Tầm nhìn chiến lược - kỳ vọng tương lai (kỳ 2)
Kỳ 2: Một vùng cây xanh hoa trái sum sê
Khi hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, không gian phát triển nông nghiệp được mở rộng quy mô với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 1,1 triệu héc ta. Cùng nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nơi đây sẽ trở thành “thủ phủ” của cây cà phê, sầu riêng, cao su, hồ tiêu... Đây là cơ hội lớn để kiến tạo một trung tâm nông nghiệp hàng đầu cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để những nông sản giá trị cao vươn ra thế giới.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: CTV
Những vườn cây tiền tỉ
Với hơn 300.000ha đất bazan màu mỡ (chiếm 55,6% diện tích đất bazan vùng Tây Nguyên), Đắk Lắk có lợi thế nổi bật để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất, liên kết với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh đã công nhận được 304 sản phẩm OCOP (trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao). Đây là những tiền đề thuận lợi để khi hợp nhất với Phú Yên sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện, khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế.
Gia đình ông Lã Cảnh ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) trồng gần 100ha sầu riêng Dona, trong đó có 20ha đã cho thu hoạch, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Năm 2024, gia đình ông thu được khoảng 20 tỉ đồng từ vườn sầu riêng. Theo ông Cảnh, sầu riêng đang có lợi thế lớn và giá trị cao nhờ xuất khẩu. Nếu có cảng biển, kết nối với hệ thống cao tốc sẽ thuận lợi cho vận chuyển, đóng gói và chế biến, tiêu thụ. Chi phí sản xuất thấp, lưu thông hàng hóa thuận lợi sẽ gia tăng giá trị kinh tế và nông dân được hưởng lợi.
Còn giữa vùng đất đỏ màu mỡ của xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), vườn sầu riêng 20ha của gia đình ông Cao Nguyên Lâm được xem là hình mẫu cho việc làm giàu từ nông nghiệp ở Phú Yên. Từ năm 2015, ông Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng sắn và mía sang trồng cây sầu riêng. Sau nhiều năm chăm sóc tỉ mỉ và đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại, vườn sầu riêng 5ha bắt đầu cho trái với sản lượng ổn định và chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ba năm gần đây, gia đình ông thu lãi không dưới 3 tỉ đồng/năm từ cây sầu riêng - một con số mơ ước đối với bất kỳ người nông dân nào.
Rõ ràng việc hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên sẽ mở ra không gian lớn hơn, cơ hội mới cho doanh nghiệp, hình thành một vùng nông nghiệp liên hoàn. Đây là hướng đi quan trọng để thủ phủ cà phê, thủ phủ sầu riêng của Việt Nam đứng vững, vươn xa trên thị trường quốc tế. Đắk Lắk trong tương lai được kỳ vọng trở thành trung tâm nông nghiệp xanh, hiện đại, nơi những thương hiệu nông sản Việt Nam được xây dựng từ nền tảng vững chắc: chất lượng, bền vững và hội nhập.
Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, nhiều hộ nông dân tại Sông Hinh đã được hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng cho sầu riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Tổ hợp tác Hòn Đen ở xã Ea Bar đã được cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 12ha.
Ông Lê Minh Quân, thành viên Tổ hợp tác Hòn Đen cho rằng, lợi thế là rất lớn khi Đắk Lắk và Phú Yên hợp nhất. Nông dân địa phương được thừa hưởng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk, vốn đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Đắk Lắk đã phát triển tương đối tốt các mối liên kết với doanh nghiệp, HTX và đơn vị xuất khẩu. Việc chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị giúp nông dân từng bước nâng cao năng lực tiếp cận thị trường...
Hiện nay, Phú Yên có khoảng 800ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu tại xã Ea Bar. Khoảng 300ha trong số này đã cho trái từ năm thứ hai trở lên, còn lại là diện tích cây đang trong giai đoạn phát triển. Phú Yên xác định cây sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực mới, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Việc hợp nhất Phú Yên - Đắk Lắk mở ra nhiều cơ hội khi xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững và hiệu quả.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Yên khẳng định, với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và nỗ lực trồng, chăm sóc của nông dân Phú Yên, cây sầu riêng tại đây đã và đang cho năng suất tốt, chất lượng trái ngày càng cao. Khi hợp nhất với Đắk Lắk - thủ phủ sầu riêng của cả nước, nông dân Phú Yên sẽ học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và hưởng lợi từ chuỗi tiêu thụ. Từ đây, ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng và hướng tới xuất khẩu.
Mô hình trồng cây sầu riêng cho thấy khi nông dân biết tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu và chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn. Trong tương lai, khi các quy hoạch phát triển nông nghiệp được thực hiện và có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, những “vườn cây tiền tỉ” hứa hẹn sẽ còn nhân rộng trên khắp vùng đất mới.
Mở rộng “thủ phủ cà phê”
Đắk Lắk từ lâu đã được biết đến là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam, với hơn 213.000ha. Sản lượng cà phê thu hoạch năm 2024 đạt 561.341 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê từ vùng đất cao nguyên Đắk Lắk đã xuất khẩu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó có các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một trong những thương hiệu nông sản Việt đầu tiên được bảo hộ toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt trên thương trường quốc tế.
So với những vườn cà phê bạt ngàn ở Đắk Lắk, diện tích 1ha của gia đình anh Lê Quốc Huy (thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar) rất khiêm tốn. Bình quân mỗi vụ gia đình anh thu hoạch khoảng 20 tấn hạt cà phê tươi; thương lái từ Đắk Lắk đến tận vườn thu mua nhưng giá chỉ 26.000 đồng/kg. Anh Huy vẫn trăn trở và ấp ủ ước mơ: cà phê nơi đây có được thương hiệu như Đắk Lắk, được công nhận vùng nguyên liệu và có nhà máy chế biến cà phê nhân tại chỗ. Khi đó, giá trị cây cà phê ở Ea Bar chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần, mở ra hướng phát triển bền vững hơn cho người trồng cà phê trong vùng.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là doanh nghiệp lớn của tỉnh Đắk Lắk trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh số xuất khẩu năm 2024 của công ty này đạt 350 triệu USD. Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Simexco DakLak nhận định, hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng ngành hàng chế biến xuất khẩu. Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả nước, do đó mặt hàng này sẽ được tập trung đầu tư vào chế biến sâu. Khi đó, doanh nghiệp rất cần nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…
Để khai thác và phát huy tốt lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Nguyễn Minh Huấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, cả hai địa phương cần rà soát, tích hợp và điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, các đề án, dự án… thành một quy hoạch chung hợp lý, tận dụng địa hình đa dạng (miền núi - trung du - đồng bằng - ven biển). Việc quy hoạch xác định rõ vùng chuyên canh cây trồng, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng bảo tồn giống bản địa; kết nối các vùng sinh thái nông nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm và mùa vụ. Ngành Nông nghiệp phải tái cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp…
Rõ ràng việc hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên sẽ mở ra không gian lớn hơn, cơ hội mới cho doanh nghiệp, hình thành một vùng nông nghiệp liên hoàn. Đây là hướng đi quan trọng để thủ phủ cà phê, thủ phủ sầu riêng của Việt Nam đứng vững, vươn xa trên thị trường quốc tế. Đắk Lắk trong tương lai được kỳ vọng trở thành trung tâm nông nghiệp xanh, hiện đại, nơi những thương hiệu nông sản Việt Nam được xây dựng từ nền tảng vững chắc: chất lượng, bền vững và hội nhập.
Kỳ cuối: Đường lớn đã mở, kiến tạo không gian