cũng muốn rót vốn vào thị trường bất động sản, tuy nhiên lại bị hút vào những điểm trũng mà đang có giá thấp.

Ví dụ như, vùng ở Hòa Lạc, Sơn Tây, Thạch Thất vừa qua cũng “sốt” một thời gian, nhưng chủ yếu là do “cò” đất thổi phồng thông tin, để đánh trúng lòng tham của các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

“Đây là chiêu bài của các đội “cò” đất chuyên nghiệp, bây giờ thì chìm sóng, người không chuyên sẽ bị ngợp trước giá đất. Nhưng, thực chất đây chỉ là nhóm đầu cơ tạo sóng để lừa người đầu tư mới còn non”, ông Đính nói.

Phó Chủ tịch VARS đánh giá, những nhà đầu tư Việt ít kinh nghiệm không tìm hiểu trước mà vẫn nhắm mắt đầu tư thì đó là độ liều cao, dễ bị lừa.

“Việc liều lĩnh này sẽ gây ra nhiều rủi ro như mua hàng không thực, hàng không có pháp lý, mua giá trên trời, có thể bị mất trắng vì thông tin về đất có quy hoạch hay chỉ là đất ruộng thì những nhà đầu tư này không nắm được…”, ông Đính nói.

Do đó, ông Đính đưa ra lời khuyên: Những nhà đầu tư không chuyên phải hết sức thận trọng, muốn tham gia vào thị trường bất động sản, đầu tư bất động sản thì đừng liều mình nghe theo lời đồn.

“Theo tôi, nên tìm đến những đơn vị tư vấn, sàn giao dịch chuyên nghiệp để được thẩm định, tư vấn đúng, không nên nhào theo những lời đồn”, ông Đính khuyên.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tam-ly-lieu-an-nhieu-va-nhung-ket-cuc-cay-dang-cua-cac-nha-dau-tu-bat-dong-san-nho-le-post113365.html