Tấm vé cho doanh nghiệp Việt vươn xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Dù ESG đang dần trở thành tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, phần lớn khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng. Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều thách thức mang tính hệ thống.

Theo các chuyên gia, xu hướng siết chặt phát thải và yêu cầu minh bạch chuỗi cung ứng đang trở thành cuộc sàng lọc thực tế với các quốc gia sản xuất như Việt Nam. ESG giờ đây không chỉ là yếu tố cộng thêm, mà là điều kiện cần để được lựa chọn.

Nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn vận hành theo mô hình truyền thống. Ảnh: N.K

Nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn vận hành theo mô hình truyền thống. Ảnh: N.K

Chuyển đổi hay thụt lùi?

ThS. Trần Hoàng Nam, Trưởng ngành Bất động sản, khoa Kinh tế - trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF), nhận định: “Việt Nam mới chỉ tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng thấp, như cung ứng nguyên liệu, gia công; phần “making” cũng thường dừng lại ở công đoạn trung gian. Nếu không sớm nâng cấp năng lực phi chi phí, doanh nghiệp Việt rất dễ bị thay thế”.

“Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu bán tiểu ngạch, ít quan tâm đến tiêu chuẩn môi trường hay truy xuất nguồn gốc. Nhưng giờ, khi đã bước vào những thị trường như châu Âu hay Bắc Mỹ, tuân thủ ESG là bắt buộc - vừa là thách thức, vừa là cơ hội nâng tầm chuỗi giá trị”, ông nói.

TS. Đỗ Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Kinh tế kiêm Trưởng ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của UEF, cho rằng định kiến “hàng Việt rẻ nhưng không bền vững” không hẳn xuất phát từ chất lượng nội tại, mà đến từ việc thiếu minh chứng và thiếu nhất quán trong truyền thông. “Chúng ta làm tốt nhưng không chứng minh được mình làm tốt. Không có dữ liệu ESG, không có truy xuất nguồn gốc, không có kiểm toán độc lập - hàng Việt vì thế khó được đánh giá cao ở các thị trường phát triển”.

Ngoài ra, rào cản gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu còn đến từ vị thế phát triển. Theo bà Hà, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn là nhượng quyền nội địa, quy mô nhỏ, công nghệ hạn chế, chưa đạt đến chuẩn vận hành toàn cầu. Vì vậy, khi bước vào các thị trường khó tính như châu Âu, nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn cao về quy trình - đặc biệt trong những ngành như nông nghiệp - thì rất khó để giữ thị phần.

“Đối tác giờ không chỉ hỏi bạn làm gì, mà hỏi bạn chứng minh ra sao, theo chuẩn nào và ai xác nhận”, bà Hà nhấn mạnh. Vì vậy, để đi sâu vào chuỗi giá trị, doanh nghiệp - đặc biệt trong các khu công nghiệp - cần chuyển đổi xanh toàn diện, đầu tư vào công nghệ sạch, hệ thống quản lý dữ liệu ESG và cơ chế kiểm toán độc lập.

Khó khăn còn trước mắt

Dù ESG đang dần trở thành tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, phần lớn khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đáp ứng. Trong số hơn 400 khu công nghiệp đang hoạt động, chỉ số ít được đánh giá là tiệm cận tiêu chí “xanh”, còn lại vẫn vận hành theo mô hình truyền thống.

Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều thách thức mang tính hệ thống. Công tác quản lý chất thải và năng lượng còn rời rạc, thiếu sự điều phối và chia sẻ hạ tầng chung giữa các doanh nghiệp trong cùng khu vực. Điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp, chi phí vận hành cao và khó xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, khoảng cách không gian giữa khu công nghiệp và khu dân cư, khu đô thị khiến việc xây dựng một hệ sinh thái tích hợp - nơi người lao động có thể làm việc, sinh sống và tiếp cận dịch vụ xã hội - trở nên khó khăn.

Cấu trúc doanh nghiệp cũng là một rào cản lớn. Khoảng 98% số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vốn hạn chế về tài chính, công nghệ và nhân lực. Phần lớn không có bộ phận chuyên trách ESG, thiếu kiến thức về báo cáo phát triển bền vững, và gần như không biết bắt đầu từ đâu khi được yêu cầu lập báo cáo theo chuẩn quốc tế. Các chuyên gia nhận định: “SME không làm ESG không phải vì họ phản đối, mà vì họ chưa thấy lý do phải làm. Nếu không có sức ép từ cơ quan quản lý hoặc từ khách hàng lớn trong chuỗi cung ứng, thì ESG vẫn là khái niệm xa vời với phần lớn doanh nghiệp”.

ThS. Trần Hoàng Nam cũng cho rằng việc triển khai ESG không thể chỉ là thay đổi bề nổi. “Muốn làm thật, thì phải thay đổi cả nền tảng vận hành, từ quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho đến đội ngũ con người. Đó là những khoản đầu tư lớn mà doanh nghiệp chỉ dám thực hiện nếu nhìn thấy lợi ích lâu dài về tăng trưởng hoặc khả năng tiếp cận thị trường chất lượng cao”, ông nhấn mạnh. Theo ông Nam, nếu vượt qua được các rào cản này, doanh nghiệp không chỉ cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn có cơ hội nâng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Không thể “xanh” nếu chỉ có doanh nghiệp

Để vượt qua “bài kiểm tra ESG” và giữ chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam không thể chỉ kỳ vọng vào nỗ lực đơn lẻ của từng doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh là một quá trình của cả hệ thống, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của ba nhà: Nhà nước - nhà đầu tư - nhà khoa học, tức mô hình Triple Helix. Mô hình hợp tác ba bên này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực, công nghệ và mô hình khu công nghiệp xanh. Đây cũng là cách để lan tỏa thực tiễn tốt, tạo sức bật cho các ngành sản xuất Việt Nam tiếp cận thị trường cao cấp.

Hai yếu tố không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi là năng lực công nghệ và nhân lực liên ngành. Việt Nam cần chủ động đầu tư vào các công nghệ xanh, từ hạ tầng xử lý môi trường đến hệ thống quản lý dữ liệu ESG. Song song, việc đào tạo nguồn nhân lực trong mảng phát triển bền vững cũng cần được đẩy mạnh thông qua các chương trình liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - địa phương.

“Việt Nam mới chỉ tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng thấp, như cung ứng nguyên liệu, gia công; phần “making” cũng thường dừng lại ở công đoạn trung gian. Nếu không sớm nâng cấp năng lực phi chi phí, doanh nghiệp Việt rất dễ bị thay thế”.

ThS. Trần Hoàng Nam,
Trưởng ngành Bất động sản, khoa Kinh tế - trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF).

Bên cạnh đó, vì chưa có khung quy chuẩn bắt buộc áp dụng đồng loạt trên cả nước, nên việc giữ chuẩn hay nới lỏng vẫn phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh của chính quyền địa phương. Tỉnh nào có tiếng nói mạnh với nhà đầu tư thì có thể giữ vững tiêu chí; ngược lại, nếu chịu áp lực về vốn, rất dễ xảy ra tình trạng thỏa hiệp để đạt mục tiêu ngắn hạn. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần sớm thiết lập một bộ quy chuẩn ESG tối thiểu áp dụng toàn quốc để làm căn cứ thẩm định và vận hành khu công nghiệp. Bên cạnh các tiêu chí cứng, cũng cần để ngỏ một phần linh hoạt cho từng địa phương, nhằm phù hợp với đặc thù ngành nghề và năng lực thực thi khác nhau, bà Hà nói thêm.

Sau cùng, yếu tố cốt lõi được các chuyên gia nhấn mạnh là nhận thức - từ chính quyền đến doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh không chỉ là bài toán kỹ thuật hay chính sách, mà còn là vấn đề về tư duy và thái độ hành động. Mọi chuyện vẫn quay lại ở nhận thức và thái độ của người đứng đầu - từ lãnh đạo địa phương đến chủ doanh nghiệp. Nếu người đứng đầu địa phương hoặc doanh nghiệp không nhìn thấy giá trị chiến lược của chuyển đổi xanh, thì thay đổi sẽ không thể bắt đầu - kể cả khi có chính sách hỗ trợ. Ngược lại, nếu lãnh đạo có tầm nhìn, quyết tâm và khả năng lan tỏa tinh thần này trong nội bộ, thì hành động sẽ diễn ra ngay cả trước khi có ràng buộc pháp lý. Thúc đẩy chuyển đổi xanh vì thế cần một lộ trình rõ ràng, cơ chế hỗ trợ phù hợp và sự kiên trì của người ra quyết định.

Nguyệt Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tam-ve-cho-doanh-nghiep-viet-vuon-xa-trong-chuoi-cung-ung-toan-cau/