Tầm nhìn 'không giống ai' của Mark Zuckenberg về AI

Tỷ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Meta, vừa đưa ra một tầm nhìn táo bạo: trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn có thể trở thành bạn bè, thậm trí cả nhà trị liệu tâm lý cho con người.

Ông chủ mạng xã hội Facebook không ngần ngại chia sẻ quan điểm trên của mình trong loạt podcast và phỏng vấn gần đây, từ cuộc trò chuyện với Youtuber Dwarkesh Patel đến hội nghị Stripe. Ông cho biết ý tưởng này xuất phát từ một thống kê đáng lo ngại: trung bình mỗi người Mỹ có ít hơn 3 người bạn thân, trong khi nhu cầu kết nối đòi hỏi con số cao hơn nhiều, khoảng 15 người.

Với Mark Zuckenberg, AI chính là lời giải cho bài toán này. “Tôi nghĩ mọi người sẽ muốn có một hệ thống hiểu rõ họ”, ông cho biết, đồng thời nhấn mạnh các chatbot AI không chỉ cung cấp thông tin mà còn có thể trở thành người bạn đồng hành luôn sẵn sàng 24/7. Vị tỷ phú 40 tuổi còn hình dung một tương lai nơi các tương tác kỹ thuật số không chỉ dừng ở việc lướt tin tức, hình ảnh hay video trên mạng, mà còn ở việc con người có thể đối thoại với AI, tham gia vào các trò chơi hoặc thậm chí “nhảy” vào một thế giới ảo do AI tạo ra.

Đối với Mark Zuckenberg, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn có thể trở thành bạn bè, thậm trí cả nhà trị liệu tâm lý cho con người. Hình minh họa: Intelligist.ai

Đối với Mark Zuckenberg, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn có thể trở thành bạn bè, thậm trí cả nhà trị liệu tâm lý cho con người. Hình minh họa: Intelligist.ai

Không chỉ dừng ở việc kết nối xã hội, Mark Zuckerberg còn đề xuất AI có thể thay thế nhà trị liệu, một ý tưởng từng xuất hiện từ những năm 1960 với chương trình ELIZA của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông lập luận rằng đối với những người không có điều kiện tiếp cận liệu pháp tâm lý, AI có thể là giải pháp thay thế, cung cấp sự hỗ trợ mà họ không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Những hồi chuông cảnh báo

Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ sự lạc quan của tỷ phú Zuckerberg. Ý tưởng biến AI thành bạn bè hay nhà trị liệu đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức và an toàn, đặc biệt khi Meta có lịch sử gây tranh cãi về quyền riêng tư dữ liệu, từ vụ bê bối Cambridge Analytica đến việc theo dõi người dùng trên các nền tảng của tập đoàn này.

Uri Gal, giáo sư tại Đại học Sydney (Australia), cảnh báo rằng người dùng có xu hướng chia sẻ thông tin cá nhân với chatbot không khác gì với bạn bè thực sự. “Bản chất cá nhân của những tương tác này khiến chúng trở thành mỏ vàng cho một công ty có doanh thu phụ thuộc vào việc biết mọi thứ về bạn” ông viết trên trang tin The Conversation.

Với chính sách bảo mật của Meta, các cuộc trò chuyện với chatbot có thể được sử dụng để đào tạo mô hình AI, và hầu hết người dùng các mạng xã hội như Facebook hay Instagram ở Mỹ gần như không có lựa chọn từ chối hoàn toàn việc chia sẻ dữ liệu.

Những lo ngại về an toàn càng trở nên nghiêm trọng khi liên quan đến trẻ vị thành niên. Một ghi nhận của báo The Wall Street Journal hồi tháng 4 tiết lộ rằng các phiên bản trước của chatbot Meta đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc trò chuyện khiêu dâm, thậm chí với những người dùng tự nhận là thanh thiếu niên.

ĐỌC NGAY: Tương lai của Meta đi về đâu khi mất đi "bộ não" mảng AI?

Dù Meta khẳng định đã áp dụng các biện pháp kiểm soát, những trường hợp như hai vụ kiện chống lại Character.AI – một liên quan đến một thiếu niên tự tử, một liên quan đến hành vi hung hãn của một thiếu niên mắc chứng tự kỷ – vẫn cho thấy nguy cơ từ các chatbot đóng vai trò nhà trị liệu mà không có sự giám sát chặt chẽ. Tổ chức Common Sense Media, trong một ghi nhận gần đây, cảnh báo rằng các chatbot AI như Meta AI, Character.AI hay Replika gây ra “rủi ro an toàn không thể chấp nhận” đối với trẻ vị thành niên và cả những người lớn dễ bị tổn thương.

Các chuyên gia như Stefano Puntoni từ Trường Wharton cũng bày tỏ sự nghi ngờ. Dù nghiên cứu của ông cho thấy bạn đồng hành AI có thể giảm cảm giác cô đơn nhất thời, với mức giảm 20% so với 19% khi giao tiếp với con người, ông nhấn mạnh rằng tác động lâu dài vẫn chưa được làm rõ.

“Tôi dự đoán bạn đồng hành AI sẽ rất tốt đối với sức khỏe của một số người, nhưng cũng có khả năng rất tệ đối với những người khác,” ông Puntoni nói. Trong khi Jen Caltrider, một nhà vận động quyền riêng tư, thì cảnh báo thông tin cá nhân chia sẻ với chatbot có thể rơi vào tay những công ty không đáng tin cậy, làm gia tăng nguy cơ lạm dụng dữ liệu.

Lằn ranh giữa kết nối và phụ thuộc

Tầm nhìn của Mark Zuckerberg không chỉ dừng ở việc giải quyết cô đơn mà còn hướng đến việc định hình lại cách con người tương tác với công nghệ. Ông dự đoán trong vài năm tới, với sự kết hợp của kính thực tế tăng cường và bộ điều khiển vòng đeo tay, AI sẽ tạo ra một nền tảng mới cho tương tác, vượt xa các định dạng văn bản hay hình ảnh, video hiện tại.

Tuy nhiên, các nhà phê bình như Camille Carlton từ Trung tâm Công nghệ Nhân đạo lo ngại rằng sự tập trung vào việc tối ưu hóa tương tác và thu thập dữ liệu của Meta có thể dẫn đến sự phụ thuộc không lành mạnh vào AI, tương tự như cách mạng xã hội khiến nhiều người cảm thấy chán nản.

Valerie Tiberius, tác giả cuốn sách “Artificially Yours,” nhấn mạnh rằng tình bạn con người, dù đầy thử thách và xung đột, là yếu tố giúp chúng ta trưởng thành. Theo bà, “Nếu bạn chỉ có những người bạn chatbot luôn ủng hộ và tích cực, bạn sẽ không biết một số ý tưởng của mình ngu ngốc như thế nào”.

Sven Nyholm, giáo sư tại Đại học Ludwig Maximilian (Đức), còn đi xa hơn khi lập luận rằng chatbot, dù có thể mô phỏng cuộc trò chuyện, không thể thay thế sự công nhận thực sự từ con người. “Chúng ta muốn được người khác nhìn nhận, không phải từ những cỗ máy vô tri”, ông cho biết

Dù vậy, không thể phủ nhận tiềm năng của AI trong việc hỗ trợ những người thiếu kết nối. Nhà nghiên cứu Stephen Schueller từ Đại học California cơ sở Irvine (Mỹ), cho rằng đối với những người không có điều kiện tiếp cận chuyên gia trị liệu tâm lý, chatbot là lựa chọn tốt hơn so với việc không có gì.

Nghiên cứu của chuyên gia Stefano Puntoni cũng chỉ ra rằng AI có thể mang lại sự an ủi nhất thời, đặc biệt trong những khoảnh khắc cô đơn. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu AI có thể bổ sung hay chỉ đơn thuần thay thế các mối quan hệ con người, và cái giá của sự thay thế đó là gì.

Mark Zuckerberg, với sự tự tin của một nhà tiên phong công nghệ, đang đặt cược lớn vào AI. Nhưng khi các chatbot ngày càng trở nên giống con người, những lo ngại về quyền riêng tư, an toàn và tác động tâm lý vẫn là những bóng mây che phủ tầm nhìn của ông.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tam-nhin-khong-giong-ai-cua-mark-zuckenberg-ve-ai.698500.html