Tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế carbon thấp
Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu, việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng. Đây cũng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước với quyết tâm thực hiện cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon
TS. Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, với cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng theo quy định chống phá rừng EUDR của Ủy ban Châu Âu áp dụng vào cuối năm 2024, sẽ hướng đến nền kinh tế carbon thấp, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xanh, bền vững của các doanh nghiệp.
Liên minh châu Âu (EU) là nơi triển khai thực hiện thị trường carbon sớm nhất trên thế giới, vận hành vào năm 2005, đến nay trải qua 5 giai đoạn. Thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 3 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức trên toàn quốc từ năm 2022. Các nước, như Anh vào năm 2021, Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023.
Khi tham gia thị trường carbon sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm.
Thị trường tín chỉ carbon bảo đảm lợi ích quốc gia, doanh nghiệp
Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hướng đến mục tiêu bảo đảm thị trường tín chỉ carbon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển bền vững.
Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Đề cập đến kinh tế carbon, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE), cho rằng kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không chỉ còn là vấn đề môi trường, mà ngày nay nó đang trở thành xu hướng của thời đại kinh tế.
Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon tự nguyện thế giới gần 20 năm trước. Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng và hiệu quả. Tới nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và là 1 trong 4 nước có dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất.
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu, việc xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trở thành công cụ ngày càng quan trọng.
Thách thức, cơ hội phát triển kinh tế carbon thấp
Đề cập đến thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển kinh tế carbon thấp, TS. Bùi Đức Hiếu cho biết thêm, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế có độ mở lớn. Việc áp dụng sớm thị trường carbon đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải giảm phát thải, sẽ tác động lớn đến nền kinh tế. Mặc dù doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi theo hướng phát triển xanh nhưng đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì không thể chậm hơn, cần phải chuyển đổi, nếu không sẽ tụt hậu với thế giới.
Về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào phát triển nền kinh tế cacbon thấp, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), cho biết Việt Nam có 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu ha rừng trồng sản xuất. Với diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Chính vì vậy theo ông Khanh, bên cạnh thách thức để doanh nghiệp gỗ tham gia vào thị trường carbon rất lớn thì cơ hội cũng không hề nhỏ mà còn tạo tiền đề để hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Khẳng định vai trò của phát triển kinh tế carbon thấp, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, các tiêu chuẩn "xanh" đang được định hình và đẩy nhanh đi vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động và môi trường. Cùng với đó, các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Do đó, phát triển thị trường tài chính xanh, trong đó then chốt là thị trường carbon, sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi xanh thành công. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.
Tại cuộc họp báo cáo về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam diễn ra ngày 8/1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó chủ lực là Bộ Tài chính chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính huy động sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, đội ngũ chuyên gia về cắt giảm khí nhà kính, kinh tế, tài chính, luật pháp quốc tế về biến đổi khí hậu, để nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác. Từ đó đề xuất cách tiếp cận, quan điểm, mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể trong đề án.
Đẩy nhanh việc xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon
Trao đổi về vấn đề chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, chuyển đổi "xanh" là nguồn động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Các tiêu chuẩn “xanh” đang được định hình và đẩy nhanh đi vào thực thi theo hướng gắn thương mại và đầu tư quốc tế với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, lao động và môi trường. Cùng với đó, các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam xác lập, không ngừng gia tăng vị thế trong các chuỗi giá trị xanh toàn cầu.
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ. Trước mắt, Việt Nam dự kiến đẩy nhanh xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế và thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025./.