Tâm tình gửi lại trang văn

Gia đình cố nhà văn Bùi Quang Tú đã hoàn thành tập văn tuyển Tình yêu gửi lại cho đời, đồng thời tặng sách trong lễ giỗ tròn 1 năm của ông.

Bà Phạm Thị Ngọc Hương, bạn đời của cố nhà văn Bùi Quang Tú tặng sách cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Kỷ.

Bà Phạm Thị Ngọc Hương, bạn đời của cố nhà văn Bùi Quang Tú tặng sách cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Kỷ.

Dấu ấn một đời văn

Nhà văn Bùi Quang Tú (1947-2023) là một nhà giáo dạy văn kỳ cựu của tỉnh Đồng Nai. Xuất thân là một cán bộ, Bí thư Đoàn xung phong đi B chi viện cho miền Nam, ông đã vượt Trường Sơn, vào Chiến khu Đ, và gắn bó với Đồng Nai đúng nửa thế kỷ. Ông kinh qua vai trò Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng các trường THPT trong tỉnh; giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục tỉnh, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai)... Và ông được biết đến là một cây bút viết ký, viết lý luận phê bình (LLPB) văn học, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai. Nhà thơ Đàm Chu Văn - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai gọi ông là “con người nhân hậu, nhiều tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục và sáng tạo văn chương”. Nhà thơ Đàm Chu Văn đánh giá: “Ở Đồng Nai, nhà văn Bùi Quang Tú là một trong không nhiều người chuyên tâm và có nhiều sáng tác ấn tượng nhất về nghề giáo, nghề làm thầy giáo cao quý.”

Sinh thời, ông là người thầy sống chuẩn mực, luôn quan tâm đến các thế hệ nhà giáo, nhà văn nhỏ tuổi hơn mình. Đồng thời, ông vốn rất khiêm tốn trước bạn bè, đồng nghiệp. Đặc biệt là đối với người cha của mình - nhà văn Bùi Hiển, Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông luôn coi đó là tấm gương sáng suốt đời noi theo, từ cách sống cho đến cách nghĩ, cách viết.

Tập sách rất có ý nghĩa, độc đáo, và cũng giúp cho bạn văn, đồng nghiệp, học trò… hiểu hơn về cuộc đời, tâm tình cùng những sáng tác của nhà văn. Và có lẽ, cũng mang đến sự an ủi cho cố nhà văn.

Cố nhà văn Bùi Quang Tú không khẳng định bản thân mình là nhà văn, nhà nghiên cứu LLPB văn học. Ông viết với một niềm đam mê, một tình yêu rất sâu sắc, bền chặt từ trong máu thịt của mình đối với văn chương. Ngưỡng vọng thành quả của người đi trước, trân trọng tác phẩm của đồng nghiệp, và từ tốn với bản thân đó là phong cách, lối sống riêng của nhà văn. Nhưng đối với nghề nghiệp chuyên môn, ông nghiêm túc giữ gìn các chuẩn mực trên trang viết, đến mức nghiêm khắc với bản thân và đồng nghiệp. Những người bạn sơ giao có thể không hiểu hết nguyên tắc làm việc của ông, có thể hiểu lầm về ông. Nhưng theo thời gian, hầu hết những người bạn văn đều trân quý trước thái độ làm việc, nhất là cách đọc và cách viết của ông.

Với 11 tập sách riêng, giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Viên phấn và cây bút, 2013), và nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh, nhà văn Bùi Quang Tú đã để lại một gia tài tác phẩm khá dày dặn, và những dấu ấn tốt đẹp trong đời sống văn học của tỉnh nhà cũng như của đất nước.

Tâm tình gửi lại…

Trong lễ giỗ đầu của nhà văn Bùi Quang Tú, gia đình ông đã trân trọng giới thiệu tập văn tuyển Tình yêu gửi lại cho đời, và gửi sách đến bạn bè, thân hữu, đồng nghiệp, nhất là những văn nghệ sĩ đã gắn bó trong nghiệp viết với cố nhà văn. Bà Phạm Thị Ngọc Hương, người bạn đời của nhà văn Bùi Quang Tú đã xúc động cho biết: “Cố nhà văn Bùi Quang Tú cũng là một người suốt đời sống với văn chương, với nghiệp nhà giáo. Tròn một năm ông ra đi, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ rất quý báu của anh chị em trong gia đình, của các bạn văn, mà tập văn tuyển Tình yêu gửi lại cho đời hôm nay đã hoàn thành và ra mắt thân tộc và bạn hữu gần xa. ”Trước sự quây quần của đông đảo văn nghệ sĩ Đồng Nai, các cựu giáo chức tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa, bà quả phụ đã trao tặng sách cho mọi người, như trao gửi những điều tâm huyết nhất mà cố nhà văn gửi lại cho đời.

Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết trong Lời nói đầu của văn tuyển Tình yêu gửi lại cho đời: “Tôi chưa có dịp gặp và đọc sách của anh Bùi Quang Tú trước khi đọc bản thảo Tình yêu gửi lại cho đời. Bản thảo này do anh Bùi Quang Tuấn, anh trai anh Tú chuyển cho tôi… Thoạt đầu, tôi không bị cuốn hút bởi cuốn sách chỉ kể về chuyện Biên Hòa - Đồng Nai xa lắc xa lơ không mấy liên quan với mình, một bản thảo mà sáng tác xen lẫn với hồi ức, chuyện giáo dục xen lẫn với văn chương...Nhưng đọc lần thứ hai, thứ ba, đọc chậm, đọc có trách nhiệm - một thói quen của người làm công tác biên tập báo Đảng trong nhiều năm để tránh cảm xúc bồng bột, tránh bỏ sót bản thảo tốt, tôi càng thấy yêu quý tác giả và những trang viết của anh.”

Với gần 500 trang sách, tập văn tuyển đã gói gọn và làm rõ nét cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của nhà văn Bùi Quang Tú. Nhà thơ Đàm Chu Văn cũng có ý kiến đúc kết: “Văn phong ông giản dị, rành mạch mà không kém phần khúc chiết, dí dỏm. Những câu chuyện, chi tiết tưởng như nhặt được từ bất cứ trạng huống nào của đời sống, còn nguyên vẻ thô ráp, nguyên sơ nhưng đã qua con mắt chọn lọc tinh tế của nhà văn, giàu sức biểu cảm và mang nhiều ý nghĩa sâu xa”.

Tập sách có hình thức trang nhã, dày dặn, với nội dung được tuyển chọn kỹ càng qua các phần: Hồi ký (22 bài viết), Chân dung văn học (17 bài viết), Truyện ký, bút ký, truyện ngắn (12 tác phẩm), Lời cảm ơn với Hà Nội (20 bài viết). Đặc biệt, phần cuối sách có 5 bài viết của đồng nghiệp ở Đồng Nai, và một số hình ảnh gia đình nhà văn. Sự tuyển chọn kỹ càng, cẩn thận một lần nữa khẳng định tên tuổi và tác phẩm của nhà văn Bùi Quang Tú.

Sống mãi trong lòng bè bạn

Nói đến cố nhà văn Bùi Quang Tú, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cho rằng sự ra đi của ông quá đột ngột, giữa lúc ông đang rất sung sức trong viết và sáng tác. Tình yêu gửi lại cho đời là một kỷ vật gia đình, đồng nghiệp tưởng nhớ ông, gửi gắm tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhà văn Bùi Quang Tú vào tập sách. Nhưng sâu xa hơn, đó là tình yêu với ý nghĩa tinh thần lớn lao, sâu sắc của cố nhà văn không chỉ là những gì ông đã viết, đã in; mà còn ở những điều còn dang dở, ông trăn trở ưu tư nhưng chưa thể hoàn thành.

Những điều “để lại cho đời” chưa viết, chưa nói ra được… khiến mọi người thêm nhớ và quý trọng ông. Bà Phạm Thị Ngọc Hương thay mặt gia đình phát biểu: “Thương cảm và tiếc nuối trước sự ra đi của nhà văn, gia đình chúng tôi thực hiện tập sách này mong lưu giữ lại tình cảm chân thành của cố nhà văn dành cho đời, và cũng mong lưu lại trong lòng bạn bè, thân hữu, gia đình, con cháu hình bóng, con chữ, tấm lòng của ông. Tập sách có lẽ không tránh khỏi những sơ sót trong quá trình thực hiện, rất mong mọi người thông cảm…”

Những bản sách Tình yêu gửi lại cho đời, như một tập “di cảo” của cố nhà văn Bùi Quang Tú đã đến tay bạn đọc, cho thấy tình yêu dành cho văn chương, cho nghiệp sáng tác của ông thật sâu sắc, lớn lao, và cũng để lại nỗi niềm tiếc thương, day dứt. Và vẫn còn đó những ý tưởng, những con chữ, câu chuyện còn ám ảnh, thôi thúc những người bạn sẽ sống tiếp, viết tiếp giúp ông. Như lời tiễn đưa nhà văn Bùi Quang Tú của nhà thơ Lê Liên - nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai: “Vâng! Anh vẫn còn đó hoài bão nghiệp văn chương, trăn trở với bao dự định, bởi vốn sống của người thầy, người chiến sĩ, nhà quản lý giáo dục và cả nghề văn nữa… Anh là người bạn chân thành, gần gũi an hòa, một người thầy giáo tận tụy, một nhà văn của đời thường hiện thực mà tinh tế, giàu cảm xúc và giá trị truyền thống. Riêng tôi luôn quý trọng anh ở phẩm chất người chiến sĩ cùng thời, tự nhiên giản dị trong văn phong, nhưng lại quyết liệt, không thỏa hiệp và khoan nhượng với cái xấu, cái ác, những thói đời giả trá”...

Đông Giang

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202408/tam-tinh-gui-lai-trang-van-ad8098f/