Tân cảng Sài Gòn - Từ 'hành trình kết nối' đến khát vọng 'chung bước tương lai'
Ngày 27/9/2024, tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCT TCSG) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng tại khu vực Cái Mép…
Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chặng đường phát triển 35 năm “Vươn tầm thế giới - Kết nối toàn cầu”, đánh dấu tròn 20 năm kể từ khi Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn bắt đầu những bước chân đầu tiên trên hành trình mang dấu ấn của nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới.
Nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện tri ân khách hàng tại cụm cảng Cái Mép, hướng đến các cột mốc kỷ niệm của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tại khu vực này, diễn ra với các hoạt động:
Tuần lễ Tri ân khách hàng hiện trường và khảo sát chất lượng dịch vụ tại khu vực Cái Mép (23/9/2024 - 27/9/2024);
Gặp mặt kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống (4/9/2009 - 4/9/2024) Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ và bằng khen của UBND tỉnh BR-VT;
Hội nghị tri ân khách hàng tại khu vực Cái Mép (27/9/2024);
Giải giao hữu thể thao kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT);
TỪ DẤU ẤN TIÊN PHONG CỦA NHÀ KHAI THÁC CẢNG NƯỚC SÂU LỚN NHẤT VIỆT NAM
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Việt Nam. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) là cửa ngõ chiến lược kết nối Việt Nam với thế giới, nằm trên tuyến hành hải quốc tế huyết mạch, kết nối Đông Bắc Á, Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.
Với tầm nhìn chiến lược dài hạn và định hướng phát triển đúng đắn, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đặt dấu ấn đầu tiên tại khu vực này vào gần 20 năm về trước, trở thành nhà khai thác cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với dự án Cảng container Tân Cảng - Cái Mép (TCCT) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép đầu tư xây dựng; tháng 6/2009, Cảng Tân Cảng - Cái Mép đón tàu mẹ đầu tiên MOL Premium (chiều dài 294m, trọng tải toàn phần 73.000 DWT) - con tàu lớn nhất vào thời điểm đó cập cảng tại Việt Nam, mang sứ mệnh đầu tiên kết nối tuyến hàng hải Việt Nam đến châu Âu.
ĐẾN HÀNH TRÌNH KẾT NỐI - HỢP TÁC - ĐỒNG HÀNH, ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA NGÀNH HÀNG HẢI VIỆT NAM VÀ KHU VỰC
Cho đến nay, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã phát triển không ngừng, mở rộng quy mô với các cảng: SITV (năm 2011), cảng Quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT - năm 2009), cảng CMIT (năm 2011), cảng ODA Tân Cảng - Cái Mép (2014, là tiền thân của TCTT sau này), cảng SSIT (năm 2014) và Gemalink (năm 2021), trở thành cụm cảng hiện đại và sôi động bậc nhất Đông Nam Á, xếp hạng thứ 7 trên thế giới về chỉ số hoạt động cảng container (CPPI) do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và và S&P Global Market Intelligence công bố vào tháng 6/2024.
Riêng cụm cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCCT, TCIT và TCTT), tính đến năm 2024 đã đạt tổng sản lượng thông qua 25 triệu Teu, đón hơn 8.000 lượt tàu mẹ, hợp tác với Top 30 Hãng tàu lớn nhất Thế giới và kết nối với 50 cảng trọng điểm trên khắp các châu lục.
Sự phát triển vượt bậc của khu vực Cái Mép - Thị Vải nói chung và cụm cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép (TCCT, TCIT và TCTT) nói riêng, là thành tựu chung tạo nên từ sự tin tưởng, ủng hộ, hợp tác và đồng hành của các cơ quan nhà nước, các đối tác, hãng tàu và khách hàng; là niềm tin vững chắc để Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả cho các tuyến vận tải biển, mang lại giá trị cho khách hàng và đóng góp chung vào sứ mệnh phát triển của toàn khu vực.
“CHUNG BƯỚC TƯƠNG LAI” - ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DỰA TRÊN CÁC GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang ngày càng phức tạp và khó dự đoán. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các khách hàng, hãng tàu, đối tác như 35 năm qua đã và đang không ngừng nỗ lực thực hiện:
Định vị khách hàng làm trung tâm, hướng đến tối ưu trải nghiệm của khách hàng lên hàng đầu thông qua các sự kiện hội nghị tri ân khách hàng, tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ tại các cảng khu vực Cái Mép, nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp từ đó không ngừng hoàn thiện và cải tiến chất lượng dịch vụ;
Tiếp tục nâng cao năng lực khai thác, mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho các Hãng tàu: Hai cảng TCIT và TCTT với năng lực đón các tàu tải trọng 160.000 DWT, đáp ứng tốt nhất nhu cầu cho các cỡ tàu 14.000 Teu; tiếp tục tối ưu lợi thế kết nối hệ thống của hệ sinh thái cảng - logistics Tân Cảng Sài Gòn kết nối trực tiếp và xuyên suốt với cụm cảng Cái Mép thông qua việc tận dụng chuỗi dịch vụ logistics đa phương thức đường bộ, đường thủy nội địa (sà lan), đường biển,… giúp tối ưu hóa phương án vận chuyển, giảm chi phí logistics cho Hãng tàu và Khách hàng; đẩy mạnh đầu tư, liên doanh, hợp tác để tăng dư địa cầu bến và năng lực đón tàu với sự hợp tác khai thác bến chung B3 giữa 02 cảng TCTT – CMIT;
Đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số chuỗi cung ứng và logistics. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình thủ tục, nâng cao hiệu suất khai thác thiết bị. Phát triển giải pháp vận chuyển thủy bộ kết hợp góp phần giảm khí phát thải: đội sà lan trung chuyển phục vụ 80% vận chuyển hàng hóa kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với khu vực lân cận tại Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Campuchia.
Từ “Hành trình kết nối” đến “Chung bước tương lai”, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các Đối tác, Hãng tàu lớn trong việc tiếp tục mở rộng và hoàn thiện Hệ sinh thái Cảng - Logistics Tân Cảng Sài Gòn, làm tiền đề phát triển các Trung tâm Logistics tại khu vực; thực hiện các nghiên cứu phát triển Khu thương mại tự do, là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng, hướng đến phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành “cảng trung chuyển quốc tế”, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng hải và kinh tế quốc gia.