Tầm quan trọng của kĩ năng thu thập và xử lí thông tin trong xã hội hiện đại
Đề thi thử tốt nghiệp (lần 2) trung học phổ thông tỉnh Nam Định yêu cầu thí sinh bàn về tầm quan trọng của kĩ năng thu thập và xử lí thông tin trong xã hội hiện đại.
Gợi ý đọc hiểu ngữ liệu "Giáo dục thành công kiểu Harvard"
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.
Câu 2. Sự nhạy bén đối với thông tin được xây dựng trên những cơ sở: giỏi suy nghĩ, giỏi liên hệ, giỏi khai thác, bỏ qua mặt nổi của thông tin để tiến tới hàm ý nội dung bên trong có lợi cho mình.
Câu 3. Tác giả so sánh việc truy tìm kho báu trên đảo hoang và việc xử lí thông tin trong đời sống nhằm mục đích: Nhấn mạnh giá trị của thông tin cũng như kho báu trên đảo hoang không hiện ra ngay trước mắt; việc xử lí thông tin cũng như truy tìm kho báu đều đòi hỏi con người phải biết nhận diện, kết nối, phân tích thông tin để nắm bắt cơ hội. Làm cho diễn đạt giàu hình ảnh, tăng sức thuyết phục và hấp dẫn cho lập luận.
Câu 4. Quan điểm của tác giả: Cần nhạy bén với thông tin, biết thu thập và khai thác thông tin để nắm bắt các cơ hội trong cuộc sống. Nhận xét: Học sinh có thể đưa ra ý kiến đánh giá khác nhau nhưng phải hợp lí, xác đáng; có thể theo hướng: quan điểm của tác giả đúng đắn, sâu sắc, có giá trị định hướng, giúp người đọc thấy được vai trò của việc thu thập và khai thác thông tin.
Tầm quan trọng của kĩ năng thu thập và xử lí thông tin trong xã hội hiện đại
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo những cách khác nhau nhưng phải làm rõ tầm quan trọng của kĩ năng thu thập xử lí thông tin trong xã hội hiện đại.
Có thể trình bày theo hướng:
Kĩ năng thu thập và xử lí thông tin giúp mỗi người có cái nhìn đa chiều khi xem xét, đánh giá sự việc hiện tượng; không bị người khác định hướng, lôi kéo, dẫn dắt…; là kĩ năng cần có trong xã hội bùng nổ thông tin.
Kĩ năng thu thập và xử lí thông tin giúp con người nắm bắt cơ hội, đưa ra lựa chọn và quyết định đúng đắn, giành được lợi thế trong cạnh tranh…; là kĩ năng thiết yếu trong xã hội phát triển năng động.
Cảm nhận về đoạn thơ Đất Nước
Nội dung: Cách nhìn mới mẻ, có chiều sâu của Nguyễn Khoa Điềm về không gian địa lý với một loạt những kì quan thiên nhiên như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, sự kì vĩ, bề thế của đất tổ Hùng Vương, núi Bút, non Nghiên,… trải dài từ Bắc vào Nam. Đó không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên thuần túy mà là chứng tích về tâm hồn nhân dân, gắn với và số phận nhân dân và lịch sử dân tộc.
Thiên nhiên đất nước hiện lên qua cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm chính là một phần tâm hồn, công sức, trí tuệ và xương máu cha ông. Sự sống và tâm hồn nhân dân đã hòa vào hình hài sông núi để tồn tại vĩnh viễn muôn đời (Ôi! Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…)
Nghệ thuật: Thể thơ tự do; nhịp thơ nhanh, giọng thơ vừa sôi nổi tràn đầy nhiệt hứng vừa trầm lắng, da diết. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ giản dị, mới mẻ: cách viết hoa từ Đất Nước, sử dụng các phép tu từ liệt kê, điệp từ,…; sử dụng chất liệu từ những câu chuyện cổ, từ sự tích, huyền thoại, truyền thuyết,… đưa người đọc vào không gian vừa bình dị vừa thiêng liêng để cảm nhận về cảnh sắc và văn hóa dân tộc.
Nhận xét: Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng chất liệu văn hóa và văn học dân gian trong đoạn trích một cách sáng tạo và linh hoạt; đa dạng và phong phú: các chất liệu được sử dụng dày đặc từ đầu đến cuối đoạn trích nhưng không hề nhàm chán, xưa cũ mà tỏa sáng tư tưởng của thời đại "tư tưởng Đất Nước của Nhân dân".
Cách sử dụng chất liệu văn hóa và văn học dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khiến hình tượng đất nước hiện lên vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa chân thực vừa lấp lánh huyền thoại; góp phần thể hiện phong cách thơ trữ tình - chính luận độc đáo của tác giả.